Người mẹ dân tộc J’rai của nhiều đứa con nhỏ

(Dân trí)-Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Chữ Par (Gia Lai), cô giáo Siu H Phưl chọn gắn mình với nghề dạy trẻ mầm non miền núi. Gần 30 năm trong nghề, “người mẹ” của biết bao nhiêu đứa trẻ đã có phút trải lòng về những thăng trầm trong cuộc đời dạy trẻ của mình.

Tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Gia Lai, người con gái J'rai trở về địa phương bắt đầu công việc dạy học. Tuy nhiên những ngày mới bắt đầu đi làm, mảnh đất nơi cô giáo trẻ ước mơ được dạy các em bé lại không có trường học. Bất đắc dĩ không còn sự lựa chọn nào khác, cô đã cùng một số phụ huynh khác dọn dẹp lại một khu chuồng bò cũ từ thời bao cấp để lấy không gian cho các em. Bàn ghế ngày đó cũng không có nên các bé phải ngồi hết ở dưới sàn nhà có lát lá cây rừng, khiến cô giáo lúc nào cũng thương các em lạnh.
 
Về dạy học, mong muốn lớn nhất của cô Siu H Phưl đó là tất cả các em bé sẽ được đến trường thay vì việc theo bố mẹ lên rẫy. Tuy nhiên mong muốn đó không hề dễ dàng bởi đồng bào vẫn còn nặng suy nghĩ ''tự dạy dỗ con cái sẽ tốt hơn là đến trường'' nên nhiều lần cô phải đến tận nhà động viên và giải thích. Vì thế nên ''Dù có nói thế nào đồng bào vẫn không cho con đi học vì họ sợ con họ bị làm hại'' - cô Siu H Phưl tâm sự. Những ngày đầu, lớp học chỉ lác đác một vài em, còn phần nhiều các em vẫn phải theo bố mẹ lên nương rẫy.
 
Gần 30 năm dạy trẻ, cô giáo Siu H Phưl càng yêu và gắn bó với nghề hơn
Gần 30 năm dạy trẻ, cô giáo Siu H Phưl càng yêu và gắn bó với nghề hơn.
 
Gần 30 năm trong nghề, hình ảnh những đứa trẻ lấm lem tự chơi một mình trên nương như một nỗi ám ảnh với cô bởi: ''Mình có chuyên môn có thể dạy cái chữ cho các em, mà các em lại không được đến lớp'' - cô giáo trải lòng. Vì thế có những lúc cô đã nản và không còn niềm tin sẽ ''lôi kéo'' được các em đến trường, nhưng niềm vui bất ngờ đã đến khi chỉ một thời gian ngắn sau chính người dân tự đến trường xin cho con học. Giây phút đó được cô ví ''là phút sung sướng và hạnh phúc nhất trên đời'' vì mình đã thỏa ước nguyện bấy lâu nay.
 
Nói chuyện với người đồng bào, cô Siu H Phưl mới biết lý do để họ có quyết định này đó là ''muốn con của mình cũng giỏi như các em bé khác được đi học''. Thì ra ban ngày họ lên nương, lên rẫy nhưng tối về vẫn để ý những em bé nhà người khác đã được đến trường. Các em biết nói tiếng Kinh, biết cái chữ, biết các con số khiến những người lớn vô cùng ngạc nhiên và có sự so sánh với những em bé không được đến trường. Nhờ đó mà người dân tự thấy việc đưa con em mình đến lớp học của cô Siu H Phưl là tốt nên đã tự đến xin học. Từ đấy lớp học của cô giáo dân tộc J'rai rộn ràng nhiều tiếng nói cười của con trẻ hơn và cô giáo cũng thêm ''say'' và yêu nghề hơn.
 
