DNews

Vòng xoáy nợ nần vì đóng góp đầu năm học để "mua chữ" cho con

Huy Hậu Nguyễn Vy Huyên Nguyễn

(Dân trí) - "Toàn bộ quần áo, sách vở, học phí… hết hơn 10 triệu đồng. Tất cả đều được vay để con có thể đi học theo bạn bè", chị Cao Thị Diệu chua xót nhắc đến những khoản đóng góp năm học mới.

Vòng xoáy nợ nần vì đóng góp đầu năm học để "mua chữ" cho con

Gánh nặng mùa "thu"

Chị Cao Thị Diệu (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) vẫn không thể quên cảm giác ngại ngùng khi phải chạy khắp nơi, gom góp đủ tiền cho hai con vào năm học mới.

Toàn bộ quần áo, sách vở, học phí… hết hơn 10 triệu đồng. Tất cả đều được chị đi vay để con có thể đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Vừa nói, chị Diệu vừa lôi ra đếm vài chục ngàn cuối cùng còn trong túi trước ngày Trung thu.

Ngoài học phí, chị Diệu còn "đau đầu" lo các khoản thu ngoài của con gái gồm: tiền học STEM, học bán trú, học thêm tiếng Anh, mái che trường, tivi, quỹ hộ nghèo… Trung bình mỗi tháng đóng thêm khoảng 500.000 đồng mỗi bé.

Theo chị Diệu, đây là những khoản học môn liên kết không bắt buộc nhưng nếu không học, con gái chị phải nghỉ giữa giờ và ngồi ngoài lớp. "Không muốn các bé đứng ngoài chờ nên phụ huynh phải đóng tiền", chị Diệu kể.

Cả đời làm công nhân của chị Diệu được vắn tắt một cách gọn lỏn: "Vật giá tăng gấp 2-3 lần nhưng khoản lương 13 năm mãi dậm chân ở mức 9 triệu đồng".

Một mình nuôi con chị Diệu chưa bao giờ dám rời khỏi cái phòng trọ 850.000 đồng/tháng.

"9 triệu chỉ đủ nuôi 2 đứa, trả tiền ở, cha nó lúc thì phụ, lúc thì không, nên đầu năm học nào cũng phải lo nghĩ", chị Diệu nói.

Vòng xoáy nợ nần vì đóng góp đầu năm học để mua chữ cho con - 1

Chị Diệu chia sẻ 13 năm làm công nhân mức lương chỉ đủ chi trả cuộc sống, không có đồng tiền dư (Ảnh: Nguyễn Vy).

Là phụ huynh của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tây (TP Thủ Đức, TPHCM) - ngôi trường được gọi là trường của con công nhân, con dân lao động nghèo - nhưng anh Nguyễn Văn Thành (tên nhân vật đã được thay đổi) cảm thấy đôi vai nặng trĩu vì gánh nặng tiền bạc.

Con anh Thành mới học lớp 1 nhưng ngoài chương trình học chính khóa còn phải học thêm gần chục tiết học liên kết. Dù nhà trường chưa công bố mức học phí học thêm nhưng tham khảo từ các lớp trên, anh Thành được biết mỗi học sinh sẽ đóng thêm khoảng 500.000 đồng/tháng.

"Học sinh lớp 1 đã học 8 tiết liên kết/tuần, lớp 2 học 9 tiết/tuần, xếp đan xen vào thời khóa biểu chính khóa khiến phụ huynh khó từ chối. Phản giáo dục ở chỗ nếu không đăng ký môn đó sẽ bị cô nhắc nhở. Đồng thời, cô cũng tuyên bố trên nhóm lớp. Không học thì các con phải ra khỏi lớp"", người cha chua chát kể.

Vòng xoáy nợ nần vì đóng góp đầu năm học để mua chữ cho con - 2

Lời tuyên bố nếu không đăng ký học môn liên kết học sinh phải ra khỏi lớp khiến phụ huynh dù không muốn cũng đành tự nguyện một cách ép buộc (Ảnh: Phụ huynh cung cấp).

Anh Nguyễn Văn Thành ước lượng số tiền học phí các môn liên kết mà trường con anh thu về mỗi tháng. Cụ thể, mỗi khối có 17 lớp, mỗi lớp tối thiểu 45 học sinh, cả trường có 5 khối lớp tương đương với 3.825 học sinh. Nếu 100% học sinh đăng ký tham gia đầy đủ các tiết liên kết với mức học phí 500.000 đồng/tháng, số tiền nhà trường thu về là hơn 1,9 tỷ đồng/tháng.

