Nút thần kỳ nào để dạy con hư không cần đến đòn roi?

Hà Trang Mai Hoa

(Dân trí) - PGS.TS tâm lý Trần Thành Nam chia sẻ, để có thể dạy dỗ con hư mà không cần đến đòn roi thì cần cả một quá trình chuyển hóa của cha mẹ chứ không có bất cứ một cái nút thần kỳ nào cả.

Nhiều phụ huynh có suy nghĩ rằng đánh con không phải việc gì to tát, chưa nghiêm trọng như các vấn đề bạo hành gia đình. Tuy nhiên, họ vẫn chưa ý thức được rằng, nếu lạm dụng đòn roi thì sẽ khiến trẻ chỉ tập trung vào nỗi đau khi bị đánh mà không nhớ được mình đã làm sai điều gì.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có những quan điểm riêng.

Nút thần kỳ nào để dạy con hư không cần đến đòn roi? - 1

PGS.TS Trần Thành Nam

Trẻ thường xuyên bị đánh sẽ có những hành động "trả đũa" lại bố mẹ 

Phóng viên: Thưa PGS.TS Trần Thành Nam, hiện nay có rất nhiều thông tin liên quan đến việc cha mẹ đánh con, thậm chí bạo hành vì con hư, con đi chơi game, bỏ học hay ăn trộm tiền,... Vậy ông nghĩ thế nào về việc nhiều bậc cha mẹ dùng đòn roi như một cách dạy dỗ trẻ?

PGS.TS Trần Thành Nam: Việc cha mẹ dùng đòn roi như một cách dạy dỗ trẻ có thể bắt nguồn từ đặc điểm xã hội Phương Đông vốn trọng tính thứ bậc, đề cao phong cách độc đoán kiểu "phụ xử tử vong tử bất vong bất hiếu".

Điều này dẫn đến phong cách, hành vi làm cha mẹ đã hằn sâu trong tâm thức của người lớn rằng cha mẹ tốt phải kiểm soát chặt chẽ, quản con trong tầm mắt. Việc trừng phạt cơ thể là cách dạy dỗ, cha mẹ quát mắng là thể hiện sự quan tâm.

Nhiều bậc phụ huynh tin rằng không trừng phạt những lỗi nhỏ thì sẽ dẫn đến lỗi lớn hơn. Cho rằng nếu một hình phạt mà không hiệu quả thì chỉ có hình phạt nặng hơn. Đồng thời cho rằng hiệu quả của một hình phạt thể hiện ở mức độ đau khổ và khó chịu của con.

Rất nhiều cha mẹ hiện nay đã được nuôi nấng lớn lên với phong cách làm cha mẹ của ông bà mang tính trừng phạt khắc nghiệt như vậy. Vì không có một hình mẫu làm cha mẹ mới, bản thân các cha mẹ vẫn thấy mình ổn nên theo thói quen, vẫn sử dụng các hình thức trừng phạt này với con cái.

Phóng viên: Theo ông, với giáo dục hiện đại thì đánh đòn có còn là một phương pháp hiệu quả nữa hay không? Và việc dùng đòn roi/bạo hành với trẻ sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực nào?

PGS.TS Trần Thành Nam: Hiện nay, nhiều bằng chứng nghiên cứu khoa học đã chỉ rõ đánh đòn không phải là một cách dạy con có hiệu quả.

Khi việc cha mẹ đánh con cái được "bình thường hóa" trong gia đình, trẻ nhỏ sẽ coi có là điều được chấp nhận. Chính vì vậy, điều này không chỉ làm tổn hại đến sức khỏe thể chất mà còn gây ảnh hưởng đến cả tâm sinh lý của trẻ sau này.

Chúng ta có thể thấy những đứa trẻ thường xuyên bị đánh, bị phạt nhiều thường không linh hoạt, kém thích nghi, trí tuệ bị ảnh hưởng, giảm khả năng giải quyết vấn đề, giảm sự sáng tạo ở trẻ.

Còn về sức khỏe tâm lý, sau mỗi trận đòn roi, trẻ sẽ cảm thấy lo lắng, bẽ mặt, nhục nhã. Hoặc chúng sẽ có suy nghĩ tiêu cực rằng cha mẹ đang hạ thấp lòng tự trọng, tự tin của mình. Rồi từ đó có thể khiến trẻ tức giận và có những hành động "trả đũa" lại bố mẹ bằng các hành vi chống đối.

