DMagazine

Vì sao giáo viên "cay đắng" bỏ nghề ?

(Dân trí) - 15 năm tâm huyết với nghề giáo, cô Phương Dung vẫn phải "cay đắng" lựa chọn bỏ nghề bởi không nhìn thấy tương lai…

Vì sao giáo viên cay đắng bỏ nghề ? - 1
Vì sao giáo viên cay đắng bỏ nghề ? - 3

Một trong những lý do lớn khiến nhiều giáo viên bỏ nghề là "vô vọng" về cơ hội được ký biên chế, dù đã nỗ lực suốt thời gian dài trên danh nghĩa giáo viên hợp đồng, không chế độ, lương chỉ tính bằng số tiết dạy thêm.

Chị Phương Dung (giáo viên Tiếng Anh, quê Hải Phòng) tốt nghiệp đại học từ năm 2007, tới nay đã ra trường 15 năm. Sau 3 năm làm trợ giảng tại Hà Nội, năm 2010, chị Dung về quê và xin vào làm việc ở một trường THCS gần nhà.

Chị tâm sự, do huyện không có chỉ tiêu tuyển giáo viên nên muốn theo nghề, chị chỉ có thể làm việc theo diện hợp đồng trường (trường tự tuyển do thiếu giáo viên), thực chất được trường gọi là "giáo viên thỉnh giảng".

"Làm giáo viên hợp đồng có nghĩa ở tất cả buổi học chính khóa là buổi sáng, chúng tôi đều đi dạy nhưng không nhận được đồng lương nào. Tới những tiết học thêm buổi chiều, người ta sẽ trích phần trăm cho chúng tôi.

Ví dụ, 7.000 đồng/tiết học thêm cho một học sinh, mỗi buổi chiều học sinh học 4 tiết thì mỗi em nộp 28.000 đồng. Nhà trường sẽ trích 67% trong số 28.000 đồng này để trả cho giáo viên trực tiếp giảng dạy. Những năm Covid-19, học sinh nghỉ học trực tiếp, chúng tôi cũng không được nhận lương", chị Dung nói.

Vì sao giáo viên cay đắng bỏ nghề ? - 5

Nữ giáo viên chia sẻ, do chị dạy một trong những môn chính, có học thêm nên có thể trông chờ tiền lương từ các buổi dạy chiều. Tuy nhiên, với các giáo viên diện hợp đồng trường dạy môn phụ như Vật lý, Sinh học, Hóa học, Địa lý,… học sinh không học bồi dưỡng buổi chiều nên giáo viên "cả năm đi dạy không một đồng nào".

Họ vẫn bám trụ bởi chờ đợi một ngày nào đó có đợt thi biên chế. Họ tin rằng kỳ thi biên chế sẽ xét nhiều yếu tố liên quan như số năm công tác, thành tích giảng dạy nên cố gắng chờ đợi qua năm này đến năm khác. "Tôi biết một đồng nghiệp dạy hợp đồng trường môn Địa lý đã 9 năm. Tôi hỏi, sao không bỏ nghề đi làm nghề khác, chị ấy bảo cứ cố đợi thêm năm nữa…", chị Dung kể.

Vì sao giáo viên cay đắng bỏ nghề ? - 7

Sau 11 năm làm việc tại trường THCS ở quê nhà, năm 2021, chị Dung được ký hợp đồng huyện. Tới năm 2022, chị vui mừng khi thấy có đợt thi biên chế. Tuy nhiên, cả huyện chỉ lấy 3 chỉ tiêu cho môn Tiếng Anh. Sau vòng thi vấn đáp chưa đến 10 phút, chị Dung trượt kỳ thi biên chế, đánh mất cơ hội đã chờ đợi suốt 12 năm.

"Tôi cứ nghĩ khi thi biên chế, người ta sẽ xét ưu tiên hợp đồng huyện trước và cũng phải xét đến năm kinh nghiệm, thành tích của giáo viên. Tôi có rất nhiều học sinh giỏi trong các kỳ thi suốt 12 năm giảng dạy. Kỳ thi biên chế không phải thi viết mà là thi vấn đáp, lại không có sự giám sát của Sở GD&ĐT, chỉ có những giáo viên trong huyện được cử ra để phỏng vấn.

