Trớ trêu cảnh đình làng “sống chung” với trường học

(Dân trí) - Tiếng gõ mõ, tụng kinh quyện cùng những âm thanh nô đùa, hỗn loạn trong giờ ra chơi của đám trẻ khiến không gian đình làng Kim Mã Thượng trở nên nhộn nhạo. Cảnh trớ trêu này vẫn hàng ngày diễn ra, kéo theo sự khó xử của cả BGH trường Nguyễn Bá Ngọc lẫn BQL đình.

Phương án đề xuất xin đất để xây dựng một ngôi trường mới đã được tiến hành từ lâu, nhưng đến nay vẫn “dẫm chân tại chỗ”.

Đình muốn yên tĩnh

Chúng tôi có mặt tại đình làng Kim Mã Thượng (phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội) khi các cô trò của trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc đang ở tiết dạy thứ 3. Tiếng giảng bài của giáo viên, tiếng phát biểu của học trò vang lên giữa chốn thâm nghiêm gợi nên một cảm giác rất xáo trộn. Gặp chúng tôi, người dân nơi đây kể không hết những chuyện dở khóc dở cười từ cảnh trớ trêu này mà ra.

Nhiều hôm muốn nấu nướng phục vụ lễ rằm lại không có nơi để nấu, chúng tôi đành phải nấu ngoài sân. Vậy là khói bếp bay nghi ngút khắp xóm. Bà Phạm Thị Nhân, người tham gia quản lý đình làng cho biết. Chưa hết, theo hướng chỉ tay của bà Nhân là một gian nhà cấp 4 chắn ngang trước mặt đình làng Kim Mã Thượng. Đây là phòng tài vụ của trường Nguyễn Bá Ngọc. Cảnh người đi lại, cười cười, nói nói càng nổi bật giữa không gian chung của chốn tôn nghiêm.

Một bên là là nơi thờ cúng trang nghiêm, một bên là môi trường sư phạm, rèn luyện, dạy con cháu nên chúng tôi rất khó xử. Chúng tôi không mong mỏi gì hơn là có một không gian yên tĩnh cho đình làng”, bà Nhân nói.

Trường nghỉ dạy vì đình có lễ

Không chỉ những người tham gia quản lý đình làng than phiền về sự hiện diện bất đắc dĩ của ngôi trường trong khuôn viên đình, mà ngay cả các bậc phụ huynh cũng như giáo viên trong trường cũng không mấy vui vẻ gì khi giãi bày với chúng tôi. “Trong giờ học con em chúng tôi cũng bị ảnh hưởng bởi tiếng gõ mõ, niệm phật từ đình làng, tiếng bước chân của người đi lễ đình. Cùng với đó là khói hương nghi ngút toả ra từ đình làng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc học cũng như sức khoẻ của các cháu”, một vị phụ huynh cho biết.

Còn theo một giáo viên trong trường, vào những ngày lễ của đình, BGH trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc không còn cách nào khác phải cho học sinh nghỉ học để đảm bảo đình có được không khí linh thiêng “hiếm hoi”. Theo ông Nguyễn Phú Chút, một hộ dân ở phường Liễu Giai: Đây là hai môi trường hoàn toàn đối lập, nhà chùa là nơi thờ cúng linh thiêng nên luôn cần sự thanh tịnh, trang nghiêm; trong khi học sinh ngoài giờ học lại muốn được vui chơi nô đùa, hò hét…Do vậy việc để tồn tại  trường học cùng với Đình làng là rất bất hợp lý.

Xin mãi vẫn không xong!

Về vấn đề này, ông Đặng Đình Bằng, thuộc Ban quản lý Đình Kim Mã Thượng cho biết: Đình làng Kim Mã Thượng có lịch sử khoảng gần 300 năm, trong chiến tranh khu Đình trở thành nơi đóng quân của bộ đội và bị giặc Mỹ đánh phá, sau đó Đình lại được cho mượn làm trường học. Đến năm 1991, Đình mới được khôi phục lại và trở thành nơi thờ cúng của dân làng.

Bà Quách Thị Thanh Nhã, hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc khẳng định: “Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị lên các cơ quan chức năng, xin được di dời ngôi trường đi nơi khác để trả lại phần đất cho đình làng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có hồi âm”.

Một điều không nói nhưng ai ai cũng biết, đình làng là chốn tôn nghiêm, cần sự yên tĩnh và không gian thoáng đãng. Các cháu nhỏ cũng cần một môi trường học tập yên tĩnh, rộng rãi để vui chơi sau giờ học. Song xét trong thực tế, cả đình làng Kim Mã Thượng và trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc đều không có được điều đó.

Câu hỏi mà giáo viên của trường Nguyễn Bá Ngọc lẫn những cá nhân quản lý đình đặt ra: đến bao giờ đình làng và trường học có được sự yên tĩnh, chúng tôi xin gửi tới UBND phường Cống Vị, UBND quận Ba Đình và các cơ quan hữu quan.  

      Phúc Hưng