“...Thực hiện giáo dục cho mọi người, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập”

(Dân trí) - Đồng chí Vũ Oanh, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khoá II, Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam, là nhà cách mạng lão thành đã có nhiều cống hiến cho Đảng, cho nhân dân trên nhiều lĩnh vực công tác. Nhân dịp Đại hội III Hội KHVN, chúng tôi xin trích giới thiệu hai bài viết tâm huyết, trí tuệ và sáng tạo của đồng chí (trên báo Quân đội nhân dân và báo Người cao tuổi), về việc vận dụng đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống “thực hiện giáo dục cho mọi người, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập".

Khuyến học và sự nghiệp xây dựng xã hội học tập (1)

 

Khuyến học và xây dựng xã hội học tập là tất yếu của quá trình phát triển kinh tế, văn hoá xã hội và bảo vệ tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Vì lợi ích trăm năm trồng người”.

 

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ II Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng bí thư đã khẳng định: “Chúng ta chỉ có thể phát triển kinh tế xã hội một cách lành mạnh và bền vững bằng việc chăm lo phát triển giáo dục với tốc độ nhanh hơn, chất lượng tốt hơn, hiệu quả hơn và đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục để con em người nghèo và các đối tượng trong diện chính sách cũng có điều kiện đến trường, ai cũng có cơ hội hưởng quyền học tập thường xuyên, được đào tạo suốt đời”.

 

Không phải khi đất nước hiện đại hoá, công nghiệp hoá chúng ta mới coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Học giả Lê Quý Đôn (1726-1784) từng nói: “Phi nông bất ổn- Phi công bất phú- Phi thương bất hoạt- Phi trí bất hưng”. Theo văn bia còn lưu ở Viện Hán Nôm thì làng Mộ Trạch thuộc tỉnh Hải Dương có 18 tiến sĩ, câu đối nôm ở cổng làng ghi: 

 

“Nên thợ nên thầy nhờ có học

No cơm ấm áo bởi hay làm”

 

Khuyến học nhằm tạo ra nguồn nhân lực có đủ năng lực nội sinh, sản xuất được hàng hoá và dịch vụ có sức cạnh tranh cao trong nền kinh tế thị trường đang hội nhập vào xu thế toàn cầu hoá mà ưu thế thuộc về kinh tế dựa trên tri thức.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam đã nói rằng, Hội Khuyến học Việt Nam cần góp phần xây dựng phong trào khuyến học làm cho phong trào người người học tập, người người dạy học phát triển rộng khắp, thực sự là sự nghiệp của toàn dân, vì toàn dân, cùng toàn dân xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, gắn kết gia đình- nhà trường -xã hội”.

 

Hội khuyến học tập trung các nguồn lực trong xã hội xây dựng quĩ khuyến học để mở ra nhiều hình thức học tập, vận động nhiều người có trình độ sư phạm, trình độ văn hoá, trình độ kĩ thuật, nắm khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, tham gia giảng dạy, tạo điều kiện và cơ hội cho con trẻ, người lao động, người đã nghỉ hưu và cho đội ngũ cán bộ Đảng và chính quyền các cấp học thường xuyên, suốt đời.

 

Để có phong trào nhân dân rộng lớn khuyến học, khuyến tài (2)

 

Đảng ta đã xác định rõ, con người là mục tiêu, là động lực chính của sự phát triển, là vị trí trung tâm của chiến lược kinh tế xã hội. Phải xây dựng xã hội Việt Nam thành một xã hội học tập. Phải động viên, hướng dẫn mọi người Việt Nam học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời, học đi đôi với hành- Học tập tốt để lao động, công tác có năng suất và hiệu quả cao...

 

Hội cần tập trung lực lượng thực hiện nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định toàn bộ công tác của Hội, đó là mở rộng tăng cường lực lượng của Hội, xây dựng phong trào nhân dân rộng lớn khuyến học, khuyến tài. Chúng ta không thể thực hiện được nhiệm vụ này nếu hoạt động đơn độc, lẻ loi. Chúng ta cần được sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ hơn của các cấp uỷ Đảng, Tỉnh, Thành, Huyện, Quận và cơ sở. Chúng ta cần được sự tiếp sức, tạo điều kiện cần thiết nhất của các cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương và cơ sở, nhất là ngành giáo dục. Chúng ta cần có sự hỗ trợ to lớn, có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành viên ở T.Ư, tỉnh  thành, quận, huyện và cơ sở; cần sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang.  Chúng ta cần có sự hỗ trợ rộng lớn của các cơ quan báo chí, cơ quan truyền thông đại chúng.

 

Nói tóm lại, việc mở rộng nhanh chóng tổ chức và hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam thành tổ chức nòng cốt của mặt trận “Toàn dân học tập - Cả xã hội làm giáo dục - đào tạo”, chỉ có thể thực hiện được bằng kết quả tổng hợp, nhiệt tình hỗ trợ xây dựng Hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành viên dưới sự lãnh đạo của Đảng.

 

(1): Báo Quân đội Nhân dân, số 14137, ngày 15/09/2000.

(2): Báo Người cao tuổi, số 89, ngày 15/07/1999.

 

 

Dòng sự kiện: Đại hội Khuyến học