Nam sinh lớp 7 bị đánh đến rối loạn tâm thần: Có thể khởi kiện

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Đại tá Phạm Trường Dân, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng có thể khởi kiện ra tòa với vụ việc nam sinh lớp 7 bị bạo lực học đường đến rối loạn tâm thần.

Bố mẹ học sinh đánh bạn phải chịu trách nhiệm

Đã hai tháng trôi qua, sự việc cháu V.V.T.K., học sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng (Thạch Thất, Hà Nội), bị nhóm bạn đánh hội đồng nhiều lần đến rối loạn tâm thần vẫn được dư luận quan tâm.

Đây là một trong những vụ việc bạo lực học đường để lại hậu quả nặng nề, lâu dài, mà cả nạn nhân và thủ phạm đều đang ở độ tuổi trẻ em.

Đánh giá về sự việc, Đại tá Phạm Trường Dân, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng đây là vụ việc nghiêm trọng. Theo ông Dân, bởi vì các đối tượng bạo lực học đường gây ra hậu quả cho người khác đều là trẻ em nên bố mẹ hoặc người giám hộ các cháu bé này phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Nam sinh lớp 7 bị đánh đến rối loạn tâm thần: Có thể khởi kiện - 1

Hình ảnh cháu K. cần có người chăm sóc trong bữa ăn (Ảnh: Minh Quang).

"Xét trên khía cạnh tình người, khi con mình đánh con người ta như thế, nhìn vào hoàn cảnh gia đình như vậy, nên có trách nhiệm với cháu bị đánh, hỗ trợ về vật chất để điều trị cho nạn nhân tới khi khỏe mạnh trở lại. 

Mức hỗ trợ dựa trên thương lượng. Ngoài chi phí thuốc men điều trị thực tế còn cần tính đến chi phí chăm sóc, thiệt hại thu nhập do bố mẹ phải bỏ công bỏ việc để lo cho con", ông Dân cho hay. 

Trong trường hợp gia đình nạn nhân không nhận được hỗ trợ thỏa đáng hoặc không thỏa mãn với mức hỗ trợ, ông Dân tư vấn gia đình có thể khởi kiện ra tòa, đề nghị tòa xem xét giải quyết phù hợp với các quy định của pháp luật.

Ông Dân cũng cho biết thêm, trường hợp vụ việc bạo lực học đường xảy ra trong trường học, nhà trường cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhận định: "Hành vi của các cháu bé đối với nạn nhân trong vụ việc này là cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe cho người khác. Do các cháu bé này chưa đủ 14 tuổi, vấn đề trách nhiệm hình sự sẽ không đặt ra.

Tuy nhiên, cần phải làm rõ nguyên nhân, điều kiện để thực hiện các giải pháp phòng ngừa, xem xét các biện pháp hành chính để giáo dục các cháu bé, đồng thời xem xét trách nhiệm của người lớn khi để xảy ra sự việc như vậy.

Trong vụ việc này, cha mẹ của các cháu có hành vi đánh bạn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với toàn bộ thiệt hại đã gây ra với nạn nhân. 

Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, phục hồi sức khỏe, tiền công người chăm sóc và các thiệt hại khác phát sinh trong quá trình thăm khám điều trị đối với cháu bé này".

Ông Cường cũng đánh giá, dựa trên những thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng thì sự việc xảy ra ở nhà trường nên cơ sở giáo dục cũng có một phần trách nhiệm và phải bồi thường một phần thiệt hại đối với gia đình nạn nhân.

"Mức bồi thường thiệt hại sẽ phụ thuộc vào thiệt hại cụ thể và sự thỏa thuận giữa các bên. Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật", luật sư Cường cho biết.

Nạn nhân không nhận thức được bất kỳ ai, kể cả nhóm bạn đã đánh mình

Vài ngày qua, cháu K. được gia đình đưa đến trường đi học với mục đích hòa nhập, giải tỏa tâm trạng. 

Trao đổi với phóng viên Dân trí chiều 29/11, chị Kiều Thị Mai, mẹ của cháu K. cho biết, cùng ngày cháu K. đã được đưa tới trường nhưng được một tiết thì kêu đau đầu. Sau đó, K. được thầy hiệu trưởng chở về nhà. Về tới nhà, cháu kêu gào có mấy người đánh cháu đang ở trước mặt.

"Cháu ít khi tỉnh táo, vẫn toàn gọi bố mẹ và mọi người xung quanh là côn đồ. Mấy bạn đánh K. bây giờ cháu cũng không nhận ra", chị Mai nhắn.

Nam sinh lớp 7 bị đánh đến rối loạn tâm thần: Có thể khởi kiện - 2

Cháu K. lên giường nằm nghỉ sau bữa cơm tối (Ảnh cắt từ clip).

Chị Mai được bác sĩ cho biết bệnh tình của K. phải điều trị kéo dài, không biết bao giờ đỡ.

Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thất, vụ việc cháu K. bị bạo lực học đường được nhà trường phát hiện ra vào ngày 16/9. Tới ngày 21/9, cháu K. có biểu hiện sang chấn tâm lý. Ngày 25/9, gia đình đưa cháu K. đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám và được kết luận cháu bị rối loạn phân ly (một dạng rối loạn tâm thần).

Sau đó, gia đình tiếp tục đưa cháu vào Bệnh viện Bạch Mai thăm khám, điều trị nội trú ngày 26/10-9/11. 

Nam sinh lớp 7 bị đánh đến rối loạn tâm thần: Có thể khởi kiện - 3

Trước đó, Bệnh viện đa khoa Phúc Thọ chẩn đoán cháu K. bị chấn thương sọ não, đa chấn thương phần mềm sau khi bị bạn đánh hội đồng ngày 22/9 (Ảnh: NVCC).

Nam sinh lớp 7 bị đánh đến rối loạn tâm thần: Có thể khởi kiện - 4

Bệnh viện Nhi Trung ương chẩn đoán cháu K. bị rối loạn phân ly, theo dõi bạo lực học đường vào ngày 5/10 (Ảnh: NVCC).

Nam sinh lớp 7 bị đánh đến rối loạn tâm thần: Có thể khởi kiện - 5

Giấy xuất viện tại Bệnh viện Bạch Mai của cháu K. ngày 9/11 (Ảnh: NVCC).

Hiện, chị Mai lấy thuốc điều trị cho con tại một phòng khám tư. Đồng thời, cháu K. được trị liệu tâm lý 2 buổi/tuần với chuyên gia của Cục Trẻ em do UBND huyện Thạch Thất mời về và chi trả toàn bộ chi phí.

Tại thời điểm mới xảy ra sự việc, phía các gia đình học sinh đánh cháu K. đã hỗ trợ chị Mai 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, ban giám hiệu và tập thể giáo viên Trường THCS Đại Đồng quyên góp 10 triệu đồng để đưa cháu vào Bệnh viện Nhi Trung ương khám chữa. Từ đó tới nay, vấn đề bồi thường chưa được thảo luận lại.