Trăn trở trước thềm năm học mới về cán bộ quản lý giáo dục và thi cử

Hoàng Hoàng

(Dân trí) - Năm học mới 2023-2024 bắt đầu với nhiều mục tiêu mới, nặng nề của ngành giáo dục. Để làm tốt nhiệm vụ cần giải quyết những tồn tại như thiếu giáo viên và ngăn chặn bỏ việc.

Trăn trở trước thềm năm học mới về cán bộ quản lý giáo dục và thi cử - 1

Thí sinh thi tuyển để xét vào đại học (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Trăn trở về những khó khăn trong ngành giáo dục, ThS Nguyễn Quang Thi, Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng, bày tỏ năm học này, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Năm qua, ngành giáo dục gặt hái nhiều thành công nhưng vẫn còn tồn tại trong việc thực hiện chương trình phổ thông mới.

Vì thế, ông Thi đề xuất một số giải pháp mong khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn và ngăn chặn giáo viên bỏ việc trong năm học mới.

Tinh gọn cán bộ quản lý giáo dục ở địa phương

Theo ThS Nguyễn Quang Thi, chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng 4.0 và Chính phủ quyết tâm thực hiện chuyển đổi số. Vì thế, mọi họp hành, tập huấn, chỉ đạo chuyên môn trong giáo dục cần áp dụng công nghệ thông tin.

Nhiều cán bộ quản lý than phiền quá nhiều việc, làm mãi vẫn không hết việc; ông Thi cho rằng đó là cán bộ không tin cấp dưới, việc gì cũng ôm nên quá tải. Ông Thi đề xuất cần giao việc cho cấp dưới nhưng luôn theo dõi để kiểm tra.

Bộ máy phải tinh gọn mới điều hành tốt, còn nhiều người sẽ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Muốn vậy, cần quy định rõ số cán bộ quản lý ngành giáo dục ở địa phương.

Đối với cán bộ quản lý cấp sở giáo dục, gồm một giám đốc, hai phó giám đốc. Mỗi phòng ban chỉ có một trưởng phòng và một phó phòng. Những phòng nào cảm thấy không cần thiết hoặc có chức năng tương tự sẽ sáp nhập vào phòng khác.

Trăn trở trước thềm năm học mới về cán bộ quản lý giáo dục và thi cử - 2

Thời gian qua, tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn diễn ra trên nhiều tỉnh thành (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Ông Thi mạnh dạn đề xuất giải tán các phòng GD&ĐT ở các huyện, quận và thành thị trong cả nước. Theo điều lệ trường trung học, chức năng phòng giáo dục là quản lý các trường từ mầm non đến THCS.

Về chuyên môn các phòng thường bám vào các kế hoạch của sở GD&ĐT để chỉ đạo và thực hiện. Đề kiểm tra cuối học kỳ của lớp 9 và thi tuyển sinh 10 do sở GD&ĐT chủ trì và tổ chức thi. 

Các nội dung như tuyển dụng, đầu tư, bổ nhiệm, khen thưởng... hiện do UBND quận, huyện và thành đảm nhiệm. Như vậy, phòng GD&ĐT chỉ tổng hợp số liệu từ các trường báo lên hàng năm và như là cánh tay nối dài của sở giáo dục về chuyên môn.

"Nếu giải tán phòng GD&ĐT và giao đầu mối quản lý về chuyên môn kể cả tổ chức các kỳ thi về sở GD&ĐT là hợp lý. Khi đó có sự thống nhất chỉ đạo từ trên xuống dưới mà không qua khâu trung gian nào", ông Thi bày tỏ.

Về phương án giảm viên chức quản lý trường học, nam giáo viên đề xuất mỗi trường học từ mầm non đến THPT chỉ cần một hiệu trưởng và một phó hiệu trưởng. Mỗi tổ chuyên môn có một tổ trưởng và một tổ phó.

Phó hiệu trưởng là người tư vấn, hỗ trợ cho hiệu trưởng nên không cần thiết phải 2-3 người vì dưới đó có tổ trưởng chuyên môn. Những trường có số lớp ít nên sáp nhập, coi như là phân hiệu của trường khác.

"Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, tôi tin rằng việc tinh giản biên chế theo Nghị quyết Trung ương và tăng lương giáo viên, tiết kiệm ngân sách. Nguồn tiền dôi dư do tinh giản bộ máy để phụ cấp thêm lương cho giáo viên, tránh giáo viên nghỉ việc vì lương thấp.

