TPHCM: Không thu quỹ trường, lớp, mọi khoản thu đưa lên hệ thống quản lý

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM nhấn mạnh trách nhiệm của hiệu trưởng trong lạm thu và yêu cầu không được thu quỹ lớp, quỹ trường, tất cả đưa lên hệ thống quản lý để Sở giám sát.

TPHCM: Không thu quỹ trường, lớp, mọi khoản thu đưa lên hệ thống quản lý - 1

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM - phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Hoa Hoa).

Không thể nói hiệu trưởng không biết về lạm thu

Tại Hội nghị giao ban cấp tiểu học, THCS của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM ngày 4/10, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT - nhấn mạnh tới công tác thu chi đầu năm học và tổ chức liên kết đào tạo.

Theo ông Hiếu, TPHCM là địa phương đầu tiên có Nghị quyết 04/2023/NQ-HĐND về các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn năm học 2023-2024.

Đây là cơ sở pháp lý để nhà trường triển khai thực hiện một số nội dung giáo dục trên tinh thần dịch vụ, cung ứng dịch vụ.

Ông nhấn mạnh: "Không có khái niệm quỹ lớp, quỹ trường. Tôi đề nghị Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD&ĐT TPHCM) hướng dẫn tất cả các khoản thu của trường đều phải được thực hiện thu trên hệ thống không dùng tiền mặt, để Sở quản lý được việc trường thu như thế nào".

Người đứng đầu Sở GD&ĐT TPHCM cũng thẳng thắn chỉ ra sai sót không ít trường mắc phải là thu số "chẵn". Ông cho hay, để tổ chức thu, Sở GD&ĐT đã yêu cầu trường xây dựng dự toán thu - chi cụ thể về những nội dung gì, sau khi dự toán xong mới tính ra số học sinh của lớp, trường để quy ra con số thu cụ thể.

Do đó, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, trường nào thu "chẵn" số tối đa 300.000 đồng/học sinh/tháng là Phòng Kế hoạch - Tài chính sẽ xuống kiểm tra xem cách dự toán của trường như thế nào và sẽ xử lý nếu không làm rõ.

Ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị các phòng GD&ĐT tham mưu với UBND quận, huyện, TP Thủ Đức chấn chỉnh xử lý các trường hợp thu không đúng quy định.

Theo ông, Sở GD&ĐT đã có hướng dẫn, tập huấn do đó thu sai là phải xử lý.

"Trong trường học, tất cả việc thu của Ban đại diện cha mẹ học sinh thì hiệu trưởng cần nắm rõ để bàn bạc, đảm bảo sự đồng thuận trong phụ huynh học sinh. Nếu ngó lơ hoặc không quan tâm chỉ đạo thì lỗi lớn của hiệu trưởng nhà trường", ông Hiếu cho hay.

Không xếp môn tự chọn vào chính khóa

Đối với việc xếp thời khóa biểu các môn học thuộc chương trình đề án của thành phố, chương trình liên kết, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nhấn mạnh, việc xếp các lớp trên tinh thần tự nguyện là mấu chốt của vấn đề mà hiện nhiều trường đang vướng.

Trong các văn bản chỉ đạo hướng dẫn đầu năm, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các khoản thu dịch vụ phải được sự đồng thuận của phụ huynh. Các cơ sở cần sắp xếp lớp theo nguyện vọng của phụ huynh học sinh.

Trường nào chưa chỉ đạo chặt chẽ hoặc phụ huynh chưa có sự đồng thuận phải cân nhắc, trao đổi với phụ huynh hiểu rõ.

TPHCM: Không thu quỹ trường, lớp, mọi khoản thu đưa lên hệ thống quản lý - 2

Tin nhắn đề nghị của một giáo viên tại TP Thủ Đức cho biết không học liên kết học sinh phải ra khỏi lớp (Ảnh: Phụ huynh cung cấp).

"Trong hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, khi giáo viên đã dạy hết giờ nghĩa vụ rồi (23 tiết/tuần) mà còn dư giờ theo giờ chính khóa (35 tiết/tuần), trường chủ động thực hiện chương trình đề án của thành phố, chương trình liên kết trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh", ông Hiếu nói thêm.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM cũng làm rõ: Trong khái niệm dạy học 2 buổi/ngày, không có khái niệm buổi nào là buổi chính mà việc xếp thời khóa biểu cần đảm bảo khoa học, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của từng đối tượng học sinh, cần đan xen các tiết học để đảm bảo hài hòa với năng lực tiếp thu của học sinh.

Giám đốc Sở cho rằng xếp thời khóa biểu là một nghệ thuật, cần xếp làm sao học sinh vừa sức với tiếp thu, phù hợp với năng lực, lứa tuổi tâm sinh lý để các em không bị quá tải.

Có hiện tượng lạm dụng thuyết trình

Ông Nguyễn Văn Hiếu thừa nhận thời gian qua có tình trạng giáo viên lạm dụng hình thức thuyết trình trong dạy và học khi đổi mới phương pháp. Môn nào, tiết nào giáo viên cũng bắt học sinh chuẩn bị bài thuyết trình ở nhà để vào lớp trình bày.

Theo ông, đổi mới phương pháp dạy học là phải giảm tải, tạo hứng thú cho học sinh. Lạm dụng các phương pháp đổi mới dạy học sẽ gây áp lực cho học sinh, gây ra phản cảm nặng nề trong việc dạy và học.

Do vậy, giáo viên các bộ môn phải có sự phối hợp với nhau, thống nhất bao nhiêu tiết thuyết trình trong một tuần, một tháng sẽ vừa sức với học sinh, tránh tình trạng không lạm dụng.

Ông Nguyễn Văn Hiếu nêu rõ, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin khác với giao bài tập về nhà. Khi nhà trường đổi mới phương pháp dạy học với phương pháp lớp học đảo ngược, sử dụng phần mềm LMS trong quản lý dạy học thì có nội dung giám sát, giao nhiệm vụ, chuẩn bị bài, nghiên cứu bài học khác với giao bài tập về nhà.

"Hiện nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc tiểu học, giáo viên không được giao bài tập về nhà để giảm áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, học sinh ở nhà cũng phải nghiên cứu, chuẩn bị bài cho tiết học mới và phương pháp mới song cần phải vừa sức", ông Hiếu nói.