Xuất hiện tình huống liên quan đến F0, Sở GD&ĐT cấp bách chỉ đạo

Trần Lê

(Dân trí) - Do xuất hiện tình huống liên quan ca F0 đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh của một số trường học, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ngày 26/8, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa đã có công văn về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và chuẩn bị các điều kiện, phương án tổ chức hoạt động giáo dục năm học 2021-2022 trong tình hình mới.             

Xuất hiện tình huống liên quan đến F0, Sở GDĐT cấp bách chỉ đạo - 1

Trong ngày 23/8, học sinh lớp 1 tại Thanh Hóa đã tựu trường.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, tại địa phương, chiều 25/8 xuất hiện 3 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng (F0) ở huyện Nông Cống; đã phát sinh F1, F2, F3 sang các huyện Yên Định, Như Thanh và TP Thanh Hóa.

Theo đó, đã xuất hiện tình huống liên quan đến ca bệnh (F0) nói trên đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh của một số trường học trong tỉnh (Trường THPT Nông Cống 1, huyện Nông Cống; Trường Tiểu học Phú Nhuận, huyện Như Thanh).

Trước tình hình trên, Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học khẩn trương tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và chuẩn bị phương án tổ chức hoạt động giáo dục năm học 2021-2022.

Cụ thể: Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Nông Cống tuyệt đối nghiêm chỉnh chấp hành việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn và các chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, tổ chức thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại cơ quan, đơn vị; chịu trách nhiệm trước giám đốc Sở và cơ quan quản lý nếu thiếu trách nhiệm, để xảy ra dịch bệnh Covid-19 tại cơ quan, đơn vị do mình phụ trách.

Đồng thời, khẩn trương, tiếp tục quán triệt đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, người học và các bậc phụ huynh nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tuyên truyền, khuyến cáo cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh không đi, đến các vùng có dịch đã được công bố trong tỉnh và cả nước; không tổ chức dạy thêm, học thêm trực tiếp tại trường và tại nhà để đảm bảo an toàn cho năm học mới.

Phân công trực ban lãnh đạo 24/24h đối với các đơn vị, trường học để kịp thời ứng phó với tình huống khẩn cấp liên quan đến dịch bệnh Covid-19, báo cáo ngay với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương; khẩn trương tổ chức rà soát, thống kê các trường hợp F0, F1, F2 là cán bộ, giáo viên, học sinh của đơn vị, báo cáo về Sở GD&ĐT trước 16h hàng ngày, kể từ 26/8.

Về chuẩn bị các điều kiện, phương án tổ chức hoạt động giáo dục năm học 2021-2022 trong tình hình mới, Sở GD&ĐT yêu cầu tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các nội dung hướng dẫn của Sở, trong đó đặc biệt lưu ý việc rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giáo viên; tổng vệ sinh lớp học, khuôn viên trường học, khử khuẩn và trang bị các phương tiện phòng dịch…).

Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị chủ động xây dựng các phương án, kịch bản tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với tình hình dịch, bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn.

Trong đó, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên phải hết sức linh hoạt triển khai, thực hiện theo 3 cấp độ.

Cấp độ 1 (trên địa bàn chưa thực hiện giãn cách xã hội, học sinh đến trường bình thường), tranh thủ tập trung nguồn lực, tăng thời lượng dạy học để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình giáo dục như: Tăng tiết, tăng buổi, trước mắt là dạy học cả ngày thứ bảy (có thể kết hợp hình thức online, qua truyền hình, giao bài tập qua hình thức OTT). Tạm thời chưa tổ chức dạy thêm, học thêm tại trường học.

Cấp độ 2 (trên địa bàn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ): Tổ chức dạy học 2 ca/ngày sáng và chiều, mỗi ca bố trí chỉ 50% học sinh đến trường. Tập trung dạy học những nội dung cốt lõi, các nội dung khác tổ chức dạy bù khi có điều kiện; kết hợp hình thức online, qua truyền hình, giao bài tập qua hình thức OTT.

Cấp độ 3 (trên địa bàn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, học sinh dừng đến trường): Hoạt động giáo dục chỉ tổ chức bằng hình thức online hoặc qua truyền hình, kết hợp giao bài tập qua hình thức OTT. Riêng giáo dục tiểu học chỉ đặt mục tiêu duy trì trạng thái học tập cho học sinh.

Đối với Giáo dục mầm non, khi dịch bệnh xảy ra không tổ chức dạy học trực tuyến cho trẻ, mà thực hiện việc hỗ trợ, hướng dẫn cha mẹ chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà.

Các cơ sở giáo dục mầm non tích cực làm tốt công tác phối hợp với phụ huynh trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; xây dựng và đăng tải các video clip, kho tài liệu, học liệu trực tuyến hướng dẫn cha mẹ trẻ thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ theo hình thức OTT (qua website, facebook, fanpage, zalo, youtube,…).

Các đơn vị thay đổi hình thức dạy học do dịch bệnh Covid-19 phải xây dựng phương án, báo cáo về Sở GD&ĐT trước ngày 1/9/2021 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Đối với hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học, dịch vụ tư vấn du học, giáo dục kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ chính khóa trên địa bàn chỉ tổ chức hoạt động giáo dục tại trung tâm (trừ những nơi đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16); Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm với chính quyền địa phương về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khi tổ chức các hoạt động tại đơn vị. 

Tạm thời không tổ chức các hoạt động giáo dục bằng hình thức tập trung, trực tiếp trong các trường học.