TPHCM: Dạy võ tự vệ cho học sinh, giáo viên để chống bạo lực học đường

Hoàng Hoàng

(Dân trí) - Để giải quyết vấn đề bạo lực học đường, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã đưa ra những biện pháp nhằm tạo ra một môi trường học tập an toàn và lành mạnh cho học sinh.

TPHCM: Dạy võ tự vệ cho học sinh, giáo viên để chống bạo lực học đường - 1

Một tiết học võ tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận Tân Bình, TPHCM (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Thời gian gần đây, bạo lực học đường đã trở thành vấn đề gây nhức nhối trong xã hội. Mới đây, cử tri ở TPHCM kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết, ngăn chặn tình trạng này bằng nhiều hình thức khác nhau. 

Trong đó, cử tri nhấn mạnh tới việc nêu cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhà giáo trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn cho học sinh tại cơ sở giáo dục; xử lý nghiêm hành vi vi phạm, xâm hại, bạo hành đối với học sinh.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM - nhấn mạnh để ngăn chặn và giải quyết tình trạng này, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều văn bản chỉ đạo và nhiều biện pháp khác nhau.

Trong đó, vai trò và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhà giáo trong công tác quản lý và bảo đảm an toàn cho học sinh tại cơ sở giáo dục rất quan trọng.

Đáng chú ý, theo ông Hiếu, hàng năm, Sở GD&ĐT TPHCM phối hợp cùng Công an Thành phố, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cùng với các đơn vị tập huấn cho giáo viên và học sinh về thế võ tự vệ, công tác nghiệp vụ cho nhân viên làm công tác bảo vệ tại cơ sở giáo dục, công tác tư vấn tâm lý lứa tuổi cho các bộ làm công tác tư vấn tâm lý, tổ chức báo cáo chuyên đề. 

Ngày 8/9 vừa qua, Sở GD&ĐT đã tổ chức lớp tập huấn đầu tiên về công tác nghiệp vụ cho nhân viên làm công tác bảo vệ tại các cơ sở giáo dục và chỉ đạo các Phòng GD&ĐT tổ chức cho đối tượng này thuộc đơn vị trực thuộc.

Song song đó, đầu mỗi năm học, Sở GD&ĐT đều triển khai nhiều văn bản chỉ đạo, phối hợp và tuyên truyền có liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực học đường. Qua đó, sở đã đặt nhiều yêu cầu với các cơ sở giáo dục.

Đầu tiên là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và gia đình học sinh về phòng chống bạo lực học đường. 

Đồng thời, cơ sở giáo dục cần triển khai kế hoạch, phân công rõ trách nhiệm và lựa chọn, bồi dưỡng giáo viên có kinh nghiệm và năng lực, trách nhiệm làm công tác chủ nhiệm để thường xuyên theo sát tình hình, quản lý, giáo dục học sinh.

Sở cũng nhấn mạnh các đơn vị cần quan tâm học sinh cá biệt, học sinh yếu thế để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ, bảo vệ phù hợp; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý theo thẩm quyền.

Công tác phòng chống bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở việc tăng cường nhận thức và quản lý trong trường học. Sở GD&ĐT TPHCM cũng đã đề cao việc thiết lập một môi trường học tập an toàn và lành mạnh.

"Ngành giáo dục thành phố đã thiết lập kênh thông tin về bạo lực học đường tại đơn vị để kịp thời xử lý các thông tin về bạo lực học đường; cử cán bộ tư vấn tâm lý tham gia lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực, trách nhiệm, nhằm thường xuyên nắm bắt tâm lý học sinh, kịp thời phát hiện và xử lý những mâu thuẫn, xung đột trong nhà trường", ông Nguyễn Văn Hiếu cho hay.