Phó Chủ tịch nước: Đề nghị bỏ thi tốt nghiệp THPT

(Dân trí) - “Không thể lấy kết quả 6 môn thi tốt nghiệp để đánh giá quá trình 12 năm học. Đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu có thể bỏ ki thi tốt nghiệp THPT vì thường kết quả tốt nghiệp rất cao, không phản ánh đúng thực chất” – Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự Hội nghị tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam do UB TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức hôm nay, 31/7. Hội nghị hội tụ nhiều chuyên gia, nhà giáo dục tên tuổi hiện nay.

Con số “bức bối” của giáo dục đại học
Tham dự hội nghị có nhiều chuyên gia, nhà giáo dục tên tuổi hiện nay.
Tham dự hội nghị có nhiều chuyên gia, nhà giáo dục tên tuổi hiện nay.

Bắt đầu từ bậc học đại học, GS. Trần Phương (Hiệu trưởng trường ĐH kinh doanh và công nghệ HN) khái quát, ai cũng biết là giáo dục đại học hiện rất bất cập trong khi tiến trình CNH, HĐH đất nước trông chờ vào kết quả của cấp đào tạo này.

Ông Phương chỉ rõ “thế khó” cho công cuộc đổi mới giáo dục đại học nói riêng và chất lượng cả ngành giáo dục đào tạo nói riêng khi đang rất “đói vốn”. Hàng năm, mức đầu tư cho giáo dục đã chiếm 20% ngân sách, duy trì qua rất nhiều năm qua. Tỷ lệ này, ông Phương cho là đã hết mức, không thể mong “đòi thêm”.

Hướng gỡ duy nhất để tăng suất đầu tư cho lĩnh vực này, ông Phương quả quyết chỉ có con đường xã hội hóa, như mô hình của Nhật Bản – có đến 80% sinh viên cao đẳng, đại học theo học ở các trường tư thục. Dẫn thêm ví dụ một nước giàu có như Mỹ cũng vẫn phải duy trì 25% trường đại học tư thục.

Chính sách hiện tại của Việt Nam đối với các trường đại học ngoài công lập, ông Phương cho rằng chưa tích cực. Việc “hãm phanh” tốc độ lập trường đại học tư thục, liên kết đào tạo với nước ngoài… chỉ sau thời gian ngắn mở cửa vì những ta thán, lo lắng về chất lượng, theo ông Phương, là đi ngược với xu thế chung của thế giới.

Trong khi đó, giáo dục đại học công, suất đầu tư cho mỗi sinh viên chỉ ở mức 10-12 triệu đồng/năm (nhà nước “gánh đỡ” 70% trong số đó) không thể mang lại chất lượng đào tạo. Thêm nữa, chính sách “bao cấp” như vậy còn bất hợp lý khi hướng tới hỗ trợ người giàu vì các sinh viên học đại học công lập đa phần xuất thân từ những gia đình thuộc nhóm 20% dân số giàu nhất nước, chính học trò nghèo chỉ có điều kiện đầu tư học tập để đỗ được các trường ngoài công lập với mức điểm thi rất hạn chế.

Ông Phương đề nghị sớm cân bằng học phí giữa hệ công lập và tư thục, bỏ việc đánh thuế các trường ngoài công lập, cấp đất xây trường cho bất cứ trường nào, dù là mô hình vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận, cho vay ưu đãi để xây trường… vì tất cả các chính sách “đánh” vào trường đều là gián tiếp đánh vào đầu sinh viên.

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội “gật đầu” với những phân tích của ông Phương về việc không thể tăng hơn mức kinh phí đầu tư của nhà nước, tính cho cả giai đoạn 10-20 năm tới vì tỷ lệ 20% ngân sách đã là rất ưu ái cho ngành. Tuy nhiên, mức đầu tư tuyệt đối như vậy vẫn quá nhỏ bé vì 20% này phải chia đều cho cả việc đào tạo cán bộ chính trị cũng như đào tạo trong quân đội của toàn hệ thống. Vậy nên, chỉ còn hướng tăng học phí là khả quan cho mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục.

GS Hoàng Xuân Sính (Chủ tịch HĐQT trường ĐH Thăng Long) cũng dẫn thêm các con số thống kê để chứng minh. Ở các nước, xuất đầu tư cho mỗi sinh viên đều khoảng 5.000 USD đến 50.000 USD/năm. Trong khi ở Việt Nam, con số này chỉ là 500 USD. Bà Sính đánh giá, đây là con số nói lên tất cả những vấn đề tồn tại, bức bối của chất lượng giáo dục đại học. Chỉ cần giải quyết được vấn đề nguồn vốn đầu tư cho bậc học này, trường sẽ ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy…

Hiến kế tìm nguồn đầu tư, bà Sính phân tích, các giáo viên phổ thông cho biết, đến 99% học sinh Hà Nội đều phải học thêm để luyện thi vào đại học, trung bình mất 5-10 triệu đồng/tháng. Chỉ tính 10 tháng học của năm lớp 12, mỗi gia đình phải đầu tư 50 – 100 triệu đồng cho việc học thêm của con em. Ngoài ra, việc học tiếng Anh, từ gia đình người lái xe đến người buôn thúng bán bưng cũng phải cố mỗi tháng 1-2 triệu đồng đầu tư cho con học thêm từ cấp tiểu học, trung học cơ sở.

