“Sự rung cảm và sáng tạo của học sinh có nguy cơ bị bào mòn”

Giáo sư, nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai đã nhận xét như vậy khi trao đổi về bài văn lạc đề của học sinh Nguyễn Phi Thanh đang gây xôn xao dư luận, và về thực trạng giảng dạy văn học trong nền giáo dục VN hiện nay.

Hiện có nhiều ý kiến trái chiều về bài văn gây sốc của học sinh Nguyễn Phi Thanh. Là một người hoạt động lâu năm trong ngành giáo dục và là một giáo sư văn học, ông có ý kiến gì?

 

Tôi đã đọc rất kỹ phần bài làm của học sinh Nguyễn Phi Thanh. Ấn tượng đầu tiên của tôi là em ấy rất dũng cảm, đã dám nói lên những điều nhức nhối nhất trong việc dạy và học văn trong nhà trường hiện nay. Gần 60 năm đi dạy và nghiên cứu văn học tôi chưa từng thấy một phản ứng mạnh mẽ tương tự nào như thế từ phía học sinh và nhất là lại trong một kỳ thi giỏi văn.

 

Bài làm này gây sốc nhưng chẳng phải là bài văn lạ. Mặt tích cực, đáng khen nhất của "bài làm lạc đề" là đã xới lại một thực trạng vốn đã tồn đọng quá lâu trong nền giáo dục của chúng ta. 

 

Từng là Chủ tịch Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TPHCM, giáo sư thấy giáo dục văn học trong nhà trường của chúng ta hiện nay có gì không ổn?

 

Cách dạy giáo điều, giáo dục một chiều, dập khuôn theo giáo án, chương trình học nặng nề, chưa mang tính khoa học cao, phân bổ giáo trình chưa hợp lý là những vấn đề mà giáo dục chúng ta đang đối mặt. 

 

Riêng về dạy và học văn. Đáng lý ra nhà trường phải là nơi khơi dậy sức sáng tạo, khả năng cảm thụ văn chương trong mỗi học sinh nhưng hiện nay hình như kết quả mà chúng ta thu được hoàn toàn ngược lại. Dư luận phàn nàn: khả năng cảm thụ của học sinh ngày càng kém, năng lực đọc hiểu của giới trẻ ngày càng yếu, sức rung cảm của tâm và tinh thần sáng tạo có nguy cơ bị bào mòn.

 

Vậy theo giáo sư, trách nhiệm về những thực trạng đáng báo động này thuộc về người thày hay thuộc về người học?

 

Quả thật là quá xót xa khi một học sinh lại than không thể rung cảm và hiểu được bài Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc. Nhưng em đó không có lỗi. Người học phải luôn chủ động tìm tòi học hỏi cái hay cái đẹp của kiến thức, của văn chương là một lẽ rồi nhưng trách nhiệm chính và lớn nhất thuộc về những người đứng trên bục giảng và những người đưa ra những chính sách, chiến lược giáo dục.

 

Dạy văn rất khó, dạy văn học cổ lại càng khó, dạy làm sao để học sinh hiểu và rung cảm thì khó vô cùng. Vấn đề vướng mắc của chúng ta hiện nay là dạy ngữ và dạy văn chưa tương xứng với nhau.Ví dụ như chúng ta bắt các em phải học thuộc lòng, phải phân tích những bài thơ chữ Hán, chữ Nôm của các bậc tiền nhân nhưng bản thân các em chưa được học, được hiểu, chưa thấm nhuần được cái đẹp, cái tinh túy sâu xa của chữ Hán, chữ Nôm thì làm sao các em rung cảm được.

 

Từng tham gia ra đề thi văn cho học sinh các cấp lớp, đề thi học sinh giỏi, giáo sư thấy cách ra đề hiện nay như thế nào?

 

Giáo sư, nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai sinh năm 1919 tại Thanh Trì, Hà Nội.

 

Từng là Tổng thư ký Hội Văn nghệ cứu quốc tỉnh Hưng Yên (1947). Từ năm 1949 đến nay công tác tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

Hiện là Giáo sư Văn học, Chủ tịch Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TPHCM. Hiệu trưởng trường PTTH tư thục Trương Vĩnh Ký (TPHCM).

