Thanh Hóa: Nhiều trường bỏ hoang, lãng phí sau sáp nhập

Bình Minh

(Dân trí) - Sau khi thực hiện đề án sắp xếp các trường trung học phổ thông (THPT) công lập, Thanh Hóa có 8 công trình dôi dư. Hiện nay, số tài sản này đang bị bỏ hoang, xuống cấp, gây lãng phí.

Cơ sở xuống cấp, xập xệ

Năm học 2018-2019, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện giải thể, sáp nhập Trường THPT Đinh Chương Dương (huyện Hậu Lộc). Từ khi sáp nhập đến nay, ngôi trường này bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, bơm kim tiêm vứt bừa bãi, cơ sở vật chất xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng…

Thanh Hóa: Nhiều trường bỏ hoang, lãng phí sau sáp nhập - 1

Trường Trường THPT Đinh Chương Dương (huyện Hậu Lộc) bỏ hoang, xuống cấp sau sáp nhập.

Theo người dân địa phương, một số doanh nghiệp trên địa bàn còn tận dụng làm nơi đổ vật liệu xây dựng, nơi trú ngụ của "con nghiện".

Được biết, năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định thu hồi 10.850 m2 đất của Trường THPT Đinh Chương Dương giao cho UBND huyện Hậu Lộc quản lý theo quy định.

Thanh Hóa: Nhiều trường bỏ hoang, lãng phí sau sáp nhập - 2

Một góc nhếch nhác tại Trường THPT Đinh Chương Dương.

Anh Đỗ Huy Vang, khu 3 thị trấn Hậu Lộc cho biết: "Công trình trường học đã bỏ hoang từ 3 năm nay. Điểm trường này trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng, rác… gây mất mỹ quan đô thị. Người dân chúng tôi rất mong thời gian tới, địa phương có phương án để chuyển đổi mục đích sử dụng, trả lại cảnh quan khang trang, sạch sẽ".

Tại Trường THPT Lưu Đình Chất (huyện Hoằng Hóa) một số hạng mục như cửa, tường... cũng đang có dấu hiệu xuống cấp.

Thanh Hóa: Nhiều trường bỏ hoang, lãng phí sau sáp nhập - 3

Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có 8 trường thuộc diện dôi dư sau sáp nhập.

Theo ghi nhận, sau khi ngừng hoạt động, ngoài các trường trên còn một số trường THPT khác trên địa bàn cũng chung tình trạng như: THPT Lưu Đình Chất; Trường THPT Trần Ân Chiêm, Trường THPT Dương Đình Nghệ...

Theo báo cáo của Sở tài chính, trên địa bàn Thanh Hóa có 101 trường THPT, thời điểm sau sáp nhập còn 88 trường, giảm 13 trường, hiện tại có 8 trường thuộc diện dôi dư.

Thanh Hóa: Nhiều trường bỏ hoang, lãng phí sau sáp nhập - 4

Nhiều hạng mục cửa xuống cấp.

Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với ngành giáo dục chuyển giao 6 trường cho các địa phương quản lý, sử dụng. Hiện có 2 trường đã được huyện sử dụng vào công năng khác, một trường chưa có phương án và 3 trường dự kiến phương án nhưng chưa sử dụng.

Nhiều vướng mắc!

Ông Lê Ngọc Hưng, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hậu Lộc cho biết: "Huyện đang xem xét tính toán, báo cáo UNBD tỉnh xin thanh lý tài sản để tổ chức đấu giá đất ở. Lâu nay, vướng một số quy định tại Nghị định 167 về quản lý tài sản công nên chưa thực hiện được. Theo quy định, huyện phải thực hiện đồng thời thanh lý tài sản và đấu giá đất cùng một lúc. Tuy nhiên, huyện đang đề nghị xin thanh lý tài sản riêng, còn quỹ đất thì đấu giá bán cho dân".

Thanh Hóa: Nhiều trường bỏ hoang, lãng phí sau sáp nhập - 5

Trường THPT Lưu Đình Chất chưa được tỉnh bàn giao cho huyện để tìm phương án xử lý.

Theo ông Nguyễn Văn Duy, Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hoằng Hóa, trên địa bàn huyện có 2 trường thuộc diện dôi dư sau sáp nhập. Tuy nhiên, chỉ mới được tỉnh bàn giao một trường.

"Đối với Trường THPT Lê Viết Tạo đã được tỉnh bàn giao, huyện đang lên kế hoạch sẽ chuyển đổi thành mô hình trường liên cấp chất lượng cao trong thời gian tới. Đề án đang trong quá trình hoàn thiện để trình tỉnh phê duyệt", ông Duy cho biết.

Thanh Hóa: Nhiều trường bỏ hoang, lãng phí sau sáp nhập - 6

Nhiều trường mới xây trong thời gian ngắn đã bị bỏ hoang sau sáp nhập.

Ông Duy mong muốn tỉnh Thanh Hóa sớm có quyết định bàn giao Trường THPT Lưu Đình Chất để địa phương chủ động lên kế hoạch sử dụng hợp lý, tránh lãng phí tài sản công.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Duy Hiếu, Phó trưởng phòng Quản lý Công sản - Giá cả, Sở Tài chính Thanh Hóa cho biết: "Sau khi bàn giao, các địa phương có thể căn cứ theo quy hoạch sử dụng đất, hoặc nhu cầu phát triển kinh tế địa phương, xử lý tài sản theo quy định của Nghị định 51 về bán tài sản và chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường đủ điều kiện hoạt động sau sáp nhập, tránh tình trạng công trình để quá lâu không được sử dụng sẽ bị xuống cấp, gây lãng phí".

Cũng theo ông Hiếu, có 2 đơn vị chưa thực hiện việc chuyển giao cho địa phương là Trường THPT Lưu Đình Chất (huyện Hoằng Hóa) và Trường THPT Trần Ân Chiêm (huyện Yên Định) do khi triển khai, khâu phối hợp của Sở Giáo dục, Sở Tài chính có một số tài liệu hồ sơ chưa trùng khớp, công tác theo dõi sổ sách, quyết toán đơn vị cũ và đơn vị mới nên vướng mắc. Sở Tài chính đang rà soát lại số liệu, trích đo lại diện tích để hoàn thành khâu kiểm tra hiện trạng… và sẽ báo cáo UBND tỉnh phê duyệt để bàn giao về địa phương trong năm 2021.