Những ngành học "không bao giờ thất nghiệp" trong thời cuộc 4.0

Quang Trường

(Dân trí) - Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thông tin ứng dụng và Công nghệ tài chính và kinh doanh số đang là những ngành có mức lương thuộc top đầu, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp dẫn đầu trong thời đại 4.0.

Ngành Trí tuệ nhân tạo có mức lương cao nhất

Hiện nay, nhóm kỹ sư có chuyên môn thuộc lĩnh vực công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo đang nhận mức lương cao nhất và cao hơn các nhóm chuyên môn khác của Việt Nam. Theo thống kê từ Navigos Group, nhóm kỹ sư phát triển phần mềm liên quan đến Trí tuệ nhân tạo có mức lương gần 1.900 USD/tháng cùng các chế độ đãi ngộ hấp dẫn khác.

Những ngành học không bao giờ thất nghiệp trong thời cuộc  4.0 - 1

Ngày càng nhiều nữ sinh tham gia học ngành Trí tuệ nhân tạo (Ảnh: Ngọc Diệp)

Trí tuệ nhân tạo ngày càng được ứng dụng rộng rãi do công nghệ này có khả năng giải quyết các bài toán cụ thể, có thể ngang bằng, thậm chí vượt qua khả năng của con người. Vì vậy, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao tăng gấp đôi trong vài năm qua.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực Trí tuệ nhân tạo của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu thị trường, dẫn đến khó khăn trong tuyển dụng. Nguồn cung chuyên gia Trí tuệ nhân tạo của Việt Nam hiện nay chủ yếu là tu nghiệp tại nước ngoài, trong khi đó, khoảng cách kỹ năng toàn cầu trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo còn khá lớn.

Trong những năm qua, các trường đại học hàng đầu và có truyền thống về Công nghệ thông tin của Việt Nam đã triển khai các chương trình đào tạo định hướng Trí tuệ nhân tạo như: trường Đại học Công nghệ, trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông, Học viện Kỹ thuật Quân sự…

Chương trình đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo của Trường ĐH Công nghệ được thiết kế với các khối kiến thức phân tầng và gắn kết với nền tảng là các kiến thức về toán, khoa học máy tính, các môn khoa học khác; kế tiếp là phần kiến thức cốt lõi về trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu; tiếp nối là phần kiến thức về các miền ứng dụng như y tế, khoa học xã hội, môi trường, robot…

Tốt nghiệp ngành Trí tuệ nhân tạo, sinh viên có cơ hội làm việc trong môi trường quản lý, sản xuất, kinh doanh với tư cách cán bộ thiết kế, phát triển và bảo trì các hệ thống trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu; Cán bộ nghiên cứu phát triển tại các công ty, tập đoàn công nghệ; Cán bộ quản lý các hệ thống ứng dụng Trí tuệ nhân tạo.

Ngoài ra, cử nhân ngành Trí tuệ nhân tạo có đủ năng lực và kỹ năng để làm giảng viên, nghiên cứu viên tại các trường đại học, viện nghiên cứu.

Cơ hội việc làm rộng mở của ngành mới nổi - Fintech

Ngành Công nghệ tài chính (Fintech) là áp dụng công nghệ mới và đổi mới, nhằm cạnh tranh với các phương pháp tài chính truyền thống trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính.

Fintech được định nghĩa là một ngành nghề mới, là ngành công nghiệp tài chính. Ngành này áp dụng các công nghệ tiên tiến để tăng năng suất, nâng cao hiệu quả công việc trong hoạt động tài chính.

Cùng với sự phát triển của Cách mạng Công nghiệp 4.0, ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ Fintech.

Các tổ chức tài chính truyền thống cũng đang phát triển các sản phẩm công nghệ tài chính. Fintech hiện đang cung cấp dịch vụ trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Công nghệ ngân hàng, Thanh toán, Quản lý tài chính, các loại tiền kỹ thuật số,… với các sản phẩm đa dạng như: Ví điện tử, Thương mại điện tử…

Những ngành học không bao giờ thất nghiệp trong thời cuộc  4.0 - 2
Công nghệ tài chính và kinh doanh số là ngành mới nổi, được nhiều thí sinh quan tâm (Ảnh: Thanh Tùng).

Lĩnh vực tài chính - ngân hàng cũng là lĩnh vực được ưu tiên trong chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng 2030. Vì vậy, đây là ngành học phù hợp với xu thế chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam.

Ngành Công nghệ tài chính và Kinh doanh số có tính liên ngành cao, kết hợp giữa các ngành Kỹ thuật, Công nghệ, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thông tin và đặc biệt là Tài chính.

