Những lời mắng nhiếc của cha mẹ mà con trẻ sẽ nhớ mãi

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - Có những bậc cha mẹ chỉ vô tình mắng con vài câu nặng nề mà chính họ cũng không nghĩ rằng, lời nói của họ sẽ khiến con nhớ tới khi chúng trưởng thành.

Bên cạnh những phụ huynh có sở thích dạy bảo con cái một cách nhẹ nhàng thì cũng có nhiều bậc cha mẹ có thói quen quát mắng con cái "cho sướng miệng" hoặc mắng con mà không nghĩ nhiều về hậu quả.

Sự thật thì một số câu nhiếc mắng của cha mẹ gây tổn hại lâu dài cho con cái và khiến chúng không thể quên ngay cả khi đã trưởng thành.

Dưới đây là một số câu nhiếc mắng gây đau đớn cho con trẻ mà cha mẹ nên tránh:

Bố/mẹ ước gì con chưa bao giờ được sinh ra.

Con là sai lầm tồi tệ nhất của bố/mẹ trong cuộc sống.

Con quá béo.

Cuộc hôn nhân của bố/mẹ thất bại vì con.

Bố/mẹ không muốn gặp lại con nữa.

Bố/mẹ có thể cho con cuộc sống này thì cũng có thể lấy đi.

Tất cả mọi việc luôn là lỗi của con.

Đối xử tốt với con không phải là việc của bố/mẹ.

Mày chết với tao.

Đối với bố/mẹ, con không tồn tại.

Con lúc nào cũng là kẻ thua cuộc.

Con làm bố/mẹ thất vọng hết lần này đến lần khác.

Bố/mẹ không bao giờ nên tin tưởng con về bất cứ điều gì.

Con đã phá hỏng mọi thứ trong cuộc sống của bố/mẹ.

Con không thể làm bất cứ điều gì đúng đắn.

Tại sao con không có gì giống bố/mẹ?

Bố/mẹ luôn thích anh/chị/em của con hơn.

Nhìn đã thấy dễ mà tại sao con không làm nổi?

Nếu con chọn sống như thế này, con không xứng là con của bố/mẹ.

Đó là một quyết định ngu ngốc của con.

Con đã làm việc rất ngu xuẩn.

Những lời mắng nhiếc của cha mẹ mà con trẻ sẽ nhớ mãi - 1

Bố mẹ nên cân nhắc khi quát mắng con cái (Ảnh minh họa: iStock).

Trong việc nuôi dạy con cái, nhiều bậc cha mẹ có thể sẽ làm tổn thương con mình theo một cách nào đó và nếu bạn không tìm hướng giải quyết vấn đề thì vết thương lòng có thể để lại hậu quả lâu dài với con của bạn.

Nếu bạn đã lỡ buông lời cay đắng với con của mình, hãy chân thành nói lời xin lỗi với con của bạn. Chúng ta không thể rút lại những lời đã nói nhưng chúng ta có thể xin lỗi vì những gì mình đã nói/làm. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương của con, bạn có thể cần phải nói lời xin lỗi nhiều lần, đừng ngại ngần và đừng nghĩ rằng: "Bố mẹ thì việc gì phải xin lỗi con".  

Lời xin lỗi có thể không giải quyết được tất cả mọi vấn đề nhưng nó sẽ giúp cho con bạn hiểu rằng bố mẹ cũng đã nhận ra lỗi sai của mình.

Không có gì chứng tỏ lời xin lỗi của bạn chân thành hơn là hành động mà bạn đã làm để sửa sai. Thay đổi hành vi, cách ứng xử của bạn với con cái. Nếu bạn đã quá chỉ trích con mình, bạn cần tập trung vào việc khuyến khích con một cách tích cực.

Nếu cách nói của bạn quá khắc nghiệt, hãy thay đổi vốn từ vựng của bạn. Nếu bạn bỏ lỡ một sự kiện quan trọng của con mình, hãy đảm bảo rằng bạn sẽ không vắng mặt thêm lần nào nữa. Đây là cơ hội để bạn cho con thấy là bố mẹ thật tâm muốn thay đổi.

Bạn càng sớm có thể xin lỗi con vì những lời nói gây tổn thương thì càng tốt. Nói chuyện thẳng thắn với con bạn về điều đó. Chia sẻ với chúng rằng đôi khi người lớn cũng mắc sai lầm.

Hãy tận dụng thời điểm này như một cơ hội để dạy con bạn rằng, bố mẹ cũng không hoàn hảo và con nên đối phó như thế nào khi phải nghe những lời nói gây tổn thương.

Lưu ý, hãy chân thành nói lời xin lỗi con và thừa nhận sai lầm của mình. Đây không phải là lúc để bạn nói lời xin lỗi kiểu như: "Đúng là bố/mẹ đã nói vậy nhưng...".

Có thể bạn nghĩ nói lời xin lỗi sẽ khiến các bậc cha mẹ "giảm giá trị" nhưng không phải vậy. Đừng xin lỗi nửa vời theo tư thế "bề trên", điều đó sẽ khiến lời xin lỗi của bạn phản tác dụng.