Ông thợ mộc và 7 người con đại học

(Dân trí) - Chồng làm thợ mộc, vợ bán hàng rong, suốt ngày làm quần quật từ sáng tinh mơ đến tối mịt để nuôi 7 người con ăn học thành tài. Đó là gia đình ông Phạm Nhựt Khuê và bà Nguyễn Thị Kim Lan, khu vực I, phường 5, thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Gia đình ông Khuê nằm trong một xóm nhỏ. Ông làm nghề thợ mộc, vợ bán hàng rong. Ngày hai buổi không kể nắng mưa, bà Lan cất tiếng rao đi đến từng con hẻm nhỏ mong lấy công làm lời nuôi 9 miệng ăn của gia đình.

Còn ông Khuê, cả ngày cần mẫn bên đống gỗ, đóng thuê từng cái bàn, cái ghế, cái giường…ai thuê gì thì làm nấy.

Hai vợ chồng ông, lúc đó người gầy rốc, suốt ngày làm quần quật mới lo đủ gạo ăn cho 9 miệng ăn. Nhưng cuộc sống của ông bà càng vất vả hơn khi 7 người con đến tuổi ăn học.

Khi 7 người con đều đến trường, đứa nhập học, đứa vào cấp III, đứa thi đại học, tiền sách vở, tiền học, tiền trường… làm cho vợ chồng ông quay như chong chóng, vừa lo được đứa này lại đến đứa khác. Dồn tiền cho con ăn học, nhiều lúc vợ chồng ông còn phải nhịn đói và đi vay tiền cho con nộp học.

Thế nhưng, vợ chồng ông Khuê đều có chung suy nghĩ: “Chỉ có học hành tới nơi tới chốn thì mới có thể thay đổi được cuộc sống nghèo, lạc hậu” nên vợ chồng ông chấp nhận gian nan vất vả mong có kết quả tốt sau này.

Có lẽ vì cha mẹ hết lòng nên con không phụ công cha mẹ. Các con ông rất chăm chỉ học tập. Nhà nghèo, ăn còn chả đủ nói chi đến ăn mặc. Hạnh phúc nhất đối với các con ông là được đi học. Nên 7 người con luôn bảo ban nhau học tập. Sách của anh lớp trước để lại cho em lớp sau. Thậm chí, quần áo còn chia nhau ra để mặc đến trường.

Tuy không được đầy đủ như bạn bè cùng trang lứa nhưng 7 người con ông vẫn không nản chí, kiên trì phấn đấu vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Có những lúc quá khó khăn trong nhà không còn hột gạo, tưởng chừng như không thể vượt qua được, 2 người con lớn của ông Khuê đã có ý định nghỉ học, tìm việc làm giúp đỡ bố mẹ, nhưng tất cả đều nghĩ: “Sau cơn mưa trời lại sáng”, mọi khó khăn rồi cũng dần trôi đi.

Ông Khuê tâm sự: “Vợ chồng tôi thường khuyên dạy các con “ở đời lấy đức làm trọng”, phải theo gương “ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Trải qua những năm tháng gian khổ, tôi thực sự tin rằng trong khó khăn con người được tu luyện nhiều hơn, chỉ cần quyết tâm kiên trì thì sẽ được đền đáp.
 
Các con tôi đều ngoan hiền, biết nghe lời, chia sẻ khó khăn cùng cha mẹ, anh chị lo cho các em. Tôi luôn nhắc nhở các con phải biết kính trọng thầy cô và quan tâm đến tất cả mọi người: “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

Giờ đây ở tuổi 66, ông Khuê có thể tự hào với bà con hàng xóm, ông không giàu sang hơn người, cũng không phải nhà cao cửa rộng … mà bởi những thành quả mà gia đình đã đạt được qua nhiều năm tháng gian nan vất vả.

Hiện, 7 người con của ông Khuê đều đã trưởng thành và đều làm việc trong cơ quan nhà nước. Trong 7 người con ông thì có đến 5 người con là đảng viên và người con thứ hai đang công tác tại ĐH Cần Thơ, hiện đang bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Malaysia.

"Thành quả mà gia đình chúng tôi có được là nhờ sự phấn đấu vượt mọi khó khăn của tất cả các thành viên trong gia đình. Giờ đây các con tôi thật sự trưởng thành. Tuy nhiên, gia đình tôi cũng không bao giờ quên sự dạy dỗ của các thầy cô, sự hỗ trợ của các ngành đoàn thể địa phương, MTTQ, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học… Do vậy gia đình tôi hầu hết là phục vụ địa phương, nơi đã cưu mang đùm bọc chúng tôi suốt thời gian dài", ông Khuê cho biết.

Hồng Hạnh