Tập trung hoàn thiện các nội dung đổi mới giáo dục đào tạo

(Dân trí) - Sáng nay 25/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2011 - 2015. Tại phiên họp, Bộ GD-ĐT đã trình bày dự thảo quyết định về việc thành lập Ủy ban quốc gia Đổi mới GD-ĐT

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; các thành viên Hội đồng và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương tham dự.
 
Tập trung hoàn thiện các nội dung đổi mới giáo dục đào tạo
Quang cảnh phiên họp của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2011-2015. (Ảnh: Chinhphu.vn)

3 nội dung lớn được "mổ xẻ" tại phiên họp

Phiên họp nhằm thảo luận, đóng góp ý kiến vào 3 nội dung lớn, gồm: Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Chương trình hành động); việc thành lập Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo; Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Theo Dự thảo Chương trình hành động xác định những nhiệm vụ chủ yếu để các bộ, ngành, địa phương, tổ chức thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết 29 nhằm đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT đáp ứng đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó cũng là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động theo chức năng, nhiệm vụ của mình để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 29.

Dự thảo Chương trình hành động đề ra 9 nhiệm vụ chủ yếu. Cụ thể, tổ chức truyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng xã hội về vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT. Nâng cao nhận thức về vai trò quyết định chất lượng GDĐT của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục;

Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ chương trình giáo dục tất cả các bậc học, ngành học theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực người học; Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục, bảo đảm trung thực, khách quan theo yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học; Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, bảo đảm dân chủ, thống nhất. Tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, coi trọng quản lý chất lượng; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐT; Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính. Tăng cường cơ sở vật chất, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục; Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý; Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo.

Liên quan đến việc thành lập Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, dự thảo Tờ trình về việc thành lập Ủy ban đã đề xuất kết cấu và nội dung chính của dự thảo Quyết định thành lập Ủy ban, gồm: Thành lập Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, chủ tịch Ủy ban là Thủ tướng Chính phủ, 2 Phó Chủ tịch là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban; Quy định về tổ chức và hoạt động của Ủy ban; Quy định hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo có chức năng tổ chức phối hợp liên ngành giúp thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

Về dự thảo Đề án xây dựng, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 đề ra hai giai đoạn thực hiện. Cụ thể, Giai đoạn 2014-06/2016 hoàn thành nghiên cứu cơ sở khoa học về đổi mới chương trình, sách giáo khoa; Hoàn thành việc chuẩn bị các nguồn lực để xây dựng, biên soạn và thẩm định chương trình sách giáo khoa; Hoàn thành việc xây dựng chương trình tổng thể (thử nghiệm); Hoàn thành việc xây dựng chương trình môn học (thử nghiệm); Hoàn thành biên soạn các sách giáo khoa thử nghiệm các lớp 1, lớp 6 và lớp 10; Hoàn thành biên soạn, thẩm định, ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu và tài liệu tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý về thử nghiệm chương trình, sách giáo khoa lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Tổ chức sơ kết thực hiện đề án đến tháng 6/2016.
 
Tập trung hoàn thiện các nội dung đổi mới giáo dục đào tạo

Giai đoạn 07/2016-2020, hoàn thành việc thử nghiệm và ban hành chươg trình, sách giáo khoa mới. Biên soạn sách giáo khoa thử nghiệm các môn học các lớp 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 11 và 12; Hoàn thành việc thử nghiệm và đánh giá chương trình, sách giáo khoa thử nghiệm; Hoàn thành việc chỉnh sửa, hoàn thiện, ban hành chương trình, sách giáo khoa, danh mục thiết bị dạy học tối thiểu và tài liệu hướng dẫn thực hiện. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về kế hoạch và nội dung triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa mới. Tổ chức từng bước triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới phù hợp với điều kiện từng địa phương, nhà trường… Tổng kết thực hiện đề án giai đoạn 07/2016-2022.

Sớm thành lập Chương trình hành động

Kết luận tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Bộ GD-ĐT đã tích cực chuẩn bị các nội dung cho cho phiên họp này, đồng thời đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp để hoàn thiện 3 nội dung lớn trên.

Về Chương trình hành động, Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT rà soát, tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện để Chính phủ ban hành Chương trình này vào tháng 3/2014 trên tinh thần bám sát Nghị quyết của Trung ương, đảm bảo GDĐT thực sự là quốc sách hàng đầu, thực sự được đổi mới căn bản, toàn diện để đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; bám sát nhiệm vụ cụ thể nhằm thể chế hóa Nghị quyết của Trung ương để hành động, trong đó hết sức quan tâm đến các giải pháp đồng bộ song phải có trọng tâm, trọng điểm và tính khả thi cao.

“Chương trình hành động mới chỉ là giao nhiệm vụ nhưng nếu giao không đúng thì lòng vòng tốn thời gian mà sau này lại phải thay đổi” – Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thể chế hóa Nghị quyết của Trung ương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết thêm, Chương trình hành động là chương trình mở, trong quá trình thực hiện, nếu còn những điểm chưa rõ những trong quá trình thực hiện thấy cần thiết sẽ tiếp tục được bổ sung.

Về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay vấn đề này đã trình Quốc hội và đang chờ Quốc hội ra Nghị quyết. Tuy nhiên cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án cần tham gia cùng với các Ủy ban của Quốc hội bổ sung, hoàn thiện để khi Nghị quyết Quốc hội ban hành phù hợp với thực tiễn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý, đến quý 3/2014 Chính phủ mới phê duyệt đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 vì còn chờ Nghị quyết của Quốc hội. Thời gian còn dài nên Bộ GD-ĐT cần tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện.

Về việc thành lập Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ sẽ ban hành Quyết định về việc thành lập Ủy ban này trong tháng 3/2014 với chức năng, nhiệm vụ chính mang tính tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp liên ngành, phối hợp kiểm tra, đôn đốc... Đối với các ủy viên của Ủy ban, Thủ tướng đề nghị rà soát lại, thành lập theo hướng ít ủy viên, các ủy viên chủ yếu ở các cơ quan liên quan chính.

Nguyễn Hùng - Tuấn Anh