Sinh viên Việt “khát” giáo trình chuẩn quốc tế

Sách giáo trình CĐ, ĐH ở Việt Nam vẫn ở một tầm thấp so với thế giới, đặc biệt, giáo trình về CNTT còn thiếu và yếu. Để bắt kịp với kiến thức của thế giới, Trường cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic chọn cách nhập ngoại giáo trình và dịch sang tiếng Việt.

Giáo trình Việt: thiếu và yếu

Giáo trình là một tài liệu mang tính nền tảng, cơ bản, toàn diện và chắt lọc những gì tinh hoa nhất của môn học. Nhưng đa số sinh viên (SV) chỉ đọc giáo trình trước mỗi kỳ thi. Mục đích chính là ôn luyện để thi cho qua chuyện, chứ không coi giáo trình như một tài liệu nghiên cứu lâu dài.

Mai Hương - SV khoa Văn học Trường ĐH KHXH & NV lý giải: “Nên chọn giáo trình chính thầy dạy mình viết để đọc. Như vậy hợp gu thầy, điểm số sẽ cao”.

Giáo trình chỉ được sử dụng thời vụ và ngắn hạn nên SV cũng không muốn đầu tư nhiều. Vì vậy, SV chỉ mượn hay photo giáo trình chứ không mua.

Với những ngày khoa học cơ bản, vấn đề giáo trình đã nhức nhối. Nhưng với ngành ứng dụng cao như CNTT thì vấn đề này càng bức bách hơn nhiều. Vấn đề “cốt tử” trong giáo dục-đào tạo là sách, nhưng hiện nay ở nước ta sách vẫn thiếu và yếu.

Giáo trình của Việt Nam ở lĩnh vực này thường không nhất quán, chậm cập nhật so với giáo trình nước ngoài. Nội dung thường là chắp vá một phần lấy từ tài liệu nước ngoài và một phần do tác giả tự viết. Hầu hết SV phải tự tìm tòi ở các nguồn khác nhau và chắp ghép lại để học.
 
Sinh viên Việt “khát” giáo trình chuẩn quốc tế - 1
Sinh viên Trường cao đẳng thực hành FPT.

Nâng cao chất lượng giáo dục bắt đầu từ sách giáo trình dịch

Khác với nhiều trường ĐH, CĐ khác, giáo trình của SV thường do chính giảng viên viết dựa trên kinh nghiệm thực tế và nghiên cứu của bản thân, Trường cao đẳng Thực hành FPT chọn hướng chắt lọc giáo trình phù hợp ở nước ngoài và dịch sang tiếng Việt để làm sách công cụ cho SV. Thầy Quách Ngọc Xuân (Giám đốc đào tạo) cho rằng: “Sẽ rất tốn kém để xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam nhưng sẽ ít tốn kém hơn để có những cuốn giáo trình đẳng cấp quốc tế”.

Cũng theo thầy Xuân, chỉ nhập ngoại giáo trình về thôi chưa đủ! Vì tiếng Anh chính là rào cản lớn đối với SV Việt Nam trong việc tiếp cận tri thức. Khi tốt nghiệp phổ thông, vốn tiếng Anh của SV chưa đủ để học chuyên ngành bằng tiếng Anh ngay được. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện tại, dịch sách tiếng Anh sẽ nhanh và hiệu quả hơn nhiều so với việc tự viết lấy.

Nhận thức được khó khăn trên, Ban Phát triển Chương trình của Trường cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic đã nghiên cứu thực tế và chọn đầu sách giáo trình CNTT phù hợp và dịch sang tiếng Việt. Để đảm bảo nội dung sát, người phụ trách dịch không chỉ biết tiếng Anh, mà còn phải nắm vững chuyên môn.

Giáo trình bằng tiếng Việt của trường được biên soạn và biên dịch thông qua sự hợp tác xuất bản với các nhà xuất bản quốc tế hàng đầu như McGraw Hill, Pearson, Wiley… giúp SV tiếp cận với tri thức công nghệ cập nhật một cách dễ dàng hơn khi khả năng ngoại ngữ còn hạn chế.

Các SV đánh giá rất cao hiệu quả của giáo trình dịch này. Khác với tưởng tượng của các bạn, giáo trình phải dày đặc kiến thức hàn lâm, quyển giáo trình được phát đến tận tay các bạn có hình thức đẹp, ngoài phần text, sách có minh hoạ thuyết minh bằng hình vẽ rất trực quan và dễ hiểu. Chỉ cần quyển giáo trình và máy tính, các bạn đã có thể tự học và thao tác được những kỹ năng cơ bản.

Cầm giáo trình dày cộp trên tay, Lan Anh (SV lớp PT 0604) khoe: “Giáo trình được dịch sang tiếng Việt nên mình rất dễ đọc và hiểu. Kiến thức được xâu chuỗi rất hệ thống và chi tiết lại cập nhật so với trình độ thế giới, mình coi nó như quyển sách gối đầu giường”.

Còn Ly Hương (SV lớp PT 0603) cho biết: “Nếu bạn nào học tốt tiếng Anh có thể mượn tài liệu tiếng Anh ở thư viện để đối chiếu so sánh so với bản dịch. Đây là một cách tốt để vừa học chuyên ngành vừa trau dồi thêm vốn từ tiếng Anh chuyên ngành”.

Các giảng viên của trường cũng đồng tình rằng, khi có sách chuẩn thì thầy cũng “nhàn” hơn rất nhiều. Một giảng viên của Trường cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic chia sẻ: “Thay vì dạy SV thao tác từng bước cơ học, thầy sẽ có nhiều thời gian hơn để đi vào hướng dẫn, định hướng, giải thích ý nghĩa của từng công cụ, giúp SV hiểu sâu và từ đó sẽ nhớ lâu hơn”.

Nếu coi nền tảng của việc học là quá trình tự học thì sách chính là con đường ngắn nhất, chắc chắn nhất và quan trọng là rẻ nhất để chúng ta nhanh chóng nắm bắt những kiến thức. Những SV cầu thực học vẫn khao khát cầm trên tay những cuốn giáo trình chuẩn quốc tế để biết rằng: họ không lạc hậu so với SV thế giới.

Nguyễn Thành Nguyên