 

Thời tôi còn làm việc ở Bộ Giáo dục & Đào tạo, tôi có nhiều dịp tiếp xúc và trao đổi với Bộ trưởng Tạ Quang Bửu. Điều mà bộ trưởng quan tâm nhất là phải ra đề văn làm sao để các em nói đúng, nói thật từ chính kiến thức và những tình cảm, suy nghĩ sáng tạo riêng của mình. Vai trò của người ra đề rất quan trọng, phải ra làm sao để cho người làm bài được tự do viết nhưng không phải muốn viết gì là viết.

 

Cách ra đề các kỳ thi văn của chúng ta hiện nay còn khá khô cứng, những nhân vật và vấn đề cũng như yêu cầu đặt ra trong đề thi thường trùng lặp nhau quá nhiều. Một mảnh đất dù tốt đến đâu cày xới mãi rồi cũng xơ cằn. Cứ một vấn đề, một tác giả mà trở đi trở lại mãi mà không đổi mới cách tiếp cận thì làm sao mà mang đến cho người học sự rung cảm mới mẻ, tinh tế được. Tôi nhớ thời tôi đi học có những đề bài rất hay, đọc vào là thấy háo hức muốn làm bài ngay, kiểu như: "Có người nói buổi chiều ngày thứ bảy mới thật sự là ngày chủ nhật, bạn có đồng ý hay không?".

 

Ra đề thi phải khơi dậy những suy nghĩ riêng đồng thời phải rèn cho học sinh óc phê phán, nhìn vấn đề trên nhiều mặt. Cần tránh kiểu ra đề "suôn sẻ", dạng "thỏa hiệp", một chiều.

 

Có ý kiến cho rằng, đã qua rồi cái thời có những người tâm huyết với giảng dạy văn học, như nhà giáo Lê Trí Viễn giảng đến Kiều thì rơi nước mắt; nhà thơ, nhà giáo Đông Hồ chết trên bục giảng khi đang say sưa giảng bài cho sinh viên... Giáo sư nghĩ gì về điều này?

 

Chúng ta không thiếu những nhà giáo dạy văn tâm huyết. Những người đã chấp nhận đi theo con đường giảng dạy văn chương thì phần lớn đã nuôi trong lòng tình yêu với văn chương rồi. 

 

Cái chúng ta thiếu là sự cương quyết, sự mạnh dạn, chúng ta dễ dàng "thỏa hiệp" với nhau, "cả nể" nhau dẫn đến bị phụ thuộc vào nhau. Giả sử một người thầy rất muốn giảm bớt chương trình, đổi mới cách dạy văn nhẹ nhàng hơn, linh động hơn thì lại không được vì thầy còn bị lệ thuộc vào sách giáo khoa, vào số tiết dạy hay vào thành tích thi đua, chỉ tiêu đặt ra của trường, của ngành... 

 

Theo giáo sư giáo dục văn học nói riêng và nền giáo dục nói chung cần phải làm gì để cải thiện triệt để tình hình hiện nay? 

 

Thật ra, chúng ta đã và đang làm được những chuyển đổi lớn lao trong giáo dục nước nhà và xã hội đang rất quan tâm, chăm lo đầu tư cho giáo dục. Tôi tự tin là nền giáo dục của chúng ta sẽ ngày càng hoàn thiện hơn.

 

Riêng về tình hình dạy và học văn. Để giải quyết cần nhất là đi từ cái gốc của vấn đề. Đừng hiểu lờ mờ mục đích của việc dạy văn và học văn. Khi chúng ta hiểu dạy và học văn để đậu được một kỳ thi, lấy được một tấm bằng cho xong thì sẽ dạy và học theo cách khác. Nhưng khi chúng ta hiểu dạy và học văn còn là dạy và học để làm người thì chúng ta sẽ có những con đường đi khác. Đừng để rồi có em lại than không hiểu nổi Kiều, không hiểu nổi Bình Ngô Đại Cáo thì nguy to.

 

Theo Dương Vân - Vnexpress

Dòng sự kiện: Bài thi văn chấn động