Quảng Nam:

Làm rõ những lùm xùm quanh dự án BT ở thị xã Điện Bàn

(Dân trí) - Vừa qua, tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, dư luận đang xôn xao đến các Dự án BT của các nhà đầu tư. Qua quá trình tìm hiểu những nhà đầu tư các dự án đầu tư BT tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo Tập đoàn Đất Quảng tại Quảng Nam đã chính thức thông tin về quy trình đầu tư các dự án BT tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn.

Qua tìm hiểu vụ việc, chúng tôi đã làm rõ về quá trình nhận đầu tư một số dự án BT tại thị xã Điện Bàn. Theo đó, từ năm 2013, với cơ chế thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là khu vực Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, BQL Phát triển Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc đã kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng tại Dự án tuyến đường trục chính đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc (trục đường xương sống của đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc).

Làm rõ những lùm xùm quanh dự án BT ở thị xã Điện Bàn - Ảnh 1.

Cơ sở hạ tầng của dự án BT ở Điện Nam – Điện Ngọc đã hoàn thiện, phục vụ nhu cầu cuộc sống của người dân. Trong ảnh: Tượng đài chiến thắng Điện Nam – Điện Ngọc

 Đây là tuyến đường xương sống của Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, phục vụ nhu cầu an sinh xã hội của đông đảo người dân địa phương và góp phần quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc. Nhận thức được tầm quan trọng của tuyến đường này, Tập đoàn Đất Quảng đã xin nhận làm nhà đầu tư để thực hiện thi công hai lý trình của tuyến đường này.

Cụ thể, Dự án DT603, lý trình Km0 + 00 – Km0 + 400 (đoạn 400m) được kêu gọi đầu tư từ năm 2013, thời điểm bất động sản đang xuống đáy, hàng loạt DN kinh doanh bất động sản rơi vào khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm và nỗ lực của Tập đoàn Đất Quảng, DN đã thi công hoàn thiện cơ sở hạ tầng đoạn từ ngã tư Điện Ngọc đến qua trường Dũng Sĩ Điện Ngọc và đã bàn giao đưa vào sử dụng năm 2017. Đây là dự án BT được thanh toán bằng ngân sách nhà nước theo tiến độ quy định tại hợp đồng BT được ký kết giữa DN và BQL Phát triển đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc.

Làm rõ những lùm xùm quanh dự án BT ở thị xã Điện Bàn - Ảnh 2.

Trường THCS Điện Nam - Điện Ngọc được Tập đoàn Đất Quảng hỗ trợ xây dựng đã được đưa vào sử dụng

 Tiếp nối mục tiêu trên, năm 2017, Tập đoàn Đất Quảng tiếp tục xin được làm nhà đầu tư thi công xây dựng phần tiếp theo của trục đường nói trên, lý trình Km2 + 280 – Km2 + 926 (đoạn 646m). Hiện nay, vì vướng công tác giải phóng mặt bằng nên công ty đã triển khai đạt khoảng 30% hạ tầng dự án.

Qua tìm hiểu, được biết phương án thanh toán cho nhà đầu tư đối với đoạn 646m này là nhà nước cân đối quỹ đất trong khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc gồm một phần diện tích khu đô thị số 6, Khu dân cư Phố Chợ Điện Ngọc (giai đoạn 2), một khu đất tại khối phố Giang Tắc, Hà Dừa và xác định giá trị quỹ đất để giao thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT theo quy định.

Việc thanh toán thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, bù trừ chênh lệch giữa giá trị dự án BT và giá trị quỹ đất thanh toán. Trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán lớn hơn giá trị dự án BT thì nhà đầu tư phải nộp phần chênh lệch bằng tiền vào ngân sách nhà nước. Trường hợp giá trị thanh toán quỹ đất nhỏ hơn giá trị dự án BT thì nhà nước thanh toán phần chênh lệch cho nhà đầu tư bằng tiền mặt hoặc bằng quỹ đất khác theo quy định.

Song song với việc thi công xây dựng trục đường, trước nhu cầu phục vụ chỗ ở cho người dân trên địa bàn phường và phát triển hạ tầng khu đô thị, Tập đoàn Đất Quảng đã chủ động thực hiện đầu tư xây dựng dự án Khu dân cư phố chợ Điện Ngọc (giai đoạn 2). Công t Tập đoàn Đất Quảng đã nộp toàn bộ tiền sử dụng đất tương ứng với diện tích đất được giao vào ngân sách nhà nước để được xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Dự án.

Sau này, khi dự án BT đoạn 646m hoàn thành và được nghiệm thu thanh toán, nếu giá trị quỹ đất đã thanh toán lớn hơn giá trị dự án BT thì Tập đoàn Đất Quảng sẽ nộp phần chênh lệch còn lại vào ngân sách.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Đất Quảng chia sẻ, riêng khu đất tại khối phố Giang Tắc, Hà Dừa có diện tích khoảng 45ha để phục vụ BT nhưng qua quá trình khảo sát thực tế, Tập đoàn Đất Quảng chỉ thực hiện được từ 5-6ha để làm dự án, còn lại phần lớn là đất ở, mật độ dân cư dày đặc.

Do đó, việc đền bù giải phóng mặt bằng là rất khó khăn, thậm chí là không thực hiện được. Vậy nên nếu đầu tư xây dựng tại khu đất này thì hiệu quả kinh doanh gần như là không có. Chính vì thế, dư luận không hiểu và cho rằng, các dự án BT là DN lấy đất không, điều đó hoàn toàn không đúng.

Mạnh Cường