“Nước nghèo phải biết sử dụng nguồn lực doanh nghiệp cho giáo dục”

(Dân trí) - “Một nước nghèo thì bên cạnh sử dụng nguồn lực ngân sách, việc rất quan trọng là sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp” - Ý kiến của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân khi nói về đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng cho biết: Năm tới, nguồn thu từ điện tử tin học là 3,5 tỉ USD. Khoảng 3-5 năm nữa khi các nhà đầu tư vào nhiều hơn thì điện tử tin học còn có thể chiếm tỉ trọng lớn hơn trong  nền kinh tế. Đến năm 2010, điện tử tin học có thể vượt qua da giày.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa cho biết, có hai chủ tịch tập đoàn nước ngoài đến và họ yêu cầu lượng công nhân lao động cực kì lớn, trong đó có dự án của Samsung cần 25 ngàn nhân lực. Thưa Phó Thủ tướng, chúng ta đã tính đến việc giải bài toán nhân lực này như thế nào?

 

Chúng ta sẽ thảo luận cụ thể với họ. Chẳng hạn khi Intel vào, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn kí hợp đồng với một số trường đại học rồi. Hoặc là Công ty Hồng Hải (Đài Loan), họ đầu tư khoảng 3-5 tỉ, cần 5 vạn lao động và cũng đã kí với một số trường.

 

Phương châm là những dự án đầu tư 1 tỉ USD trở lên, Bộ Giáo dục kí với họ thỏa thuận nguyên tắc để đưa các trường cung cấp cho họ sau đó họ sẽ tiếp tục kí với từng trường. Tức là sẽ không để cho họ ở trạng thái lo lắng và không có người giúp đỡ.

 

Phải nói rằng, một bộ đứng ra kí thỏa thuận để cung cấp nhân lực nguyên tắc là chưa bao giờ làm trong lịch sử của mình cả, nhưng vừa rồi đã làm.

 

Bộ kí như vậy có khó khăn gì không?

 

Bộ kí như vậy nói nôm na là mình phải chịu lên lưng cọp thì họ mới dám đi. Họ vào đây, cần hàng vạn lao động mà họ không biết dựa vào ai thì khó quá.

 

Bộ phải làm khâu trung gian ban đầu để họ đỡ phải chạy đi chạy lại, lo lắng. Nói ví dụ thế này, có công ty vào đây họ đầu tư khoảng hơn 3 tỉ USD, họ cần rất nhiều lao động và họ rất lo lắng. Lúc đầu chúng tôi gặp hỏi họ cho biết số lượng và loại công nhân, kĩ sư từng ngành nghề, nhưng mãi không thấy họ đưa. Chúng tôi cử một đồng chí Vụ trưởng đến gặp họ, lúc đó họ mới bảo, chúng tôi đi đầu tư nước ngoài thì chỉ có chúng tôi đi tìm Chính phủ thôi, chưa bao giờ Chính phủ đi tìm doanh nghiệp hỏi ông cần cái gì. Sau đó họ mới tin, mới cung cấp số liệu…

 

Như vậy là khi thái độ chúng ta thực sự vì doanh nghiệp thì họ sẽ tin cậy, gắn bó. Lúc đầu mình tìm họ, nhưng chắc thời gian nữa thì họ sẽ tìm mình và mình thì cố gắng nhiều hơn.

 

Chất lượng đào tạo của các trường hiện nay cũng chưa cao, vậy các doanh nghiệp có hỗ trợ thêm để các trường nâng cao hơn chất lượng?

 

Thứ nhất, họ sẽ đưa nội dung và những yêu cầu về kĩ năng để các trường có cơ sở qui chiếu. Thứ hai, họ cung cấp giáo trình. Thứ ba, họ hỗ trợ trang thiết bị: hiện có hai công ty đã hỗ trợ mỗi trường đại học 300 ngàn USD về thiết bị đào tạo ngành tin học điện tử.

 

Thậm chí có trường hợp họ đưa giáo sư của họ sang. Họ dạy lần đầu tiên, thầy giáo của mình cùng dự sau đó mình rút kinh nghiệm.

 

Cho nên phương châm đào tạo theo nhu cầu chính là phát huy rất tốt nguồn lực của doanh nghiệp phục vụ nhà trường. Và ở đây có một hiệu ứng gọi là hiệu ứng "ăn theo". Ví dụ, một trường có 5 ngàn sinh viên thì chỉ có 1 ngàn được đào tạo theo nhu cầu, nhưng nội dung đổi mới, 4 ngàn còn lại cũng hưởng luôn. Thiết bị mới cũng như vậy, tất cả sinh viên cùng được thực tập trên đó. Như vậy chúng ta có thể hiện đại hóa với chi phí thấp.

 

Sau một thời gian, hiện nay Bộ cũng đặt yêu cầu là các trường đánh giá hiệu quả đào tạo của mình qua chỉ số có việc làm. Dần dần đó sẽ trở thành một thói quen tất yếu để sau này các trường công bố số liệu, có việc làm bao nhiêu %, đang làm những ngành nghề chính nào.

 

Một nước nghèo thì bên cạnh sử dụng nguồn lực ngân sách, việc rất quan trọng là sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp, hai bên cùng có lợi.

 

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

 

Mạnh Cường (ghi)