Trẻ Việt ở Úc cũng học thêm như... điên

Không phải chỉ có ở VN mới có chuyện chạy đua học thêm mà ngay ở một nước phát triển như Úc thì các gia đình Việt cũng bắt con em mình học thêm như... điên.

Học thêm đủ thứ

“Dạy kèm” - dọc đường đến khu Việt Nam Springvale ở Melbourne, tôi tức cười khi thấy tấm bảng quảng cáo này. Chị Tâm Hoàng, làm nghề may mặc, định cư gần 30 năm ở Melbourne, nói con gái chị học đại học năm hai và đang đi dạy kèm tư gia, mỗi giờ được mười mấy đô, cũng có thêm tiền tiêu vặt.

Chị Hoàng cũng nói rằng lũ trẻ ngày càng mau già vì chỉ biết chúi đầu vào học, không có thì giờ vui chơi như trước đây. Theo chị, phong trào dạy kèm - học thêm mới rộ lên ở Úc cách nay chừng năm năm.

Vợ chồng anh Võ Hoàng - chị Nguyễn Châu, chủ tiệm tạp hóa Tân ký ở Adelaide (một thành phố ở tiểu bang Nam Úc), có cậu trai út, cưng như vàng nên mới học lớp 7 mà cậu trông như ông cụ non. Chở tôi tới trường đón thằng bé về lúc 4 giờ chiều, anh Hoàng nói: “5 giờ cháu đi học tiếng Việt, rồi 7 giờ có thầy tới nhà kèm toán.

Sinh ra ở nước nói tiếng Anh nhưng cháu cũng phải đi học thêm tiếng Anh dù gần như suốt ngày cháu nói, viết hoàn toàn bằng ngôn ngữ này”. Tốc độ học như vậy thì đúng là chóng mặt và chóng... già... Anh Hoàng cho biết con em gia đình người Việt đều phải học thêm tiếng Việt để khỏi quên cội nguồn và có thể hiểu những  lời dạy của ba mẹ.

Hơn nữa, ở một số thành phố, nếu các em học thêm tiếng Việt thì có thể chọn thi môn này trong chương trình thi tú tài.Mới đây tôi có đọc trên mạng hoahoc.net một bài của giáo sư Trần Kiêm Đoàn về xã hội, giáo sư có nhắc qua rằng các em học sinh Việt Nam không thua kém bất cứ học sinh nào, ít ra là cũng tại trường đại học Hoa Kỳ - nơi ông giảng dạy.

Nhưng các bậc phụ huynh người Việt ở Úc, nhất là các gia đình trung lưu, đều không muốn con cái thua người nước khác về mặc thể chất nên bắt các cháu học thêm cả các môn thể thao - thể dục.

Rồi phải cho các cháu phát triển toàn diện nên học thêm đàn địch hát xướng. Con anh Hoàng cũng phải học thêm đàn piano, violin và học cả đánh tennis nữa. Như vậy là văn - thể - mỹ đủ cả.

“Kỹ nghệ”… dạy kèm

Ngoài việc học thêm tiếng Việt có thể được miễn phí do một số hội đoàn gốc Việt đứng ra tổ chức, các bậc phụ huynh phải tốn khá nhiều học phí cho con em học thêm các môn khác. “Có lẽ những di dân Việt Nam gần đây mang căn bệnh học như điên này sang nước Úc” - anh Trần Nguyễn, một thợ sơn ở Cabramatta, Sydney, nhận xét. Mặc dù tiền lương mỗi giờ lao động của anh không quá 15 đôla Úc, anh vẫn phải tốn mỗi tuần 40 đô cho đứa con gái 11 tuổi học thêm.

Còn anh Phạm Hoàng Du, làm việc tại Công ty giải trí Star City ở Sydney, có ba con gái, cô lớn nhất 17 tuổi, cô nhỏ nhất 10 tuổi. Anh nói: “Chỉ tiền học thêm thôi, mỗi tháng phải tốn 700 đô cho một cháu”.Ở khu người Việt Bankstown, Sydney - theo lời anh Du - có ông bác sĩ gốc Việt không hành nghề y mà chỉ mở “cua” dạy kèm vì nghề này “trúng” lắm. Ông quảng cáo rằng học sinh học “cua” của ông đều thi đậu tú tài điểm cao.

Cần phải nói thêm rằng điểm số thi tú tài rất quan trọng, hệ thống giáo dục Úc chỉ tổ chức một kỳ thi tú tài - sau khi học xong lớp 12, kết quả kỳ thi cũng là kết quả thi đại học, nếu đủ điểm thì vào đại học, không đủ thì phải chuyển qua học cao đẳng hay học nghề, chứ không được chờ sang năm thi lại như ở bên ta. Chính vì vậy, ông bác sĩ chọn rất gắt “đầu vào”, nghĩa là ông chỉ chọn những em giỏi, rốt cuộc là “cua” của ông ta rất nổi tiếng.

Hiện nay ở Úc nhiều nhà đầu tư gốc Việt đã nhảy vào kinh doanh dạy kèm. Trong khu người Việt Cabramatta có hẳn một trường chuyên dạy kèm toán, lý, hóa, tiếng Anh và tiếng Việt... của người gốc Việt. Không bỏ lỡ cơ hội, nhiều nhà kinh doanh gốc Việt thành đạt ở những ngành nghề khác cũng quay sang kỹ nghệ... dạy kèm. Ông chủ hiệu phở An rất nổi tiếng trong cộng đồng Việt ở Úc vừa hoạt động địa ốc vừa đầu tư vào giáo dục.

Trường trung học Pétrus Ký của ông mở ngay trên tầng hai hiệu phở An - mà theo nhiều người là lớn nhất trong khu  Việt Bankstown, Sydney. Anh Phạm Hoàng Du, vài năm trước từng là giám đốc quảng cáo của hai tờ báo Việt ngữ ở Sydney, nói: “Trên các tờ báo Việt ngữ ở Úc hiện nay, phần quảng cáo nhiều nhất chính là quảng cáo... dạy kèm”.

Theo anh Phạm Hoàng Du, không phải chỉ có người Việt mới “học như điên” mà các cộng đồng thiểu số khác tại Úc như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ cũng “hiếu học” không kém. Tại các thành phố lớn như Sydney, Melbourne đầy các trường chuyên... dạy kèm của người gốc Hàn và cả gốc Ireland.“Không phải muốn làm khổ con, lại tốn tiền, nhưng không học thêm là thua chúng bạn ngay” - anh Du nói.

Theo Trần Ngọc Châu
Tuổi Trẻ