Thủ khoa con nhà nghèo, khuyết tật: Ý chí chưa đủ, cần cộng đồng dang tay

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Vũ Thị Hải Anh - sinh viên khiếm thị - cho rằng, sự đón nhận và hỗ trợ của cộng đồng là điều kiện cần thiết để sinh viên nghèo, sinh viên khuyết tật có cơ hội phát triển.

Sinh viên nghèo, khuyết tật chật vật theo đuổi giấc mơ đại học

Em Nguyễn Minh Thể (sinh năm 2005, quê Bạc Liêu) là thủ khoa Học viện Hàng không Việt Nam. Thể mồ côi cha khi 12 tuổi. Mẹ bán vé số nuôi hai con trai. Từ cấp 2, Thể đã đi bán vé số phụ mẹ ngoài giờ học hoặc vào thứ 7, Chủ nhật. 

Ngay khi bước chân vào giảng đường đại học ở TPHCM, Thể nhanh chóng kiếm việc làm thêm ngay. Hằng ngày, 6-10h30 các buổi sáng, Thể bán bánh mì thuê cho một tiệm bánh mì rong ở quận 3 với thù lao 100.000 đồng/ buổi.

Nhờ đó, Thể đủ chi phí ăn uống, đóng tiền trọ, đồng thời thực hiện ước mơ chinh phục bầu trời mà em đang theo đuổi.

Tuy nhiên, tiền học phí vẫn là một gánh nặng với Thể và gia đình.

Vũ Thị Hải Anh - sinh viên ngành Quan hệ công chúng, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - là một người khiếm thị bẩm sinh. Bố mẹ già yếu, làm công nhân ở quê nuôi em trai khuyết tật, Hải Anh tự trang trải chi phí học tập tại Hà Nội.

Hải Anh làm MC cho các sự kiện tại các trường đại học, tham gia các dự án cộng đồng của tổ chức phi chính phủ, xoa bóp bấm huyệt ở trung tâm… Thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Hải Anh chia sẻ, dù có thể đi làm từ cấp 2, 3 và có thu nhập ổn định mà không cần phải đi học, em vẫn chọn theo đuổi con đường học vấn để phát triển bản thân và đưa mình đi xa hơn, vượt ra khỏi giới hạn của cái nghèo và khuyết tật cơ thể.

Thủ khoa con nhà nghèo, khuyết tật: Ý chí chưa đủ, cần cộng đồng dang tay - 1

Sinh viên khiếm thị Vũ Thị Hải Anh (Ảnh: HH).

Hải Anh cũng nhấn mạnh, người nghèo nói chung và người khuyết tật nói riêng rất cần sự đón nhận, dang rộng vòng tay của cộng đồng. 

"Ý chí của chúng em chưa đủ, chúng em còn cần được đón nhận nữa. 

Em đã từng nộp hồ sơ vào một trường đại học nhưng họ từ chối vì cho rằng người khiếm thị không học được. Tuy nhiên khi em nộp hồ sơ vào Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, các thầy cô đã nhận ngay. 

Nếu không có sự đón nhận của thầy cô, em đã không có cơ hội học đại học, theo đuổi ngành mà mình yêu thích và phát huy năng lực của mình trong lĩnh vực này, vuợt lên trên mặc cảm và định kiến thông thường là mình nghèo, mình khiếm thị, mình không làm được.

Chương trình "Nâng bước thủ khoa" cũng là một sự đón nhận quý báu dành cho chúng em, giúp chúng em thêm tự tin, mạnh mẽ bước về phía trước để xây dựng một tương lai tốt đẹp cho bản thân và cống hiến ngược lại cho cộng đồng, xã hội", Hải Anh tâm sự.

Lãnh đạo Quốc hội tiếp đón các thủ khoa nghèo

55 tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là thủ khoa, á khoa, người có thành tích xuất sắc trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2023 được tiếp kiến lãnh đạo Quốc hội vào sáng nay, 8/1 tại tòa nhà Quốc hội.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình "Nâng bước thủ khoa" do báo Tiền Phong và Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam tổ chức.

Trong 55 sinh viên nói trên có 25 em là người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, có 3 em là người dân tộc dân tộc Chứt (Rục) - dân tộc ít người nhất Việt Nam. Các em là sinh viên thủ khoa, hoặc top điểm cao của Trường Đại học Quảng Bình.

Thủ khoa con nhà nghèo, khuyết tật: Ý chí chưa đủ, cần cộng đồng dang tay - 2

Lãnh đạo Quốc hội tiếp đón các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là thủ khoa, á khoa các trường đại học (Ảnh: Nghiêm Huê).

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã chào đón các tân sinh viên và khẳng định các em là những tài năng quý của quốc gia. Đánh giá cao nghị lực vượt khó của 55 thủ khoa, á khoa, ông Bùi Văn Cường động viên các bạn trẻ hãy tiếp tục cố gắng trong chặng đường gian nan tới, xem thành tích hôm nay chỉ là sự khởi đầu để nỗ lực hơn nữa, trở thành những công dân hữu ích, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Năm 2023, chương trình "Nâng bước thủ khoa" nhận được hơn 350 hồ sơ ứng viên gửi về từ các trường đại học, học viện. Các ứng viên là con em gia đình hộ nghèo, cận nghèo, mồ côi, người dân tộc thiểu số, khuyết tật…

Sau các vòng xét duyệt, chương trình trao học bổng cho 120 tân sinh viên trên cả nước, trong đó có 55 sinh viên các trường đại học khu vực phía Bắc (từ Quảng Trị trở ra) và 52 sinh viên các trường đại học khu vực phía Nam. 50% số này là sinh viên dân tộc ít người.

Ngoài những gương tân thủ khoa vượt khó học giỏi, Ban tổ chức cũng trao 13 suất học bổng cho các sinh viên từng nhận học bổng "Nâng bước thủ khoa" những năm trước và hiện tiếp tục có thành tích học tập tốt. Mỗi suất gồm 10 triệu đồng tiền mặt cùng hiện vật.

Ban tổ chức cho biết, nhiều sinh viên có nghị lực mạnh mẽ, vừa học vừa làm để trang trải chi phí học tập, sinh hoạt, không phụ thuộc vào sự giúp đỡ của các mạnh thường quân.

Box: Chương trình "Nâng bước thủ khoa" do báo Tiền Phong sáng kiến tổ chức vào năm 2016 đến nay trở thành một hoạt động thường niên có ý nghĩa nằm trong chuỗi hoạt động của Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam của Trung ương Đoàn.

Chương trình nhằm tôn vinh, trao học bổng cho các tân thủ khoa đầu vào các trường đại học, học viện trong cả nước, có hoàn cảnh khó khăn. Hồ sơ xét chọn dựa trên thành tích học tập, hoàn cảnh và tâm thư bày tỏ khát vọng, vượt khó khăn để vươn lên trong cuộc sống của các em.

Qua 8 lần tổ chức, chương trình đã vinh danh và trao học bổng cho 691 em tân sinh viên thủ khoa nghèo vượt khó với tổng giá trị hơn 8 tỷ đồng.