Sắp tốt nghiệp, phải học bổ sung 9 môn do trường... quên dạy

(Dân trí) - 29 sinh viên khoá I ĐH Răng Hàm Mặt sẽ phải bảo vệ tốt nghiệp chậm ít nhất 2 tháng so với dự kiến ban đầu để học bổ sung thêm 9 môn học (tương đương với 24 đơn vị học trình) do nhà trường đã “bỏ sót” trong quá trình đào tạo.

Sự cố hy hữu này chỉ được phát hiện khi T.S Nguyễn Quốc Trung - Phó hiệu trưởng nhà trường, Chủ tịch hội đồng xét duyệt thi tốt nghiệp tiến hành rà soát xét tư cách tốt nghiệp của sinh viên khoá I.
 
Sắp tốt nghiệp, phải học bổ sung 9 môn do trường... quên dạy - 1

Trường ĐH Răng Hàm Mặt

Phòng đào tạo nhận khuyết điểm

Trao đổi với Dân trí chiều ngày 27/5, Th.S Nguyễn Tiến Vinh, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Răng Hàm Mặt (RHM) thừa nhận: “Đây là sai sót của Phòng đào tạo khi khâu giám sát chương trình chưa chặt chẽ. Hiện tại Phòng cũng đang đưa ra các giải pháp trình Ban giám hiệu để khắc phục những sót trên”.

Nếu xin lỗi mà có thể sửa sai được thì tôi sẽ nói hàng nghìn lần xin lỗi tới các bạn sinh viên”- Th.S Nguyễn Tiến Vinh, trưởng Phòng đào tạo trường ĐH Răng Hàm Mặt.

Theo ông Vinh thì sự sai sót trên cũng do một phần nguyên nhân khách quan. Ông Vinh giải thích: “Đối với khoá I thì trường giảng dạy theo chương trình khung năm 2001 do Bộ GD-ĐT ban hành cho các trường đào tạo chuyên ngành RHM. Bên cạnh đó, trong lúc nhà trường mới thành lập còn gặp nhiều khó khăn nên Bộ Y tế đã giao cho các trường Y giúp trường ĐH RHM đào tạo trong những năm đầu. Chính vì vậy chúng tôi đã gửi sinh viên sang trường ĐH Y Hà Nội để đào tạo 3 năm đầu.
 
Điều đáng nói ở đây sinh viên của trường ĐH RHM khi sang trường ĐH Y Hà Nội thì lại học chung với sinh viên ngành Bác sỹ đa khoa. Sau khi kết thúc 3 năm học ở trường ĐH Y Hà Nội thì sinh viên quay trở lại trường ĐH RHM học tiếp năm thứ 4 thì trường bỏ sót không dạy tiếp môn Nội bệnh học và Ngoại bệnh học và chỉ đến khi ra soát lại thì mới phát hiện ra”.

“Chúng tôi đã thừa nhận khuyết điểm với Ban giám hiệu nhà trường và đã đưa ra giải pháp khắc phục dựa trên quan điểm là phải đảm bảo quy chế đào tạo chứ không thể để sai lầm tiếp diễn. Vì thế trường sẽ phải dạy bù đủ số môn học cho các em bằng các kế hoạch cụ thể trước khi các em bảo vệ tốt nghiệp”, ông Vinh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo phản ánh của sinh viên trường ĐH RHM thì ngay từ đầu năm học cuối cùng, mặc dù không có trong lịch học, nhưng so sánh với trường Y Hà Nội có vài sinh viên đã phát hiện ra chương trình không có 3 môn: Nhi, Y cổ truyền, Sản. Sau khi tiếp nhận ý kiến của sinh viên, Phòng đào tạo đã phải xếp lịch học bù 3 môn này.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Phòng đào tạo không tiến hành rà soát lại toàn bộ các môn học sau khi xuất hiện sự cố trên? - Ông Vinh cho biết, sau khi có sự cố trên, đã tiến hành rà soát, tuy nhiên không thể phát hiện ra những sai sót trên.

“Sở dĩ Phòng đào tạo không thể phát hiện ra là do các môn học này kéo dài và chia thành nhiều học phần. Ví dụ như môn học Nội bệnh học và Ngoại bệnh học thì sinh viên đã được học ở năm thứ 3, nhẽ ra sẽ tiếp tục được học ở năm thứ 4 nhưng trường lại bỏ sót. Vì thế trong bảng điểm vẫn có điểm các môn này nhưng chỉ có điểm học phần 1 mà lại không có điểm học phần 2. Mãi về sau này theo yêu cầu của Ban giám hiệu thì Phòng mới tiến hành tổng kết lại và mới phát hiện ra thấy thiếu điểm một số học phần của các môn”, ông Vinh nói.

Quyền lợi của sinh viên phải được đặt lên trước

“Chúng tôi cũng đã thừa nhận khuyết điểm đối với sinh viên. Phải khẳng định đây là sai sót của nhà trường mà cụ thể ở đây là Phòng đào tạo. Nhưng dù sai sót ở phòng ban nào thì người chịu trách nhiệm chính vẫn là người đứng đầu đơn vị”, T.S Trương Mạnh Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH RHM nhìn nhận một cách cầu thị.

Ông Dũng cho biết, trước mắt nhà trường phải tập giải quyết các vấn đề để đảm bảo quyền lợi của sinh viên. Sau đó nhà trường sẽ làm rõ mức độ sai phạm của từng cá nhân để từ đó đưa ra mức kỹ luật thoả đáng.

Cũng theo lời ông Dũng thì hiện tại nhà trường đã có các giải pháp để giải quyết những sai sót trên và chiều ngày mai (29/5) Ban giám hiệu sẽ làm việc tiếp với các bạn sinh viên để lựa chọn ra giải pháp tốt nhất để tránh sự căng thăng nhưng vẫn phải đảm bảo về mặt quy chế đào tạo.

Theo lộ trình của nhà trường thì 29 sinh viên khoá 1 sẽ bảo vệ tốt nghiệp vào khoảng tháng 9/2009. Để đảm bảo tiến độ này nhà trường sẽ cắt cử ra các nhóm để giúp sinh viên có thể học một cách tốt nhất.

“Về chi phí đào tạo phát sinh trường ĐH RHM sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Sinh viên không phải đóng góp thêm bất kì một chi phí nào”, ông Dũng khẳng định.

Nguyễn Hùng