Sinh viên Pháp bãi trường

Chiến dịch bãi trường nhằm phản đối Đạo luật Pécresse về trao quyền tự trị cho trường đại học tính đến ngày 9/11 đã lan ra hơn 15 trường ở Pháp và dự kiến sẽ đạt tới con số 35 trường trong ngày thứ hai 12/11.

Trước khi quyết định bãi học, hội đoàn sinh viên nhiều trường đã tổ chức họp toàn thể để biểu quyết và thường là tỷ lệ sinh viên thông qua kế hoạch áp đảo tỷ lệ chống. Ở Paris, khoảng 1000 sinh viên đã tập hợp gần nhà ngục Bastille trong ngày 8/11, mang theo những tấm băng rôn với nội dung "Chống lại việc tư hữu hóa ngành giáo dục", "Ngày mai, đi học có nghĩa là mắc nợ trong mười năm"...

Sau đó, họ kéo đến Nhà ga Bắc để tham gia "xâm lấn" đường ray cùng hàng trăm sinh viên đã có mặt trước ở đó. Ở Toulouse, 1500 sinh viên xuống đường diễu hành...

Theo kế hoạch của sinh viên các nơi, họ sẽ đặc biệt bãi học trong các ngày 14, 20 và 29 /11 để cùng tham gia các cuộc xuống đường của ngành giao thông vận tải, các công chức và ngành tư pháp.

Sinh viên Pháp bãi trường - 1

Sinh viên một trường đại học ở Nantes biểu quyết. (Ảnh: Ouest-france).

Trả lời phỏng vấn báo giới trước khi bước vào cuộc họp với lãnh đạo Liên đoàn sinh viên quốc gia Pháp (Unef), ngày 8/11, thần sắc của Bộ trưởng Giáo dục Đại học, Valérie Pécresse, tác giả của đạo luật mới, tỏ ra không được tốt, mặc dù bà khẳng định "sẽ luôn được tổng thống hậu thuẫn".

Bộ truởng Pháp lên án "những người có động cơ chính trị" đã điều khiển sinh viên từ phía sau. Để chuẩn bị cho cuộc họp này, bà Pécresse đã hoãn chuyến công du đến Bỉ và trước đó cũng vừa quyết định trích 11 triệu euro từ ngân sách 2008 để cải thiện chỗ ở cho sinh viên, một động thái xoa dịu. Tuy nhiên, lãnh đạo Unef, trong cuộc họp ngay sau đó, vẫn kiên quyết đòi chính phủ xem lại kế hoạch tư hữu hóa trường đại học của mình.

Đạo luật Pécresse ký ngày 11/8/2007 về quyền tự trị của trường đại học đã bị sinh viên Pháp phản đối ở ba điểm. Họ cho rằng điều khoản thứ 28 "trao quyền cho trường đại  học tự tìm kiếm qũy hoạt động riêng" bằng cách thu hút sự tài trợ của các công ty là "lôgíc con buôn", bởi lẽ lợi ích của các công ty sẽ không thể nào tương thích với mục tiêu giáo dục đại học. 

Kế đến, sinh viên lo âu các doanh nghiệp sẽ đổ nhiều tài trợ cho một số trường đại học lớn ở thủ đô và lãng quên các trường ở nơi hẻo lánh. Sau cùng, sinh viên Pháp phản đối việc cơ cấu lại thành phần hội đồng quản trị trường theo hướng giảm phần trăm tiếng nói sinh viên là "phương hại đến nền dân chủ đại học".

 

Theo Th. Tùng

Tuổi Trẻ