Thi trắc nghiệm môn Toán: Hạn chế tính sáng tạo và tư duy logic?

(Dân trí) - “Nếu thi trắc nghiệm môn Toán sẽ đánh mất tính sáng tạo và tư duy logic làm bài của học sinh”. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến không ít nhà giáo tâm huyết phản đối việc thi trắc nghiệm môn Toán.

Cùng chung trăn trở đó, một giáo viên có thâm niên 25 năm dạy Toán đã gửi ý kiến của mình đến Bộ GD-ĐT.

Dân trí xin đăng tải ý kiến của giáo viên này cũng những lời giải thích từ phía Bộ GD-ĐT.

Không giải quyết được mâu thuẫn sẽ lệch hướng

“Tôi là giáo viên dạy Toán đã 25 năm, rất yêu nghề, tâm huyết với nghề, nhưng hiện nay rất bối rối không biết phải dạy như thế nào để các em đạt kết quả thi cao.

Có người cho rằng hình thức thi không phải là biện pháp nâng cao kiến thức, điều đó đúng, nhưng hình thức thi là động lực của quá trình học tập.

Đối với học sinh phổ thông quá trình học tập không chỉ là quá trình lĩnh hội kiến thức mà là quá trình rèn luyện và phát triển tư duy. Nếu quan điểm rằng học để lấy kiến thức, còn thi cử chỉ là hình thức để đánh giá mức độ thu nhận kiến thức là không đúng với đối tượng học sinh phổ thông.

Ở phương Đông, văn hóa “ thi cử” có hàng ngàn năm, từ ngàn xưa ông cha ta cũng cho rằng “học là để đi thi”. Ngay bây giờ có phụ huynh nào cho rằng con tôi học là để lấy kiến thức mà không quan tâm đến việc thi cử không? Tôi rất đồng ý với quan điểm “thi thế nào thì học thế đó” của một số nhà giáo.

Với hình thức thi như hiện nay (đối với môn Toán), với cách dạy như hiện nay (theo tài liệu cải cách) thì học sinh chỉ có đánh bừa mới hoàn thành 60 câu trong 90 phút. Như vậy vô hình chúng ta dạy cho học sinh sự dối trá. Tôi dám chắc rằng người ra đề ngồi chép lại 60 bài giải (không suy nghĩ) ít nhất cũng mất 3 tiếng. Học sinh trước khi tô vào câu đúng phải nháp mỗi câu ít nhất một lần, như vậy học sinh phải nháp ít nhất 60 lần trong thời gian 90 phút (không kể thời gian suy nghĩ) cực kỳ vô lý!

Một mặt trái của thi trắc nghiệm là sẽ làm cho học sinh có học lực trung bình trở xuống lơ là việc học tập. Đặc biệt là đối tượng học sinh yếu kém. Đối với các đối tượng này sự nỗ lực học tập là để tránh kết quả học tập thấp, để không xấu hổ với gia đình với bạn bè… nhưng thi trắc nghiệm thì các em là người nộp trước tiên không bao giờ nộp giấy trắng, điểm bao giờ cũng cao hơn khả năng của mình!

Còn đối với thầy giáo chúng tôi những cụm từ “lời giải hay, độc đáo, thông minh…”; “Đề ra hay, độc đáo”… không bao giờ được nhắc tới nữa.

Những bài tập hay khó đối hỏi tính suy luận cao không ai đưa vào dạy nữa (vì học sinh không có hứng học). Học sinh chỉ học cách đi đến kết quả nhanh nhất dù bằng bất kỳ mánh khóe nào…”

Cũng theo giáo viên này thì nếu những mâu thuẫn trên không được giải quyết sớm thì e rằng mục đích thay đổi thi cử của Bộ GD-ĐT là lệch hướng.

Cần hiểu rõ về hình thức thi trắc nghiệm

Sau khi đọc được tâm sự trên, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Bộ GD-ĐT xung quanh những trăn trở của thầy giáo này.

Với tư cách là người có nhiều năm nghiên cứu về hình thức thi trắc nghiệm ông Ninh cho cho biết: “Theo tôi thì có lẽ do nhiều người chưa hiểu sâu về hình thức thi trắc nghiệm nên đã có những hiểu nhầm đáng tiếc. Thực tế cho thấy là câu trắc nghiệm được soạn thảo tốt vẫn có thể thẩm định được kỹ năng diễn đạt tư duy trừu tượng”.

“Như chúng ta đã biết, để làm được bài trắc nghiệm Toán, thí sinh cần phải biết các định nghĩa, các định lí, các công thức Toán đã học; nhớ chính xác các kết quả lí thuyết trong chương trình; biết vận dụng các định nghĩa, các kết quả lí thuyết để tìm ra các yếu tố, đại lượng cần thiết làm căn cứ để nhanh chóng lựa chọn phương án trả lời đúng.

Do đó để có thể trả lời vừa đúng, vừa nhanh, thí sinh phải nắm vững, hiểu rõ, hiểu sâu các kiến thức lí thuyết đã được học trong phạm vi chương trình; đồng thời, phải có những kinh nghiệm đã được tích lũy trong quá trình luyện tập giải toán; có khả năng phân tích linh hoạt, sáng tạo các tình huống toán học thường gặp.

Nếu chỉ dựa vào những suy diễn đơn giản, thí sinh sẽ không thể trả lời đúng câu trắc nghiệm đã đặt ra hoặc mất rất nhiều thời gian mới tìm ra được phương án trả lời đúng; điều này sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả toàn bộ bài làm trắc nghiệm của thí sinh”, ông Ninh giải thích.

Như vậy, thi trắc nghiệm môn Toán vẫn cần đến sự tư duy và logic làm bài của thí sinh chứ không có chuyện đánh bừa.

Tuy nhiên một số nhà giáo cũng đề xuất Bộ GD-ĐT nên áp dụng hình thức trừ điểm ngược nếu làm sai để loại bỏ xác suất ăn may, có như vậy thì thi trắc nghiệm môn Toán mới có hướng đi đúng đắn.

Nguyễn Hùng