Những bài học đầu tiên khi cô dạy các em bé từ ''con gà'', ''quả đu đủ'' hay gọi ''bố'', ''mẹ'', nói tiếng Kinh như thế nào đến làm tính hay hát các bài hát... với cô giáo đều là những kỉ niệm không bao giờ quên. Với 100% người dân là đồng bào dân tộc J'rai nói tiếng dân tộc, việc uốn nắn cho từng em bé cách phát âm và bắt đầu học tiếng phổ thông vô cùng gian nan nhưng cũng nhiều niềm vui. Với trẻ em vùng cao việc nghe cô phát âm tiếng Kinh là một điều mới lạ và thú vị nên các em cũng hứng thú trong mỗi giờ học. Và điều cô vui nhất đó là có những phụ huynh đến trường khoe với cô giáo họ đã ngạc nhiên như thế nào khi con đi học về đã dạy lại cho bố mẹ biết cách phát âm bằng tiếng Kinh của một số đồ vật trong nhà.
 
Gần 30 năm dạy trẻ, cô giáo Siu H Phưl càng yêu và gắn bó với nghề hơn
Với những thành tích đạt được, cô giáo Siu H Phưl vinh dự trở thành một trong số 128 nhà giáo tiêu biểu đang công tác tại biên giới, hải đảo, vùng cao khó khăn về dự lễ gặp mặt, biểu dương tại Hà Nội đầu tháng 11/2012.
 
Trong suốt thời gian dạy học, cô giáo Siu H Phưl còn nhớ như in những lần cùng dân lợp lại mái trường vì cứ gió về là mái lại bị tốc và phải cho các em nghỉ học. Do trường nằm trên đồi cao, mái lợp bằng cây rừng không chịu được sức tàn phá ghê gớm của những cơn mưa xối xả nên chuyện phải vào rừng kiếm lá để về lợp trở thành thường xuyên. Mỗi lần phải nghỉ học như thế, các em bé trong bản em nào cũng đứng nem nép ở bậu cửa nhìn ra ngoài ngóng lúc cô giáo làm xong là chạy ùa ra khiến ai nhìn cảnh đấy cũng cảm động. Người dân cho biết: ''Ở nhà nhiều lúc con không nghe lời bố mẹ nhưng cô Phưl nói gì cũng răm rắp nghe theo và ngoan lắm''.
 
Thấm thoắt cũng đã gần 30 năm theo nghề dạy trẻ, giờ cô Siu H Phưl đã ngoài 50 tuổi với những nếp nhăn đầy trên khuôn mặt. Nhưng ở cô vẫn một lòng yêu trẻ và say mê với nghề nên vẫn ngày ngày đến lớp đều đặn với những đứa ''con nhỏ'' của mình. Trường Mầm non xã TaKa nơi cô công tác với tổng số 17 giáo viên và 2 cán bộ quản lí cũng đã bắt đầu dạy với hình thức bán trú có bữa ăn trưa cho các em. Không còn khó khăn như ngày trước, con em đồng bào dân tộc thiểu số trong địa bàn xã đã được đến trường học cái chữ, đây cũng là điều ao ước của cô giáo bấy lâu nay.
 
Với những cống hiến trong nghề, năm 2012 cô giáo Siu H Phưl vinh dự trở thành một trong số 128 nhà giáo tiêu biểu đang công tác tại biên giới, hải đảo, vùng cao khó khăn về dự lễ gặp mặt, biểu dương tại Hà Nội đầu tháng 11/2012. Bày tỏ niềm vui, sự xúc động khi được về thủ đô, cô giáo chia sẻ: ''Đây là lần đầu tiên tôi được về Hà Nội, được vào lăng viếng Bác Hồ, được gặp mặt nhiều anh chị em trong nghề ở khắp mọi miền Tổ quốc về đây, tôi mừng lắm và càng ngẫm càng thấy yêu công việc mình đang làm hơn. Tôi mong muốn trong tương lai sẽ không còn em bé người dân tộc thiểu số nào phải thất học nữa bởi không được đi học là một thiệt thòi vô cùng lớn cho các em''.

Phạm Oanh