Sinh viên Công nghệ tài chính sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở các vị trí như: Chuyên viên/Nhà quản lý hoạch định chiến lược; Quản lý, kiểm soát hệ thống tài chính tại các cơ quan quản lý tài chính nhà nước, các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực, các cơ quan nghiên cứu phát triển công nghệ, các phòng thí nghiệm sáng tạo…

Người học cũng có thể trở thành Chuyên viên/Nhà quản lý công nghệ tài chính, phát triển công nghệ tài chính, phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính mới tại các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty chứng khoán, các công ty phát triển phần mềm, cung ứng dịch vụ cho thị trường tài chính…

Đối với sinh viên định hướng kinh doanh số, người học có thể trở thành Chuyên viên/Nhà quản lý phân tích Kinh doanh số, bán hàng kỹ thuật số; Chuyên viên/Giám đốc truyền thông kỹ thuật số, chiến lược số và thương mại điện tử hay thương hiệu kỹ thuật số.

Cử nhân/Thạc sĩ Công nghệ tài chính và kinh doanh số cũng có thể trở thành các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông số. Các chuyên gia đóng vai trò như một chi nhánh mở rộng của một tổ chức, giám sát các bộ phận quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị, quan hệ công chúng và công nghệ thông tin.

Chương trình Công nghệ tài chính và Kinh doanh xét tuyển theo kết quả bài thi tốt nghiệp THPT với các tổ hợp: A00, A01, D01, D03, D06, D07, D23, D24.

ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển sinh 150 chỉ tiêu bằng các phương thức tuyển sinh: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo Quy định; Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022; Xét tuyển theo kết quả bài thi Đánh giá năng lực do ĐHQGHN tổ chức; Xét tuyển bằng các chứng chỉ IELTS kết hợp các điều kiện về điểm thi tốt nghiệp THPT trong tổ hợp tương ứng, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế TOEFL iBT, A-Level… và kết quả bài thi chuẩn hóa ACT, SAT…

Ngành Công nghệ thông tin ứng dụng khát nhân lực

Công nghệ thông tin ứng dụng (An toàn không gian số, IoT (Internet vạn vật) và Hệ thống nhúng) trở thành xu thế tất yếu của công cuộc chuyển đổi số. Đó đều là những lĩnh được dự báo có nhu cầu cao đến năm 2050.

Khi nền kinh tế phải chuyển sang cách thức hoạt động mới: làm việc trực tuyến, việc đảm bảo an toàn thông tin được coi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. An toàn không gian số trở thành ngành có nhu cầu nhân lực rất lớn trong tương lai.

Thế giới đang chuyển mình với các thiết bị ngày càng thông minh: xe hơi thông minh, điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh, chìa khóa thông minh…Chính vì vậy, ngành Hệ thống nhúng và điều khiển tự động đang "khát" nhân lực.

IoT là một trong bốn trụ cột của cách mạng công nghiệp 4.0. Ngành học này mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn, đi đầu trong thời đại 4.0. Chuyên ngành đào tạo này được dự báo có tốc độ phát triển rất mạnh trên thế giới.

Những ngành học không bao giờ thất nghiệp trong thời cuộc  4.0 - 3
Ngành Công nghệ thông tin ứng dụng khát nhân lực chất lượng cao (Ảnh: Đặng Dương).

Là một nền kinh tế mới năng động, Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ các hoạt động khoa học, công nghệ và kỹ thuật. Thêm vào đó, hàng loạt các hiệp định thương mại tự do cũng đã được ký kết giúp tăng cường kinh doanh xuyên quốc gia phát triển. Vì vậy, nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngành Công nghệ thông tin ứng dụng càng trở nên cấp thiết, cơ hội nghề nghiệp rộng mở và hấp dẫn.

Tốt nghiệp Kỹ sư Công nghệ thông tin ứng dụng, người học có cơ hội lựa chọn công việc trong rất nhiều lĩnh vực: Chuyên gia phân tích an ninh mạng, Kỹ sư an ninh mạng, Kiến trúc sư an ninh mạng, Quản trị an ninh mạng, Nhà phát triển phần mềm bảo mật, Chuyên gia mật mã, Chuyên gia giải mã và Giám đốc an toàn thông tin.

Theo báo cáo thị trường công nghệ thông tin Việt Nam 2021 của TopDev, một trong những công ty hàng đầu về tuyển dụng ngành Công nghệ thông tin (CNTT), trong số hơn 55.000 sinh viên CNTT tốt nghiệp mỗi năm, chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (30%) đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn mà doanh nghiệp cần. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nhân lực CNTT dù số lượng đào tạo hằng năm của Việt Nam khá cao.

Một cuộc khảo sát được Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành với các học sinh THPT và doanh nghiệp - nhà tuyển dụng cho thấy, khoảng 27.4% học sinh có xu hướng quan tâm tìm hiểu các khối ngành Kỹ thuật - Công nghệ, đặc biệt ngành Công nghệ thông tin ứng dụng.

Tuy lĩnh vực kinh doanh khác nhau, nhưng có 90% số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và nâng cao trình độ chuyên môn của người lao động về An toàn không gian số, IoT và Hệ thống nhúng.