Biến khí thải cacbon thành… đá

(Dân trí) - Một kỹ thuật mới biến khí thải cacbon mà hiện đang gây biến đổi khí hậu thành đá. Trong một chương trình thử nghiệm ở Iceland, hơn 95% cacbon dioxit (CO2) được bơm vào đá nham thạch bazan, trong vòng hai năm, CO2 bị khoáng hóa thành đá rắn. Quá trình chuyển đổi nhanh đến kinh ngạc này đã tách được CO2 khỏi khí quyển.

Juerg Matter, một nhà địa hóa học tại Đại học Southampton, Anh cho biết: “Kỹ thuật này đang được tiến hành và rất khả thi, đây là giải pháp lâu dài và đủ nhanh để lưu giữ khí thải CO2”

Nhiều kế hoạch lưu giữ cácbon hiện nay được tiến hành bằng cách bơm CO2 xuống lòng đất, tuy nhiên phương pháp này dễ gây rò rỉ. Phương pháp mới nhằm mục tiêu là đá bazan, phần còn lại của quá trình phun trào núi lửa đã nguội, có thể mang lại lợi thế nhiều hơn các loại đá khác. Khoảng 25% đá bazan được hình thành từ các nguyên tố dễ gây phản ứng với CO2 để tạo nên các khoáng chất cacbonat rắn như đá vôi, đây là quá trình xảy ra tự nhiên trong suốt quá trình phong hoá đá. Trước đây, người ta cho rằng quá trình khoáng hóa này phải mất hàng trăm đến hàng ngàn năm trong hầu hết các đá và có vẻ như quá trình diễn ra quá chậm để có thể mang lại lợi ích cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trong giai đoạn ngắn.

Một kỹ thuật mới biến CO2 thành các khoáng chất cacbonat rắn. Các tinh thể cacbonat màu trắng (ở chính giữa, gần chỗ đứt gãy) xuất hiện những khe nứt phía trong ở trong đá bazan. (Annette K. Mortensen)
Một kỹ thuật mới biến CO2 thành các khoáng chất cacbonat rắn. Các tinh thể cacbonat màu trắng (ở chính giữa, gần chỗ đứt gãy) xuất hiện những khe nứt phía trong ở trong đá bazan. (Annette K. Mortensen)

Ở Iceland, Matter và các cộng sự đã trộn nước ngầm với 230 tấn khí thải CO2 từ các nhà máy điện địa nhiệt để tạo ra một loại nước khoáng xenxe. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã bơm hỗn hợp này vào đá bazan nằm dưới mặt đất từ 400-800 mét. Sau khoảng hai năm, nhóm nghiên cứu đã thu thập các mẫu đá sâu - và đã phát hiện ra rằng, hầu như tất cả CO2 đã bị khoáng hóa.

Theo Matter, mặc dù không yêu cầu quan trắc lâu dài nhằm ngăn chặn rò rỉ, tuy nhiên chi phí cho việc khoáng hóa khí thải CO2 (17 USD/1 tấn) đắt gấp đôi so với phương pháp lưu giữ hiện nay. Phương pháp mới này chỉ yêu cầu nước và đá bazan, và Matter cho rằng: "về mặt lý thuyết, chúng ta có đủ đá bazan trên toàn cầu để xử lý tất cả lượng khí CO2 do con người thải ra."

Một nhóm nghiên cứu khác cũng đã thử nghiệm phương pháp mới này. Peter McGrail, một nhà địa hóa học tại Phòng thí nghiệm quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương ở Richland, Wash và các đồng nghiệp đã tiến hành những thử nghiệm tương tự bằng việc sử dụng CO2 tinh khiết không có nước. McGrail cho biết, các kết quả chưa được công bố cho thấy, quá trình khoáng hóa diễn ra nhanh chóng giống như báo cáo của Matter và các đồng nghiệp của ông.

Minh Trang (Theo Sciencenews)