Thủ đoạn trong vụ "tiến sĩ siêu lừa" khiến hàng loạt trường sập bẫy

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Trong vụ "tiến sĩ siêu lừa" giả bằng cấp đi giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, câu hỏi được nhiều bạn đọc đặt ra là: Vì sao ông N.T.H. có thể "qua mặt" được nhiều cơ sở giáo dục như vậy?

Thủ đoạn trong vụ tiến sĩ siêu lừa khiến hàng loạt trường sập bẫy - 1

Thời gian qua, xuất hiện một số đối tượng sử dụng bằng cấp giả (Ảnh minh họa: Ngọc Diệp).

Đánh trúng tâm lý ngành "hot"

Loạt bài "Phát hiện "tiến sĩ siêu lừa", giả bằng cấp dạy đại học, cao đẳng" đang nhận được sự quan tâm của độc giả Dân trí. Theo đó, nhiều ý kiến bày tỏ thắc mắc về công tác kiểm tra văn bằng, chứng chỉ của các nhà trường khi tuyển dụng giảng viên ra sao, vì sao dẫn tới việc nhiều trường cùng sập bẫy của một cá nhân?

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, lãnh đạo một trường đại học ở Gò Vấp, TPHCM phân tích đơn vị này cũng suýt sập bẫy của vị "tiến sĩ siêu lừa" do ông N.T.H. đã tạo ra một lý lịch khá tốt, đặc biệt là đánh trúng tâm lý ngành hút thí sinh.

Vị lãnh đạo kể, hồi tháng 8/2022, ông được một đơn vị giới thiệu tiến sĩ N.T.H. có mong muốn về công tác tại trường. Ông H. khi đó gửi nhiều hình ảnh đi dạy ở các trường, đăng bài báo nghiên cứu khoa học, chia sẻ các email sinh viên gửi đến...

"Ông N.T.H. đã đánh trúng tâm lý "khát" nhân lực. Ngành khoa học máy tính hay công nghệ thông tin đang rất thiếu tiến sĩ. Cùng với đó, mức lương ông H. đề ra là 35-40 triệu đồng/tháng, không quá cao với nhân sự nhóm ngành này. Đây chính là yếu tố khiến các trường có thể dễ bị sập bẫy đối tượng này", đại diện một trường đại học phân tích.

Cùng với đó, ông H. đã tìm hiểu rất kỹ thông tin về các lãnh đạo trong đơn vị để tạo niềm tin về sự am hiểu nhà trường, quen biết trong ngành giáo dục.

Thủ đoạn trong vụ tiến sĩ siêu lừa khiến hàng loạt trường sập bẫy - 2

Ông N.T.H. giới thiệu đang tham gia giảng dạy lớp cao học để tạo niềm tin với đơn vị tuyển dụng (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Lãnh đạo một trường đại học ở thành phố Thủ Đức thừa nhận ít cảnh giác bởi khi mời thỉnh giảng thì ông N.T.H. cũng đang công tác tại một trường đại học khác.

Còn phía Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam đã nhận được bằng cấp đầy đủ có công chứng của ông N.T.H..

Ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM - phân tích, việc các trường bị "qua mặt" có thể do quy định về mời giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng chưa chặt chẽ, chưa thực hiện khâu xác minh văn bằng, chứng chỉ.

"Qua sự việc này, các trường đại học, cao đẳng cũng sẽ tăng cường việc thẩm định văn bằng, chứng chỉ hơn", ông Sơn nói.

Sử dụng bằng giả là vi phạm pháp luật

Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Chí Thắng - Công ty Luật TNHH MTV Chí Thành, Đoàn Luật sư TPHCM - nhận định, trong trường hợp cơ quan chức năng xác định được ông N.T.H. sử dụng bằng giả, ông này sẽ bị xử lý về tội sử dụng giấy tờ giả quy định, tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cụ thể, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Ngoài ra, còn các khung phạm tội bị phạt tù từ 2 đến 5 năm hoặc từ 3 năm đến 7 năm.

"Như vậy, để xác định người sử dụng bằng giả có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không thì cần phải xem xét hành vi vi phạm dựa trên cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật", luật sư Thắng phân tích.

Thủ đoạn trong vụ tiến sĩ siêu lừa khiến hàng loạt trường sập bẫy - 3

Tấm bằng tiến sĩ mang tên N.T.H. (SN 13/08/1981) được xác định không khớp với hồ sơ dữ liệu (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Trong trường hợp, người sử dụng bằng giả chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Nghị định 04/2021/NĐ-CP ngày 22/1/2021 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Về trách nhiệm của đơn vị công chứng (nếu văn bản công chứng được đối tượng cung cấp là đúng), Luật Công chứng 2014 quy định trách nhiệm của công chứng viên đối với văn bản công chứng đó.

Ngoài ra, Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính quy định người có thẩm quyền chứng thực có trách nhiệm đảm bảo tính trung thực, chính xác, khách quan khi thực hiện chứng thực; chịu trách nhiệm trước pháp luật về chứng thực của mình...

"Do đó, trong hoạt động công chứng của mình, công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng", luật sư Thắng phân tích.

Tùy vào tính chất mức độ hậu quả hành vi mà công chứng viên có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017

Theo luật sư Nguyễn Chí Thắng, hiện nay có rất nhiều vụ việc làm giả mạo các loại giấy tờ, phổ biến nhất là giả mạo bằng tốt nghiệp, giấy tờ tùy thân, nhất là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất.... để mang đi công chứng, chứng thực. Thủ đoạn làm giả giấy tờ ngày càng tinh vi, phức tạp không chỉ khiến người dân mà còn cả văn phòng công chứng hoang mang.

Theo đó, khi các đơn vị quản lý và sử dụng nhân sự nếu có sự nghi ngờ về tính chân thật của các văn bằng chứng chỉ đặc biệt là đối với các chức danh quan trọng, có thể gửi công văn yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin để xác minh tính hợp pháp của giấy tờ, văn bản đó.