Tôi rất buồn và chán nản. Đã cố gắng nhiều năm nay để theo đuổi, xem mình có được một công việc ổn định hay không, nhưng đến thời điểm đó thực sự nản. Tôi nghĩ cứ theo mãi thế này, không biết đến bao giờ mới được biên chế", chị tâm sự.

Vì sao giáo viên cay đắng bỏ nghề ? - 9

Theo chị Phương Dung, dù được thông báo chia đều bình quân số tiết cho giáo viên trong huyện vẫn đủ nhưng trên thực tế giảng dạy, chị nhận thấy giáo viên Tiếng Anh thiếu khá nhiều.

Cụ thể, giáo viên chính của mỗi trường chỉ đảm bảo được tối đa 6 lớp nên nếu không có giáo viên hợp đồng, số lớp giáo viên biên chế phải dạy sẽ tăng lên nhiều hơn, như vậy giáo viên biên chế "không còn lịch để đáp ứng".

Sau một thời gian bàn bạc cùng gia đình, chị Dung quyết định xin nghỉ việc, từ bỏ công việc bản thân dành rất nhiều tâm huyết trong mười mấy năm.

"Tôi buồn, hụt hẫng chứ. Nhưng năm nay tôi 40 tuổi rồi, chờ đợi từng ấy năm không được biên chế nên không muốn cố gắng nữa. Tôi dự định túc tắc dạy thêm ở nhà, kiếm đồng nào hay đồng đó để phụ gia đình", chị chia sẻ.

Vì sao giáo viên cay đắng bỏ nghề ? - 11

Đang công tác tại Trường Mầm non xã Xuân Cao (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa), cô Dương Thị Phương (SN 1995) được biệt phái về Trường Tiểu học Tân Thành 2 (xã Tân Thành, Thường Xuân) giảng dạy.

Vì sao giáo viên cay đắng bỏ nghề ? - 13

Từ giáo viên Mầm non lên làm giáo viên Tiểu học, thời gian đầu với cô Phương gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Thanh Tùng).

Năm 2019, chị được biên chế tại Trường Mầm non xã Xuân Cao. Một năm sau, khi công việc vừa ổn định, chị bất ngờ được biệt phái lên dạy Tiểu học.

"Do Trường Tiểu học Tân Thành 2 thiếu giáo viên, vì đã qua đào tạo sư phạm Tiểu học nên giữa tình thế cấp bách, tôi được biệt phái về đây để giảng dạy", cô Phương chia sẻ.

Theo cô Phương, quá trình chuyển từ giáo viên Mầm non lên dạy Tiểu học đã khiến cô gặp không ít khó khăn. Nếu như trước đây, từ nhà đến trường chỉ vài trăm mét thì nay, mỗi ngày cô Phương phải di chuyển 20km. "Để kịp đến lớp, tôi phải dậy từ sáng sớm và trở về nhà vào tối muộn", cô Phương tâm sự.

Chưa hết, vì đường xa nên các chi phí như xăng xe, ăn ở cũng tăng khiến việc chi tiêu của nữ giáo viên phải thắt chặt hơn.

Vì sao giáo viên cay đắng bỏ nghề ? - 15

Thay đổi môi trường công tác nên phải mất một thời gian dài, cô Phương mới làm quen được với công việc mới. Từ soạn giáo án đến kế hoạch giảng dạy cũng thay đổi. "Dạy ở Mầm non cũng áp lực lắm, tuy nhiên khi chuyển lên dạy Tiểu học mới biết công việc áp lực hơn nhiều", nữ giáo viên chia sẻ.

Vì sao giáo viên cay đắng bỏ nghề ? - 17

Tốt nghiệp ngành Sư phạm Địa lý của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trần Trà My, giáo viên môn Địa lý tại một trường THCS ở quận Long Biên (Hà Nội), cầm tấm bằng loại Giỏi đi xin việc với rất nhiều hy vọng. Tuy nhiên, đứng trên bục giảng chưa được bao lâu, Trà My đã phải đối diện với thực tế lương thấp.