Khi đó, giáo viên đến trường không lo cơm áo gạo tiền, ra sức sáng tạo trong dạy học và chu toàn với công việc", Ths Nguyễn Quang Thi nói.

Tập trung cho kỳ thi chung toàn quốc

ThS Nguyễn Quang Thi dẫn lời căn dặn của Bác Hồ về đào tạo con người vừa "hồng" vừa "chuyên", còn Thủ tướng khi làm việc với Bộ GD&ĐT yêu cầu "học thật, thi thật, nhân tài thật". Muốn vậy, khâu tuyển sinh phải công bằng cho mọi học sinh trên toàn quốc.

Tuyển sinh phải hướng tới đào tạo con người đủ năng lực để xây dựng một Việt Nam hùng cường. Thời gian qua, các trường đại học đưa ra nhiều phương án tuyển sinh, nhiều phương án không công bằng với thí sinh về chuẩn đầu vào.

Dư luận có nhiều ý kiến về xét tuyển bằng học bạ và chứng chỉ tiếng anh nổi cộm về sự thiếu công bằng.

Trong đó, xét tuyển bằng học bạ là không khách quan. Một giáo viên dạy nhiều lớp cùng một môn đã có sự kiểm tra đánh giá khác nhau. Nhiều giáo viên trong một trường dạy cùng môn kiểm tra đánh giá cũng không tương đồng. Mở rộng ra khác trường, khác tỉnh và khác vùng miền chắc chắn việc đánh giá cũng không tương đương.

Trăn trở trước thềm năm học mới về cán bộ quản lý giáo dục và thi cử - 3

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng học bạ (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Ngoài ra còn thực trạng do thương học sinh nên giáo viên sẽ nâng điểm, nương nhẹ đánh giá để "làm đẹp" học bạ và mong muốn học trò của mình trúng tuyển vào đại học.

Thời gian qua, nhiều trường dùng chứng chỉ tiếng Anh và chủ yếu là quy về IELTS để xét tuyển đại học. Phương thức này gây lo ngại về sự thiếu công bằng giữa thí sinh thành thị và nông thôn. Học sinh các thành phố lớn rộng cửa vào đại học hơn học sinh nông thôn.

Đây là bất công cho thí sinh ở nông thôn hoặc địa phương khó khăn, không đủ điều kiện tiếp cận tiếng Anh. Trong khi kiến thức các môn khác học sinh nông thôn không thua kém gì. Nhìn vào điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ thấy rõ.

"Theo tôi, chứng chỉ tiếng Anh chỉ quy định đầu ra khi tốt nghiệp đại học sẽ hợp lý hơn", ông Thi bày tỏ.

Với những lập luận trên, nam giáo viên đề xuất một kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc là công bằng cho mọi học sinh.

Chuyển một số môn từ đánh giá cho điểm sang đánh giá bằng nhận xét

Năm học 2023-2024, học sinh tiếp tục học theo chương trình mới ở lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Bậc THPT đã triển khai năm thứ 2 nên có kinh nghiệm trong việc xây dựng tổ hợp môn. Các em học sinh cùng phụ huynh đã ý thức được việc chọn môn nên không còn lo lắng như năm trước.

Tuy nhiên, học sinh bậc THCS và bậc THPT mỗi buổi phải học 5 tiết, tức là một tuần phải học là 30 tiết kể cả tiết chào cờ và tiết sinh hoạt.

Mặt khác, một năm học sinh tham gia 4 đợt kiểm tra định kỳ (2 bài giữa kỳ và 2 bài cuối kỳ), phân theo số báo danh, chia theo phòng và làm đề chung; giáo viên coi và chấm tập trung. Như vậy là quá tải và gây mệt mỏi cho các em.

"Quan điểm của Bộ GD&ĐT cải cách chương trình mới để học sinh học một chương trình nhẹ nhàng hơn xem ra khó khả thi. Với lập luận như trên, tôi đề xuất thêm môn công nghệ và tin học ở bậc THCS; môn công nghệ, môn tin học và môn giáo dục quốc phòng và an ninh chuyển từ đánh giá bằng điểm số sang đánh giá bằng nhận xét để giảm áp lực", ông Nguyễn Quang Thi đề xuất.

Nội dung đề xuất thể hiện quan điểm riêng của tác giả.