Thí sinh ưu tiên bước chân phải khỏi nhà, cúng chùa cầu may

Mỹ Hà Nguyễn Vy

(Dân trí) - Ngày 27/6, thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đồng loạt đến điểm thi để làm thủ tục, nghe sinh hoạt quy chế trước khi bước vào ngày thi chính.

Tại Hà Nội, điểm thi Trường THPT Lương Thế Vinh, nhóm nữ sinh đến từ Trường THCS Cầu Giấy chắp tay trước đá phong thủy, tưởng niệm cố PGS Văn Như Cương.

Một nữ sinh cho biết, em xin vía làm bài tốt ngay tại khối đá này cho "đúng phong thủy" của trường. Em và các bạn mong muốn vượt qua kỳ thi với kết quả tốt.

Thí sinh ưu tiên bước chân phải khỏi nhà, cúng chùa cầu may - 1

Thí sinh vái lạy trước viên đá phong thủy (Ảnh: Mỹ Hà).

PGS Văn Như Cương sinh ngày 1/7/1937, mất ngày 9/10/2017. PGS.TS Văn Như Ông được biết đến không chỉ là người đặt những viên gạch đầu tiên cho giáo dục ngoài công lập Việt Nam, người tiên phong mở đường xây dựng hệ thống giáo dục tư thục mà ông còn nổi tiếng với triết lý đào tạo làm người tử tế trước khi trở thành người thành công trên đường đời.

Khi còn sống, thầy Văn Như Cương đã dạy các thế hệ học trò của mình rằng: "Các em có thể trở thành người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc... nhưng trước hết phải là người tử tế".

Vì thế thầy Văn Như Cương đã truyền dạy tới các giáo viên tình yêu học sinh, quán triệt yêu cầu không chỉ dạy học sinh nhiều kiến thức mà còn phải dạy các em trở thành người tử tế và người mà các em mong muốn.

Thí sinh ưu tiên bước chân phải khỏi nhà, cúng chùa cầu may - 2

Thí sinh tự tin trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 (Ảnh: Mỹ Hà).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, lãnh đạo nhà trường cho biết, khối đá được dựng lên ở sân trường để tưởng niệm cố nhà giáo Văn Như Cương, người sáng lập ngôi trường.

Trên viên đá khắc câu nói từng rất nổi tiếng của ông: "Biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là vùng biển gần bờ mà thôi". "Học sinh trong trường gọi đây là đá tử tế", đại diện nhà trường cho biết.

Ở khu vực TPHCM, tại điểm thi trường THCS Đức Trí (quận 1, TPHCM), nhiều thí sinh đã có mặt từ sớm. Không ít thí sinh chia sẻ đã áp dụng nhiều phương pháp cầu may như đi chùa, bước chân phải ra khỏi nhà... Nhiều thí sinh cũng lựa người hợp "vía" để đưa đến điểm thi.

Nguyễn Ngọc Phương Nhi (học sinh trường THPT TenLơ Man) chia sẻ, em cảm thấy áp lực về kỳ thi này. Trước đó, Nhi đã thức đến 1h sáng để ôn bài vì lo lắng.

Thí sinh ưu tiên bước chân phải khỏi nhà, cúng chùa cầu may - 3

Không ít thí sinh tỏ ra lo lắng đối với môn ngữ văn khi dự đoán đề thi năm nay sẽ khó (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Em sợ nhất môn ngữ văn vì nội dung ôn thi khá rộng, khó tập trung vào một lượng kiến thức nhất định. Tuy nhiên em vẫn tự tin sẽ cố gắng hết mình để hoàn thành kỳ thi thật tốt, không phụ lòng bố mẹ", Nhi nói.

Trần Kim Vinh (học sinh trường THPT TenLơ Man) cho biết, em đã bắt đầu ôn tập cho kỳ thi quan trọng này từ tháng 5. Bản thân Vinh không cảm thấy lo lắng vì đã nhận lời mời nhập học từ một vài trường đại học, nhờ vào phương thức xét học bạ.

Trong khoảng thời gian ôn tập, Vinh cảm thấy thoải mái vì có bạn bè, gia đình cổ vũ tinh thần. Trước ngày thi, Vinh đã đi chùa cầu đạt điểm số như kỳ vọng.

Thí sinh ưu tiên bước chân phải khỏi nhà, cúng chùa cầu may - 4

Các thí sinh áp dụng nhiều phương pháp cầu may như đi chùa cầu may, bước chân ra khỏi nhà,... (Ảnh: Nguyễn Vy).

Không những vậy, nam sinh còn chú ý sao để bước ra khỏi nhà bằng chân phải, vì nghe bạn bè nói bước chân trái sẽ bị… chông chênh, lạc hướng.

"Có thể em sẽ luôn bước chân phải ra khỏi nhà suốt kỳ thi luôn. Ngoài năng lực thì để mọi việc thuận lợi ai cũng mong có chút may mắn nữa, nên để chuẩn bị tâm lý thoải mái, tin tưởng sẽ tốt hơn", Vinh cười nói.