“Nếu mỗi gia đình không phải đầu tư cho con học thêm nhiều như vậy thì có để tiết kiệm tiền chi phí việc học ở bậc đại học. Như vậy có thể tăng mức đầu tư cho mỗi sinh viên học đại học, không để ở con số “buồn cười” 500 USD/năm như hiện nay” – bà Sính giải thích.

Cắt giảm chương trình học phổ thông
GS Hồ Ngọc Đại: Nên xây dựng lại hệ thống giáo dục phổ thông chỉ với 11 năm học.
GS Hồ Ngọc Đại: "Nên xây dựng lại hệ thống giáo dục phổ thông chỉ với 11 năm học".

Đối với các vấn đề ở cấp học thấp hơn, GS Hồ Ngọc Đại đặt vấn đề, không nên đặt mục tiêu, kỳ vọng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài vì tài năng là “đặc sản cá nhân”, chỉ có thể tạo điều kiện để nhân tài bộc lộ, phát huy được. Còn nền giáo dục đại trà chỉ cấp cho cá nhân những tri thức và kĩ năng cơ bản bắt buộc, tối thiểu, không thể không có. Do đó cần phân chia bậc học theo 2 tiêu chí: Sự phát triển tự nhiên của trẻ em hiện đại qua các lứa tuổi và nhu cần sức lao động của các cá nhân trong nền sản xuất hiện đại.

Ông Đại đề xuất xây dựng lại hệ thống giáo dục phổ thông với 11 năm học (6 năm tiểu học, 3 năm THCS và 2 năm THPT). Ông Đại khẳng định: “17 tuổi, ra khỏi trường phổ thông ở nền văn minh hiện đại là vừa. Nán lại thêm 1 năm nữa là thừa, tốn kém và có thể hại về tâm lý đối với thanh niên hiện đại”.

Tán thành quan điểm này, PGS Văn Như Cương (hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh) cho rằng cần xác định lại mục tiêu của giáo dục phổ thông. Nếu học xong THPT đi làm ngay thì học chương trình hiện hành là không cần thiết, rất lãng phí khi thực tế chương trình hiện tại chỉ phục vụ một mục đích duy nhất là vào đại học.

Cấu trúc lại chương trình THPT, phân ra hai nhánh: một nhánh trường THPT như mô hình hiện nay và một nhánh là trường THPT có dạy nghề (chiếm khoảng 40%). Chương trình học ở trường hướng nghiệp, dạy nghề chỉ có 5 môn học kiến thức, thể chất và kỹ năng sống bắt buộc với những kiến thức thiết thực, đơn giản nhất, ngoài ra là các môn tự chọn và dạy nghề kỹ thuật với thời lượng học tập kiến thức văn hóa và dạy nghề ở mức cân bằng 50/50.

Mặt khác, ông Cương cũng kiến nghị thay đổi cách thi cử, đánh giá, kiểm định chất lượng, chia nhỏ từng yếu tố để đánh giá học sinh trong suốt quá trình học. Kì thi tốt nghiệp THPT nên tổ chức nhẹ nhàng, giao về các sở, không cần tổ chức một cuộc thi căng thẳng, nặng nề như hiện nay. Kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng cũng nên giao cho các trường tự chủ.

Tán thành hướng phân tích này, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đồng tình với yêu cầu xem xét lại cách đánh giá kết quả giáo dục. Không thể lấy kết quả 6 môn thi tốt nghiệp để đánh giá quá trình 12 năm học.

“Đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu có thể bỏ ki thi tốt nghiệp THPT vì thường kết quả tốt nghiệp rất cao, không phải ánh đúng thực tế. Đã có năm, ngành giáo dục làm mạnh tay thì có trường tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chỉ còn 14%, thậm chí có trường tốt nghiệp 0%... Cần xem lại khâu quản lý thi, nếu duy trì thì phái thắt chặt quản lý” – Phó Chủ tịch nước cũng nhận định, để 2 kì thi quốc gia (tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh cao đẳng, đại học) diễn ra gần nhau quá còn gây khổ cho nhà trường, gia đình, học sinh, tốn kém cho xã hội.
GS Hồ Ngọc Đại: Nên xây dựng lại hệ thống giáo dục phổ thông chỉ với 11 năm học.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: Lượng sinh viên, tiến sỹ ngày một tăng, sao đất nước vẫn chậm đổi mới?".

Khái quát chung vấn đề, bà Doan chia sẻ bản thân “rất sốt ruột với các vấn đề của giáo dục”.

“Tại sao đất nước chậm đổi mới và nguy cơ tụt hậu trong khi lại mẫu thuẫn với số học sinh ra trường ngày một đông, lượng tiến sĩ ngày một tăng? Phải chăng chúng ta đang lãng phí một nguồn lực về giáo dục đào tạo dù đã có đủ chủ trương, Nghị quyết?...” – Phó Chủ tịch nước nêu một loạt băn khoăn.

Bà Doan nhấn mạnh, đã đến lúc phải rà soát lại từng lĩnh vực, bậc học để có giải pháp cụ thể, phù hợp với lứa tuổi, ngành nghề. Bộ GD-ĐT cần có tổng kết kỹ về hiệu quả các trường ngoài công lập để có đầu tư phù hợp. Hệ thống học phí cũng cần cân đối để không có sự bất hợp lí giữa giáo dục công - tư. Trong đề án về chính sách đối với nhà giáo, bộ cũng đề xuất tăng lương - đây là một giải pháp nhưng cần nghiên cứu thêm các chính sách khác đối với nhà giáo ngoài tăng lương.

P.Thảo