Cô khẳng định: "Với mức lương như hiện nay, việc giáo viên bỏ lớp chuyển sang làm nghề khác có thu nhập cao hơn là điều dễ hiểu".

My cho biết, lương của cô hiện tại là 3,4 triệu đồng/tháng, tính theo số tiết dạy. Mỗi tuần cô dạy 17 tiết, nhưng mỗi ngày phải làm việc trung bình 15 tiếng. Ngoài thời gian đứng lớp, Trà My phải thực hiện các công việc khác, như soạn kế hoạch dạy học, họp hội đồng, họp tổ chuyên môn, hoàn thiện sổ sách và các cuộc thi, đánh giá dành cho giáo viên.

"Tôi cảm thấy mức lương hiện tại không tương xứng với công sức mình bỏ ra và không đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Công việc thực tế khác xa với những gì tôi từng tưởng tượng. Ngoài áp lực về chuyên môn, tôi còn có những áp lực khác liên quan đến thi viên chức, làm sổ sách, thao giảng, dự giờ, chất lượng học sinh,...", Trà My chia sẻ.

Với chi phí sinh hoạt và tiền thuê nhà hết khoảng 4 triệu đồng/tháng, mức lương 3,4 triệu đồng không đủ để My trang trải cuộc sống. Cô phải nhận thêm việc trông bán trú cho học sinh để tăng thu nhập.

Vì sao giáo viên cay đắng bỏ nghề ? - 19

Minh Hà (sinh năm 1996, quê Nghệ An) đã tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 2018. Hơn 4 năm nay, Hà làm quản lý cho một chi nhánh của chuỗi quán ăn ở Hà Nội với mức lương khoảng 15 triệu đồng/tháng.

Cô gái trẻ tâm sự, ngay khi chưa ra trường đã không nghĩ đến việc sẽ xin theo nghề giáo. Lý do một phần bởi từ năm cuối, Hà nhận được lời mời về làm quản lý cho chi nhánh quán ăn từ người quen.

Tuy nhiên, lý do lớn hơn là Hà xác định ở Hà Nội, cô không có mối quan hệ nào "trong ngành", không quen biết, không tiền bạc, không biết có kênh nào tuyển dụng.

Trong khi đó, nếu may mắn xin được việc thì với mức lương giáo viên khi mới ra trường, Hà cũng không thể trang trải cuộc sống, giúp đỡ gia đình.

"Theo tìm hiểu của tôi, ở các trường liên cấp hay trường quốc tế, chế độ đãi ngộ khá tốt. Nhưng những trường đó yêu cầu rất cao, thời gian tuyển lại ngắn nên rất khó trúng tuyển.

Vì sao giáo viên cay đắng bỏ nghề ? - 21

Cô giáo Lê Thị Sen, đang dạy hợp đồng tại một trường THPT tại Hà Nội cũng từng tính bỏ nghề để làm việc khác. Tháng vừa qua, nữ giáo viên nhận lương 4,4 triệu đồng, trong khi tiền thuê nhà và sinh hoạt phí mỗi tháng hết 3,5 - 4 triệu đồng.

Sen cho biết, tiền lương hết "nhanh như một cơn gió", nhưng cô lại không thể làm thêm việc gì để trang trải cuộc sống vì không còn thời gian. Từ ngày đi dạy, Sen thường xuyên phải thức đến 1 rưỡi sáng để soạn bài. Dạy 14 tiết/tuần nhưng ngoài thời gian đứng lớp, cô còn phải soạn giáo án, thiết kế bài giảng trên Powerpoint, chấm bài...

Với công sức và thời gian bỏ ra như vậy, Sen cho rằng mức lương mình nhận được là chưa thỏa đáng. "Là một người mới ra trường và đi dạy, tôi vỡ mộng vì công việc khác xa với hình dung. Tôi từng có suy nghĩ bỏ nghề giáo để đi làm việc khác, nhưng nghĩ đến việc bố mẹ đã vất vả nuôi mình ăn học mà tôi lại bỏ nghề thì phụ công bố mẹ quá, tôi phải tiếp tục bám trụ", Sen nói.

