Bị huyết áp cao nên nghe nhạc cổ điển sau khi uống thuốc?

(Dân trí) - Nếu bạn bị huyết áp cao, bên cạnh việc dùng thuốc, nghe nhạc cổ điển cũng có thể giúp ích vì các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng âm nhạc giúp tăng cường đáng kể hiệu quả của các thuốc điều trị huyết áp cao.

Âm nhạc tăng cường ảnh hưởng có lợi của thuốc ngay sau khi thuốc được sử dụng để kiểm soát huyết áp. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tờ Scientific Reports.

Bị huyết áp cao nên nghe nhạc cổ điển sau khi uống thuốc? - 1

Đồng tác giả nghiên cứu, GS Vitor Engracia Valenti tại Đh bang Sao Paul (UNESP) ở Braxin cho biết: “Chúng tôi quan sát thấy âm nhạc cải thiện nhịp tim và tăng cường tác dụng của các thuốc chống huyết áp khoảng 1 giờ sau khi chúng được dùng. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một thử nghiệm để đánh giá ảnh hưởng của kích thích thính giác bằng âm nhạc liên kết với thuốc điều trị huyết áp cao lên nhịp tim và huyết áp ở một nhóm nhỏ bệnh nhân bị huyết áp cao được kiểm soát tốt.

Sau khi dùng thuốc huyết áp đường uống thông thường, bệnh nhân được nghe nhạc qua tai nghe trong 60 phút ở cùng một âm lượng trong 1 ngày. Để so sánh, vào một ngày khác, họ được thực hiện phương thức nghiên cứu tương tự nhưng không được nghe nhạc. Dao động nhịp tim được đánh giá khi nghỉ ngơi tại thời điểm 20, 40 và 60 phút sau khi uống thuốc.

Một số kỹ thuật thống kê và tính toán được sử dụng để phát hiện sự khác biệt giữa nhịp tim ở những thời điểm khác nhau với độ chính xác và độ nhạy cao. Phân tích dữ liệu chỉ ra rằng nhịp tim giảm đáng kể 60 phút sau khi dùng thuốc nếu bệnh nhân được nghe nhạc trong thời gian này. Nhịp tim không giảm đáng kể khi bệnh nhân không nghe nhạc.

Huyết áp cũng đáp ứng mạnh hơn với thuốc khi họ nghe nhạc. Các nhà nghiên cứu thấy rằng tác dụng của thuốc điều trị huyết áp lên nhịp tim tăng lên nhờ nghe nhạc.

Các nhà nghiên cứu đặt ra giả thuyết là âm nhạc kích thích hệ thần kinh đối giao cảm, làm tăng hoạt động dạ dày ruột và tăng tốc độ hấp thu thuốc huyết áp, tăng ảnh hưởng của thuốc lên nhịp tim.

Hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm tạo nên hệ thần kinh tự duy trì sự cân bằng nội môi. Hệ thần kinh giao cảm làm tăng nhịp tim, cản trở mạch máu và tăng huyết áp.

Hệ thần kinh đối giao cảm kiểm soát cơ thể khi nghỉ ngơi, làm chậm nhịp tim, giảm huyết áp, ổn định đường huyết và adrenalin.

Nguyễn Hà

Theo Indianexpress