Với mức thu nhập của các phụ huynh là công nhân, người lao động ở khu vực nơi anh sinh sống thì số tiền trên quả thực quá lớn.

"Nơi tôi ở là vùng ven của thành phố, đa phần các gia đình là công nhân. Từ sau đại dịch Covid-19, công việc không có, người có việc thì lương giảm hơn nửa, rất tội. Con cái học hành tốn kém. Giờ thêm các môn liên kết càng tốn kém hơn. Nhà hai đứa con mất thêm 1 triệu đồng/tháng.

Lẽ ra phải giảm gánh nặng cho phụ huynh thì việc có quá nhiều khoản thu thêm khiến phụ huynh vô cùng mệt mỏi, tăng áp lực", anh Thành chia sẻ.

Đủ loại thu...

"Ở lớp, phụ huynh tranh luận rất nhiều vì mua một chiếc tivi", chị Hương (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) lên tiếng về thu chi đầu năm học.

Đầu tháng 9, lớp học của con trai Hương được yêu cầu cần phải đóng thêm các khoản phụ thu gồm tivi, mái che, rèm cửa, rác và nước uống với tổng chi phí 500.000 đồng/học sinh.

Mọi thứ không có gì đáng nói khi giáo viên chủ nhiệm đề nghị chiếc tivi trị giá 7,5 triệu đồng để phụ giúp việc học của con em suốt 5 năm tiểu học. Ban đầu, giáo viên quyết định số tiền sẽ thu dựa trên tinh thần tự nguyện. Thế nhưng, sau một thời gian, con số thu được chỉ dừng lại ở mức 5 triệu đồng.

"Hội trưởng hội phụ huynh ứng trước 2 triệu đồng đi mua, sau đó tính thu thêm đợt 2 thì một số người không đóng. Bắt những ai có điều kiện kinh tế đóng nhiều hơn, họ nhất quyết không chịu", chị Hương nhớ lại.

Vòng xoáy nợ nần vì đóng góp đầu năm học để mua chữ cho con - 3

Cùng nuôi 2 đứa con đi học khiến kinh tế gia đình chị Hương kiệt quệ (Ảnh: Nguyễn Vy).

Một cuộc cãi vã, lời qua tiếng lại đã diễn ra trong nhóm trao đổi chung của phụ huynh. "Bài toán tivi" không có gì lớn, thế nhưng theo chị Hương, vì trường nằm ở khu vực khu công nghiệp, chủ yếu là con em công nhân, điều kiện kinh tế càng eo hẹp sau khi bị cắt giảm giờ làm khiến tất cả đều khó khăn.

"Cuối cùng, cô giáo chỉ còn cách chia đều 7,5 triệu đồng, mỗi người chịu trách nhiệm đóng 200.000 đồng, lúc đó mọi thứ mới thực sự kết thúc", chị Hương nói.

Bên cạnh các khoản thu thêm, chỉ riêng số tiền đầu năm lo cho con trai vào lớp 1, chị Hương còn phải đóng thêm phí bảo hiểm 800.000 đồng, học ngoài giờ 1,7 triệu đồng, tiền đưa rước, tiền bán trú… Đó chỉ là những khoản tối giản nhất để Hương lo cho 1 trong 2 đứa con.

"Khoản phụ thu phải đóng đã hơn 1 triệu đồng, nhiều hơn năm ngoái vì các khoản phát sinh. Nuôi 2 đứa con tốn 10 triệu đồng/tháng nên với công nhân, không vay nợ đã là may mắn lắm rồi!", anh Đạt (33 tuổi, chồng chị Hương) nói thêm.

12 năm trước, vợ chồng Đạt rời Thanh Hóa vào TPHCM với ước mơ đổi đời. 12 năm ở đất người là 12 năm gắn liền với cuộc sống "công nhân", mức lương 9 triệu đồng/tháng.

Đầu năm 2023, Đạt thấy tên mình trong danh sách cắt giảm giờ làm, sự xót xa dâng lên tận mí mắt.

"Con đầu vào cấp 1, con nhỏ mới 15 tháng tuổi, hai vợ chồng anh phải xoay vòng với tiền học, phí gửi trông trẻ. Tài khoản lúc nào cũng chỉ dư 1-2 triệu trong thẻ. Nếu con bệnh lấy ra chi là hết chứ không có dư. Lúc nào thiếu là chạy xuống chủ trọ xin mượn, rồi tháng sau lại trả, cứ vậy", Hương nói.

Hoàn cảnh của chị Diệu, chị Hương, anh Thành... không phải là trường hợp đơn lẻ của công nhân sau tình trạng cắt giảm nhân sự, giờ làm đầu năm 2023.