Thầy giáo Vi Xuân Phương (SN 1983), giáo viên Âm nhạc, được biên chế tại Trường Tiểu học Tân Thành 2 (Thanh Hóa) từ năm 2008. Do Trường THCS Tân Thành thiếu giáo viên Âm nhạc nên thầy Phương được phân công giảng dạy liên trường, liên cấp.

"Từ khi tôi dạy đến nay chưa bao giờ thấy địa phương đủ giáo viên. Việc dạy liên trường, liên cấp có rất nhiều bất cập", thầy Phương chia sẻ.

Vì sao giáo viên cay đắng bỏ nghề ? - 23

Theo thầy Phương, việc công tác liên trường, liên cấp dẫn đến công việc bị chồng chéo. Ngoài ra, việc soạn giáo án cũng trở nên vất vả đối với giáo viên, công suất làm việc hằng ngày cũng tăng gấp đôi so với giáo viên bình thường. 

Cũng theo thầy Phương, vì dạy liên trường, liên cấp nên nhiều năm qua thầy không được nghỉ ngày thứ 7 theo quy định của giáo viên Tiểu học.

"Có những hôm tiết dạy dày quá, vừa dạy xong bên này phải vội vã chạy sang bên kia cho kịp giờ, cũng may hai trường gần nhau, nếu ở xa hơn thì không thể đảm nhận được", thầy Phương cho biết thêm.

Không chỉ khó khăn trong giảng dạy, việc dạy liên trường, liên cấp với số lượng học sinh đông khiến thầy Phương không thể nhớ hết tên từng em học sinh mà mình đã giảng dạy.

Theo thầy Lang Trọng Hưng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thành 2, tình trạng thiếu giáo viên ở trường diễn ra đã nhiều năm nay. Hiện toàn trường có 211 học sinh, trong khi đó chỉ có 12 giáo viên khiến công tác giảng dạy gặp nhiều khó khăn.

Vì sao giáo viên cay đắng bỏ nghề ? - 25

Ngoài ra, đối với các em lớp 3 thì môn Tin học và tiếng Anh là hai môn bắt buộc nhưng do thiếu giáo viên và máy tính nên đến nay các em chưa thể học môn học này", thầy Hưng cho biết.

Ông Lâm Anh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) thông tin, hiện nay trên địa bàn huyện đang thiếu giáo viên Tiểu học, toàn huyện có 9.521 học sinh Tiểu học, trong khi đó chỉ có 574 giáo viên.

"Cấp Tiểu học đang thiếu gần 100 giáo viên. Nguyên nhân thiếu giáo viên là chỉ tiêu biên chế hằng năm cho các huyện còn hạn chế", ông Tuấn cho hay.

Theo ông Tuấn, để đảm bảo công tác giảng dạy tại các trường thiếu giáo viên, phương án trước mắt của địa phương chủ yếu động viên giáo viên đang công tác tăng tiết, tăng giờ, bố trí các giáo viên đặc thù dạy liên trường.

Vì sao giáo viên cay đắng bỏ nghề ? - 27

Minh Hà, cử nhân sư phạm quyết định không theo nghề giáo tâm sự, một người bạn thân cùng lớp đại học với cô dù đã đỗ công chức sau thời gian dài cố gắng nhưng cũng quyết định từ bỏ nghề giáo.

Lý do bởi khi đỗ công chức, cô gái được sắp xếp về dạy ở một huyện miền núi xa xôi thuộc tỉnh Nghệ An, cách nhà 200km. Ký túc xá nơi giáo viên ở thiếu thốn trăm bề, học sinh đều là người dân tộc thiểu số, nói tiếng Kinh chưa sõi nên việc dạy khá khó khăn. Trong khi đó, lương trả cho giáo viên không cao, tiền dạy thêm một kỳ mới được nhận một lần, mỗi lần mười mấy triệu.

"Cả 5-6 tháng trời mới được nhận tiền dạy thêm như vậy trong khi tiền lương cũng không nhiều. Mà điều kiện ở trên đó rất thiếu thốn, thực phẩm hầu như phải tự túc. Mỗi lần về quê, bạn ấy phải đi xe máy rất vất vả để mang đồ ăn lên.