Khi cảm thấy sợ "roi giáo huấn" của cha mẹ, trẻ sẽ quanh co tìm cách lừa dối người lớn để né tránh các hình phạt. Và hành động bồng bột để trốn tránh nỗi sợ ấy chính là bằng việc bỏ nhà, bỏ học. Lâu dài làm trẻ trở nên "miễn dịch" với tất cả hình thức phạt của bố mẹ.

Trừng phạt đòn roi chưa chắc đã khiến trẻ làm theo những gì người lớn muốn, có chăng chỉ là học được một tấm gương bạo lực từ người lớn. Sẽ duy trì vòng luẩn quẩn bạo lực trong gia đình, xã hội. Những vụ việc con cái bạo hành cha mẹ già gần đây cũng xuất hiện là hậu quả lâu dài của việc cha mẹ bạo hành con cái từ nhỏ.

Trừng phạt cơ thể cũng làm cho trẻ sợ cha mẹ, thầy cô và những người lớn có "quyền". Và ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa trẻ và cha mẹ. Bầu không khí trong gia đình sẽ rất căng thẳng nếu cha mẹ luôn quát tháo và sử dụng hình phạt thể chất.

Nút thần kỳ nào để dạy con hư không cần đến đòn roi? - 2

Và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những hình thức kỷ luật đưa ra luôn phải đảm bảo các nguyên tắc an toàn, tôn trọng, và tạo cơ hội để giáo dục hành vi. (Ảnh: minh họa)

Cha mẹ cần phải có những hành vi tích cực

Phóng viên: Vậy theo ông, cha mẹ nên dùng phương pháp nào để dạy dỗ con hư mà không cần dùng đến đòn roi?

PGS.TS Trần Thành Nam: Để có thể dạy dỗ con hư mà không cần đến đòn roi thì cần cả một quá trình chuyển hóa của người cha người mẹ chứ không có bất cứ một cái nút thần kỳ nào cả.

Sự chuyển hóa này sẽ phải bắt đầu bằng việc thay đổi những niềm tin cơ bản của cha mẹ như yêu cho roi cho vọt, giúp cha mẹ nhìn nhận được mục tiêu, động cơ đằng sau những hành vi ứng xử sai của đứa trẻ để rộng lượng hơn với con, không gán nhãn con mình là "hư bẩm sinh" hay "dốt bền vững" đồng thời mở ra góc nhìn mới về những thế mạnh, điểm độc đáo trong tính cách của trẻ.

Tiếp theo là cha mẹ phải học cách tạo dựng lại mối quan hệ gần gũi, biến thời gian các thành viên ở bên nhau trở thành một phần thưởng tinh thần cho cả cha mẹ và con cái. Vì nếu con cái không cảm thấy thoải mái khi ở bên cha mẹ. Cha mẹ chẳng thể nào sử dụng lời khuyên và các giải pháp tích cực với con.

Cha mẹ cũng cần phải học và thực hành các kỹ năng tạo ra môi trường kỷ luật trong gia đình một cách tích cực bằng cách thống nhất các luật lệ, các kỳ vọng hành vi của các thành viên trong gia đình.

Cần nhớ rằng cách bền vững nhất để làm giảm những hành vi tiêu cực ở con không phải là trừng phạt, mà là bằng cách nhận ra, khuyến khích những hành vi tích cực của con trẻ. Nếu trẻ luôn chú ý vào những hành vi tích cực mình có thể thể hiện, nó sẽ không còn thời gian để thực hiện những hành vi sai nữa.

Chuyển hóa đến lúc này, cha mẹ mới có thể thực hành được các hình thức kỷ luật không đòn roi bao gồm góc trấn tĩnh; mất quyền lợi, thực hiện nhiệm vụ khó chịu, vận dụng những hệ quả tự nhiên và hệ quả logic.

Và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những hình thức kỷ luật đưa ra luôn phải đảm bảo các nguyên tắc an toàn, tôn trọng, và tạo cơ hội để giáo dục hành vi.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!