Những đề án nghìn tỷ về đào tạo tiến sĩ

Mạc Doanh

(Dân trí) - Trước Đề án 89 về đào tạo tiến sĩ của Chính phủ vừa phê duyệt thì Việt Nam đã có hai đề án về đào tạo tiến sĩ cho các cơ sở giáo dục ĐH bằng ngân sách nhà nước là Đề án 322, Đề án 911.

Mỗi Đề án đều có kinh phí hàng nghìn tỷ nhưng dư luận cũng đặt rất nhiều câu hỏi về hiệu quả của những đề án này.

Đề án 322

Năm 2000, Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước" (Đề án 322).

Đề án được thực hiện từ năm 2000 đến năm 2005, với mục tiêu đào tạo và bồi dưỡng cán bộ khoa học, kỹ thuật trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu nước ngoài hoặc phối hợp với nước ngoài để đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, Đề án 322 đã được kéo dài tới 10 năm với kinh phí trên  2.500 tỉ đồng tương đương với 152 triệu đô la Mỹ, trung bình chi khoảng 33.000/đô la Mỹ/du học sinh.

Theo tổng kết của Bộ GD&ĐT, trong thời gian thực hiện Đề án 322, cả nước gửi đi đào tạo  4.590 người,  trong đó, có 2.268 người đi học trình độ tiến sĩ.

Số lưu học sinh tốt nghiệp trở về nước là 3.017 người  gồm 1.074 tiến sĩ, 984 thạc sĩ, 233 thực tập sinh và 726 sinh viên ĐH với tổng kinh phí hơn 2.500 tỷ đồng. Như vậy, số tiến sĩ tốt nghiệp chỉ chiếm 50% số gửi đi học.

Trong khi đó, Bộ GD&ĐT báo cáo chỉ có 33 lưu học sinh (chiếm 1,06% số lưu học sinh tốt nghiệp) không hoàn thành nhiệm vụ học tập hoặc đã tốt nghiệp về nước, nhưng không trở lại cơ quan cũ công tác. 

Lý do đưa ra là một số trường hợp vì sức khỏe không đảm bảo nên phải về nước, một số khác bị thôi học vì kết quả học tập không đạt quy định, hoặc có người về nước sau đó không trở lại nước ngoài học tiếp vì lý do cá nhân, một số thì tốt nghiệp về nước nhưng không làm việc cho cơ quan công tác trước đây và cá biệt có người học xong không về nước.

Trong số các trường hợp phải bồi hoàn kinh phí cho Nhà nước, chỉ có 50% đã thực hiện.

Đề án 911

Ngay sau khi đề án 322 kết thúc, ngày 7/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định Phê duyệt Đề án "Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020" (Đề án 911) với kinh phí 14.000 tỷ đồng. Nhưng sau 7 năm triển khai, đề án đã phải dừng vì quá nhiều bất cập.

Đề án 911 vạch ra lộ trình đến năm 2020 bổ sung được 23.000 tiến sĩ mới (gồm 10.000 tiến sĩ đào tạo trong nước, 10.000 tiến sĩ đào tạo nước ngoài và 3.000 tiến sĩ theo phương thức đào tạo phối hợp). Nhưng kết quả đối với đào tạo trong nước, tính đến năm 2016, số giảng viên đăng ký đào tạo ở trong nước trúng tuyển và nhập học là 2.050 nghiên cứu sinh.

Đối với đào tạo ở nước ngoài, kế hoạch đặt ra là đào tạo được khoảng 10.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ. Song thực tế, đề án mới tuyển hơn 2.900 ứng viên, chỉ đạt hơn 29% chỉ tiêu. 

Đáng nói, trong số ứng viên đã trúng tuyển, đến hết năm 2016, đề án mới làm thủ tục cử đi học được gần 2.000 người. Còn hơn 900 ứng viên trúng tuyển chưa đi học sẽ chỉ có khoảng 400 người làm thủ tục đi học trong năm 2018. Hiệu quả thấp nhất trong đề án lại thuộc về hình thức đào tạo phối hợp.

Đề án 911 đặt ra mục tiêu đào tạo 3.000 tiến sĩ theo hình thức này. Thực tế, chỉ tiêu được giao là hơn 1.300, nhưng số nghiên cứu trúng tuyển vỏn vẹn... 27 người (đạt 2% chỉ tiêu). 

Song đó cũng chưa phải là con số cuối cùng, 23 nghiên cứu sinh sau đó đã bỏ học, số nghiên cứu sinh còn theo học chỉ là 4 người. 

Đề án 89 có gì mới

Ngày 18/1/2019, Chính phủ Quyết định Phê duyệt đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030" (Đề án 89).

Mục tiêu của Đề án 89 là Theo Đề án 89, mục tiêu cụ thể của đề án là đào tạo trình độ tiến sĩ cho khoảng 10% giảng viên đại học, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, trong đó 7% giảng viên được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; 3% giảng viên được đào tạo trong nước và phối hợp giữa các trường đại học Việt Nam với các trường đại học nước ngoài; Phấn đấu 80% giảng viên các trường thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao đạt trình độ thạc sĩ trở lên, được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài và trong nước đạt chuẩn chất lượng khu vực và thế giới, cơ cấu hợp lý.

Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, để thực hiện mục tiêu đề án đặt ra, dự kiến trong 10 năm tới cần đào tạo khoảng 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ.

Điểm mới của Đề án 89 so với 2 đề án cũ là nếu như đối với các đề án 322, 911, Bộ GDĐT trực tiếp tuyển chọn ứng viên theo các tiêu chí quy định tại các văn bản quy phạm hướng dẫn thực hiện đề án thì ở Đề án 89 này, căn cứ vào các tiêu chí về chuyên môn và hướng dẫn của Bộ GDĐT và các bộ liên quan, cơ sở GDĐH sẽ tự chủ trong tuyển sinh và tổ chức đào tạo (với 3% đào tạo trong nước) trên nguyên tắc chia sẻ kinh phí giữa nhà nước và cơ sở đào tạo cử giảng viên tham gia Đề án, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các ứng viên thụ hưởng Đề án. 

Các đối tác nước ngoài được lựa chọn là những trường ĐH uy tín thuộc top 500 của các bảng xếp hạng thế giới; tăng mức đầu tư cho đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đáp ứng đủ chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, thực hành, thí nghiệm, thực tập và công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí có uy tín trong khu vực và thế giới.