Cuối cùng, bạn ấy quyết định bỏ ngang việc, ra khỏi ngành và sang Nhật đi làm với chồng. Bạn ấy bảo đi dạy để thỏa mãn đam mê thế là đủ rồi, không thể nào sống với nghề ở vùng đất xa xôi, với chế độ như vậy. Mai này còn con cái, không biết lo cho con thế nào", Hà kể.

Vì sao giáo viên cay đắng bỏ nghề ? - 29

Nói về vấn đề nhiều địa phương đang thiếu giáo viên nghiêm trọng, Hà cho rằng, hiện trạng này chắc chắn có. Tuy nhiên, sẽ đa số thiếu ở những vùng ít người muốn đến, như vùng sâu vùng xa hay những vùng có điều kiện khó khăn.

"Tôi nghĩ điều đầu tiên để thu hút giáo viên, nhất là ở những vùng khó khăn là chế độ đãi ngộ hợp lý. Phải đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, ít nhất là chỗ ăn ở đầy đủ.

Sinh viên sư phạm hầu như đều đi học tại các thành phố lớn, đã quen với nhịp sống ở thành phố rồi nên khi tới vùng sâu vùng xa, nhiều bạn sẽ bị hụt hẫng, thậm chí khủng khoảng thời gian đầu. Phải thực sự yêu nghề, yêu vùng đất đó mới gắn bó được lâu dài", Hà bày tỏ.

Cũng theo cô gái trẻ này, trường hợp không thu hút được giáo viên về các vùng xa xôi, nên có kế hoạch đào tạo cán bộ nguồn, tức đào tạo sinh viên là người các vùng đó trở thành giáo viên giảng dạy tại địa phương. "Theo tôi, nếu là người từ những vùng khác đến, họ phải có một tình yêu lớn lắm mới có thể bám trụ lại", Hà nói.

Cô giáo Phương Dung (Hải Phòng) thì chia sẻ, một lý do khác khiến chị quyết định bỏ nghề là giáo viên phải tham gia rất nhiều hoạt động. Trong đó, có lên các tiết chuyên đề để giáo viên cả trường hoặc giáo viên cả huyện dự, mỗi lần đều phải cùng học sinh luyện đi luyện lại các câu hỏi - câu trả lời. Ngoài ra, phải tham gia các hoạt động khác như thi giáo viên giỏi, học các chứng chỉ, tập huấn,… liên tục.

"Khi làm nghề giáo, chất lượng bài giảng cho học sinh mới là quan trọng nhất. Nếu tham gia nhiều hoạt động như vậy, có rất nhiều hoạt động là "diễn" thì còn đâu thời gian tập trung cho học sinh nữa. Sau thời gian đứng lớp, chúng tôi cũng cần có thời gian cho gia đình. Liên tục các hoạt động thì thời gian ở đâu", chị Dung tâm sự.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề thiếu giáo viên ở nhiều tỉnh thành hiện nay, chị Phương Dung cho rằng "có thể sẽ còn thiếu nhiều hơn" bởi giới trẻ hiện không thích theo ngành này.

Một số người quen của chị Dung dù làm nghề giáo cũng không muốn con mình theo nghề giống bố mẹ. Theo chị, để thu hút người giỏi thi sư phạm và theo nghề giáo, điều cần nhất là cơ hội việc làm khi ra trường và chế độ đãi ngộ phù hợp.

Tại báo cáo Hội nghị Tổng kết năm học 2021- 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, Bộ GD&ĐT thông tin, hiện nay, tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn; không có chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn.

Bộ GD&ĐT cho biết đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ giáo dục để thực hiện tốt các quy định về tuyển dụng, đánh giá, tinh giản biên chế ngành Giáo dục; khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhất là các tỉnh miền núi.

Đồng thời, bảo đảm nguyên tắc "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp", ưu tiên bảo đảm giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018. Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung biên chế giáo viên theo lộ trình đến năm 2026.

Đến nay, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương trong cả giai đoạn 2022-2026.

(Họ tên nhân vật trong bài đã được thay đổi).

Nội dung: Nguyễn Liên - Thanh Tùng

Ảnh: Nhóm PV

Thiết kế: Thủy Tiên