"Năm ngoái, tôi từng chứng kiến một phụ huynh nợ tiền học phí của con và bị nhà trường nhắn tin nhắc nhở. Năm nay tôi phải cố để không rơi vào cảnh tương tự. Còn ít tiền, cả nhà sống tằn tiện thêm vài hôm", chị Lê Thị Hường (quê Thanh Hóa) trăn trở.

Vòng xoáy nợ nần vì đóng góp đầu năm học để mua chữ cho con - 4

Đầu năm học với nhiều khoản thu đã thành gánh nặng của chị Hường và nhiều công nhân nghèo (Ảnh: Nguyễn Vy).

Trước đây, Hường làm công nhân hơn 20 năm ở Công ty TNHH Pouyuen. Đầu 2023, chị bị sa thải. Xin việc khắp nơi không công ty nào nhận, chị xin phụ việc tại tiệm tóc, quán hủ tiếu. Làm việc 12 tiếng/ngày nhưng thu nhập của chị chỉ vỏn vẹn 6 triệu đồng/tháng.

Đó là toàn bộ thu nhập để chị Hường nuôi con và duy trì cuộc sống tại thành phố lớn.

Không riêng chị Hường, trong số 3.000 công nhân ở 6 tỉnh, thành phố qua khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy chỉ hơn 24% người lao động có thu nhập vừa đủ đáp ứng chi tiêu cơ bản.

75,5% người lao động cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng 45% nhu cầu chi tiêu (theo khảo sát 3.000 công nhân ở 6 tỉnh, thành phố). Trước thực tế thu nhập không đủ chi, các khoản thu học phí, phụ thu đã trở thành áp lực nặng nề với nhiều công nhân.

Nhằm có thêm thu nhập, 52,3% người lao động chấp nhận làm thêm giờ, trung bình 1,75 giờ/ngày. Điều này cũng ảnh hưởng đến 53% người lao động, vì họ có xu hướng cân nhắc đến việc lập gia đình, không sinh con, gửi con về quê.

Vòng xoáy nợ nần vì đóng góp đầu năm học để mua chữ cho con - 5

75,5% người lao động cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng nhu cầu chi tiêu của họ (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Vòng luẩn quẩn không lối thoát

Cái vòng luẩn quẩn "vay rồi tháng sau trả" đã trở thành một điều hiển nhiên trong cuộc sống công nhân của nhiều gia đình. Thế nhưng, nhiều người kiên quyết dù nghèo, vẫn sẽ cố "mua chữ" cho con sau này bớt khổ.

"Tôi đây là đỡ rồi, mình còn làm, còn sức, còn trả, cắt giảm tiền ăn, tiền sữa cho con. Tôi chỉ có một niềm tự hào là có hai đứa con học giỏi. Có nhiều người không có tiền cho con đi học, thậm chí không tiền trọ mà phải mang con đi trốn nợ cả đêm", chị Diệu cười.

Vòng xoáy nợ nần vì đóng góp đầu năm học để mua chữ cho con - 6

Chị Diệu chia sẻ dù nghèo vẫn nhất quyết không bao giờ cho con nghỉ học (Ảnh: Nguyễn Vy).

Những ngày cuối tuần, vợ chồng anh Đạt bế con sang nhà ngoại ăn cơm "ké". Đó là cách người đàn ông trưởng thành phải làm nhằm tiết kiệm chi phí tối đa cho ngày đầu năm học của con.

"Lương tới tay là nghĩ tới chuyện đóng tiền học cho con trước, sợ trễ thì cô nhắn tin hối. Ở đây công nhân đều vậy", nam công nhân ngậm ngùi.

12 năm bám trụ Sài Gòn, vợ chồng Hường càng cảm nhận rõ hơn sự bấp bênh của công việc theo giờ làm. Tháng vừa rồi, lần lượt từng công nhân đã rời dãy trọ để về quê. Mỗi lần nhìn cánh cửa phòng trọ bên cạnh đóng lại, chị lại ngậm ngùi.

Vợ chồng anh chị quyết định năm sau khi con nhỏ vào lớp 1, cả gia đình sẽ về quê.

"Học hành ở đây tốn kém, ở lại tôi sợ không đủ khả năng nuôi con", chị Hương nói. "Nhưng về rồi anh chị tính làm gì?", phóng viên đặt câu hỏi.

"Thì vẫn tiếp tục công nhân!", Hương trả lời nhẹ tênh…

Nội dung: Huyên Nguyễn, Huy Hậu, Nguyễn Vy