Thí sinh “chê” đáp án môn Văn khối D

(Dân trí) - Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố <a href="http://images4.dantri.com.vn/Uploaded/lantm/Thang07.07/DA_Van_D2007.pdf">đáp án môn Văn khối D</a>, Dân trí nhận được ý kiến phản hồi của một thí sinh nguyên là học sinh trường chuyên Hà Nội - Amsterdam xung quanh những điểm chưa hợp lý trong đáp án này.

Theo thí sinh này thì đề Văn năm nay mang tính tư duy và sáng tạo cao, có sự phân hoá rõ ràng. Trong đó đáng chú ý là câu số 2: Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận để làm nổi bật rõ vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại”. Đề Văn thuộc loại bài phân tích tác phẩm để chứng minh một nhận định nên đòi hỏi người làm phải đầu tư suy nghĩ chứ không chỉ phân tích đơn thuần theo tư duy học thuộc.

Ngay sau khi đọc được đáp án môn Văn khối D của Bộ GD-ĐT, thí sinh này bày tỏ: “Em và bạn bè đã khá bất ngờ khi đọc đáp án. Đáp án gồm hai phần:

Phần 1: phân tích bài thơ; phần 2: vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại của bài thơ.

Một kết cấu như vậy không thực sự bám sát đề. Thực chất những ý đưa ra phân tích ở phần 1 trong đáp án đều mang tính phục vụ cho phần 2 nhưng nếu đặt vấn đề là phân tích bài thơ thì người làm chỉ cần làm một bài đúng nghĩa phân tích, tức là một bài “tràng giang đại hải” mà không cần biết yêu cầu của đề là gì, sau đó ở dưới mới điểm lại nét cổ điển và hiện đại.

Rõ ràng 2 phần phân tích và chứng minh rời rạc và không có sự gắn kết rõ ràng. Một bài làm như thế nếu ở lớp chuyên thì chỉ có thể đạt điểm rất thấp”.

Học sinh này nói tiếp: “Có thể thấy điều này rõ hơn nếu so sánh với hai cách làm sau:

Cách 1: Phân tích từng khổ theo đúng trình tự và làm đến đâu chỉ ra vẻ đẹp cổ điển và hiện đại ngay chỗ đó.

Cách 2: Nêu ra 2 luận điểm riêng về nét đẹp cổ điển và hiện đại rồi dùng ý trong bài thơ để chứng minh (một cách làm tương đối rõ ràng nhưng khá khó và dễ sót ý so với cách 1).

Cần nói thêm là học sinh không nhất thiết phải phân tích toàn bộ bài thơ mà chỉ chọn những chỗ phù hợp để chứng minh cho luận điểm của mình. Hai cách làm này khó hơn đáp án nhưng lại hợp lý hơn và mang tính phân loại học sinh cao”.

Theo học sinh này, cách ra đáp án như của Bộ GD-ĐT đặt ra 2 vấn đề cho người chấm thi:

Thứ nhất: Những học sinh làm khác đáp án có thể bị mất điểm do không phân tích một số chỗ trong bài mà họ cho là không phù hợp hoặc không cần thiết vì đã chọn được ý có chức năng chứng minh tương tự.

Thứ hai: Những học sinh nào chỉ học thuộc lòng phân tích rồi chép vào, cộng với mở bài và kết luận theo đáp án sẽ được tới 4/5 điểm, thậm chí có thể hơn nếu họ lồng phân tích nghệ thuật bài thơ song song với nội dung. Thực tế có nhiều học sinh chỉ học thuộc và không hề có tư duy làm bài nghị luận chứng minh nên chỉ biết cái gì thì viết hết ra, trúng được đến đâu thì trúng ( không ngờ lại trúng gần hết). Cách làm này là hoàn toàn lạc đề.

Theo lời giáo viên của em thì người chấm giỏi sẽ biết rõ điều này, nhưng riêng em thắc mắc lúc đó các thầy cô phải xử lý thế nào khi mà thí sinh làm trùng rất nhiều so với đáp án”.

Ngay sau khi nhận được ý kiến này, Dân trí đã trao đổi với Tiến sĩ Văn học Đoàn Hương thì được cho hay: "Với kết cấu đề ra như trên thì cả hai cách trình bày mà thí sinh này nêu ra đều đúng".

 

Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Bộ GD-ĐT cũng cho hay: "Những thắc mắc của thí sinh đáp án chúng tôi xin tiếp nhận và sẽ trả lời bằng văn bản sau khi họp với Ban đề thi".

 

 

 

 

Nguyễn Hùng