Nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam rất lớn

Hoài Sơn

(Dân trí) - Theo dự báo của một số chuyên gia, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp chip bán dẫn trong 5 năm tới khoảng 20.000 người và 10 năm tới khoảng 50.000 người.

Ngày 19/10, tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội thảo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam rất lớn - 1

Toàn cảnh hội thảo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam (Ảnh: Hoài Sơn).

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyên gia dự báo tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp chip bán dẫn trong 5 năm tới khoảng 20.000 người và 10 năm tới khoảng 50.000 người, đạt trình độ đại học trở lên.

Hiện tại, số nhân lực thiết kế vi mạch có khoảng 5.000 người. Theo các chuyên gia, nhu cầu đào tạo trong một vài năm tới khoảng 3.000 người/năm, trong đó, số tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30% (bao gồm cả kỹ sư bậc 7, thạc sĩ, tiến sĩ).

Tuy nhiên, do thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn, vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng, thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch là một ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao.

Nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam rất lớn - 2

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (ở giữa) chủ trì hội thảo (Ảnh: Hoài Sơn).

Tuy nhiên, người học và các cơ sở đào tạo sẽ ưu tiên lựa chọn, đầu tư vào những ngành nghề có chi phí đào tạo thấp mà thị trường lao động trước mắt có nhu cầu lớn.

Vì vậy, mặc dù ngành công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo hoàn toàn mới, đã có một số trường đại học lớn triển khai đào tạo từ nhiều năm nay, tuy nhiên số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp.

Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, đang là một điểm nghẽn lớn hiện nay trong việc thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao nằm ở quy luật khách quan trong quan hệ cung - cầu giữa hệ thống GD&ĐT và thị trường lao động.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, nếu phát triển được lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, sẽ nâng được tầm, vị thế của đất nước. Bộ xác định việc đào tạo và nghiên cứu ngành công nghiệp chip bán dẫn là một trong những nhiệm vụ mũi nhọn được ưu tiên.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đây là lĩnh vực cần công nghệ cao, cần đầu tư cao, yêu cầu cao, kỳ vọng cao và phải đào tạo với tinh thần chất lượng cao.

Nếu các trường chứng minh khả năng, quyết tâm, Bộ sẵn sàng cho tuyển sinh sớm, ban hành Thông tư, quy chế đặc biệt cho ngành này để thu hút được chuyên gia, liên kết đào tạo và sử dụng chương trình của nhau.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý các trường phải có dữ liệu, có kế hoạch bài bản, không lạc quan mà tuyển sinh ào ạt.

Bộ GD&ĐT sẽ chuẩn bị thể chế, cái gì làm được sẽ làm ngay; chỉ đạo để trong thời gian sớm nhất hoàn thành chuẩn chương trình đào tạo; tăng cường các chương trình liên kết với nước ngoài, các doanh nghiệp, để chia sẻ chỗ thực hành, đào tạo.