Sách giáo khoa là hàng đặc thù chỉ nên xã hội hóa từng khâu

Mỹ Hà

(Dân trí) - Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính), xã hội hóa trong làm SGK là đúng nhưng nó là mặt hàng đặc thù nên chúng ta có thể xã hội hóa ở từng khâu.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính), lý giải của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về giá sách giáo khoa (SGK) cao gấp 2-3 lần đang "ngụy biện", coi tăng giá là hợp lý.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, trong phần trình bày, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giải thích giá SGK cao gấp 2-3 lần như hiện nay là do in giấy đẹp hơn, khổ rộng hơn, nhiều màu hơn và không phải thay toàn bộ SGK mà mỗi năm thay một lớp…

"Tất cả những điều này chỉ là đang "ngụy biện", đồng thời nếu hiểu theo cách nói của Bộ trưởng thì người dân phải chấp nhận việc tăng giá SGK và việc giá SGK cao là hợp lý", TS Long nói.  

Theo quan điểm của PGS.TS Ngô Trí Long, trước hết giáo dục là quốc sách, bất kỳ quốc gia nào cũng phải chú ý đến để đất nước phát triển.

Sách giáo khoa là hàng đặc thù chỉ nên xã hội hóa từng khâu - 1

Hiểu theo cách lý giải của Bộ trưởng thì việc giá SGK cao gấp 2-3 lần như hiện nay là hợp lý (Ảnh: M.H).

Ở Việt Nam, phần lớn mọi người đều có thu nhập bình dân. Người dân không chỉ chi cho việc học mà nhiều việc khác nên phải xem xét lại chủ trương xã hội hóa một cách cẩn thận.

Thứ hai, học sinh là đối tượng cần bảo trợ. Ở các quốc gia khác đều có chính sách hỗ trợ về sách giáo khoa, nơi thì phát không, nơi thì cho mượn SGK…

Thứ 3, trong bối cảnh hiện nay thu nhập trung bình của người dân còn thấp hơn các nước. Trong khi đó SGK ảnh hưởng đến mọi tầng lớp trong xã hội, hầu hết các gia đình đều có 1-2 con đi học, nhà nào không có con học thì cũng có cháu. Do vậy, SGK là mặt hàng mà nhà nước đặc biệt phải quan tâm.

"Vấn đề này đã được đưa ra bàn ở Quốc hội và đã có quyết định xã hội hóa trong biên soạn SGK. Nghĩa là nguồn lực nhà nước có hạn nên cho nhiều thành phần khác cùng tham gia làm sách.

Điều đáng nói ở đây, thay vì nhiều thành phần tham gia chắc chắn có sự cạnh tranh và làm cho giá thấp thì ở đây giá SGK lại cao", PGS.TS Ngô Trí Long đặt vấn đề.

Lý giải về điều này, TS Long cho rằng, khi xã hội hóa SGK đương nhiên có sự cạnh tranh.

Theo đó, các nhà xuất bản sẽ huy động đội ngũ viết sách tốt nhất, sách được in ấn đẹp, bắt mắt nhất, thêm vào đó chi phí truyền thông, quảng bá, phát hành, thậm chí cả hoa hồng… dẫn đến đội giá.

Hiện để làm SGK có 3 khâu chính: Biên soạn, in ấn và phát hành. Chuyên gia này cho rằng, chủ trương xã hội hóa là đúng nhưng kèm theo chủ trương đó, cần có chính sách để việc xã hội hóa được tốt. Cho dù xã hội hóa nhưng không có cơ chế hỗ trợ thì không được.

"Tôi nghĩ xã hội hóa trong làm SGK là đúng nhưng nó là mặt hàng đặc thù nên chúng ta có thể xã hội hóa ở từng khâu.

Theo đó, có thể nhà nước sẽ bao cấp, hỗ trợ khâu nào đó để đảm bảo giá SGK phù hợp đối với mọi gia đình, chứ không phải xã hội hóa ở tất cả các khâu để ra được một cuốn SGK như hiện nay.

Phương án mà chuyên gia này đưa ra, riêng khâu biên soạn SGK, nhà nước nên dùng ngân sách hoặc vốn vay ODA để thu hút, trả chi phí, đãi ngộ xứng đáng cho người có tài năng và kinh nghiệm để họ tham gia biên soạn SGK.

Nếu khâu này có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước thì giá SGK sẽ giảm đáng kể mà chất lượng nội dung sẽ nâng lên. Như vậy, chúng ta vừa có đội ngũ chuyên gia tốt nhất để viết SGK, người dân lại không phải mua SGK với chi phí quá cao.

Trước đó, sáng 25/5, thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong những ngày gần đây, dư luận xã hội có nói nhiều đến việc giá sách giáo khoa tăng 2-3 lần.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, sở dĩ bộ sách giáo khoa mới đắt gấp 2-3 lần sách cũ là do sách mới có khổ lớn hơn, giấy tốt hơn sách cũ.

Các quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành sách là các doanh nghiệp hoàn toàn tự đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính.