Mong mỏi của những người “vác tù và hàng tổng”

(Dân trí) - Đại hội đại biểu khuyến học toàn quốc lần thứ IV là ngày hội lớn của những người làm công tác khuyến học. Đây là dịp để người “vác tù và hàng tổng” có dịp “xem” lại những thành quả mà mình đã làm nhưng ngoài niềm tự hào là niềm mong mỏi tha thiết.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1577/Dai-hoi-khuyen-hoc-toan-quoc-lan-IV.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Đại hội khuyến học toàn quốc lần IV</b></a>

Hôm nay 29/9, Đại hội Khuyến học toàn quốc lần thứ IV sẽ khai mạc tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 600 đại biểu  xuất sắc trong cả nước. Ngay trước thềm Đại hội, Dân trí đã có dịp trò chuyện với nhiều lãnh đạo hội khuyến học các tỉnh về những kết quả họ đạt được trong nhiệm kỳ qua. Ngoài niềm tự hào về hoạt động của mình, họ đều có mong muốn tột độ là mong Đảng và Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để hội hoạt động
 
Mong mỏi của những người “vác tù và hàng tổng” - 1
Ông Lê Văn Toại, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Ninh Bình:
Người làm khuyến học phải được hưởng chế độ chính sách khi thực hiện nhiệm vụ của nhà nước giao

Đại hội khuyến học lần thứ IV là một ngày hội lớn, một sự kiện trọng đại của những người làm công tác khuyến học nói riêng và của toàn thể nhân dân, những người quan tâm đến sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT)...  nói chung. Trước hết, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với báo cáo tổng kết đánh giá và khẳng định chặng đường xây dựng và phát triển của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, 5 năm qua của Hội Khuyến học Việt Nam. Đây là một đóng góp to lớn, một sự cố gắng rất đáng ghi nhận và đáng biểu dương của toàn thể cán bộ, hội viên khuyến học.

Ninh Bình cũng đã bước sang nhiệm kỳ thứ III và đã có gần 20 vạn hội viên với hơn 1.500 chi hội, 1.331 Ban Khuyến học dòng họ, 90% cơ quan, doanh nghiệp có hoạt động khuyến học, 100% trường học có tổ chức khuyến học. Trong 5 năm qua, Quỹ khuyến học đạt 28,2 tỷ đồng, Hội đã khen thưởng cho 507.085 lượt học sinh, sinh viên, cấp học bổng cho 17.526 lượt học sinh.

Mặc dù, Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị, BCH TƯ Đảng đã xác định: “Khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT là nhiệm vụ của toàn đảng, toàn dân” nhưng trong những năm qua đã có nhiều cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo song vẫn còn nhiều cấp ủy và chính quyền chưa quan tâm đúng mức tới phong trào khuyến học, các cán bộ ngành chức năng có liên quan ở TƯ chưa vào cuộc, người làm khuyến học phải loay hoay, lận đận với cái tâm, cái trí của mình để xây dựng phong trào, không có điều kiện để hoạt động, không có chế độ chính sách. Vì vậy, nhiệm kỳ IV, Hội Khuyến học Việt Nam phải tiếp tục tham mưu để Chỉ thị của Đảng, Nhà nước thật sự đi vào cuộc sống.

Xây dựng XHHT là nhiệm vụ của toàn đảng, toàn dân vì vậy đề nghị hàng năm nhiệm vụ này phải được Chính phủ, UBND các cấp đưa vào kế hoạch kinh tế xã hội của Nhà nước và của các địa phương. Chỉ thị 112-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giao Hội Khuyến học các cấp làm nòng cốt liên kết phối hợp các lực lượng xã hội tham gia khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT. Vì vậy, hàng năm Hội Khuyến học phải được cấp kinh phí hoạt động. Người làm khuyến học phải được hưởng chế độ chính sách khi thực hiện nhiệm vụ của nhà nước giao.

Ông Bạch Hưng Đào, Chủ tịch Hội Khuyến học Nghệ An:
Đề nghị Bộ Nội vụ sớm phê chuẩn Điều lệ của Hội

Mong mỏi của những người “vác tù và hàng tổng” - 2

Mới ra đời hơn 15 năm, Hội Khuyến học Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giáo dục đào tạo. Các hoạt động khuyến học, khuyến tài tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Vị trí của Hội ngày càng được nâng cao. Trong 12 năm Bộ chính trị BCH TƯ Đảng và Chính phủ đã có 2 chỉ thị quan trọng về định hướng chỉ đạo hoạt động của Hội đối với các cấp và chính quyền các cấp. Hội đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng đề án và hoàn thành đề tài khoa học xây dựng mô hình XHHT ở Việt Nam.

Hội Khuyến học Nghệ an ra đời từ năm 1998, sau thời gian, Hội đã nhanh chóng phát triển tổ chức ở tất cả các thôn, xóm, làng, bản, khu phố, cơ quan, trường học. Từ năm 2003 đến nay, Hội đã xây dựng trên 150 tỷ đồng Quỹ Khuyến học để hỗ trợ cho học sinh nghèo vượt khó và khen thưởng động viên học sinh giỏi.

Vì kinh phí hạn hẹp, nên Hội đã tổ chức bộ máy tinh gọn, chọn trọng tâm, trọng điểm, hoạt động; đưa công nghệ thông tin vào hoạt động Hội tạo nên hiệu quả thiết thực.

Tuy đạt được kết quả cao như vậy, cũng như phong trào khuyến học của cả nước. Khuyến học Nghệ an còn những tồn tại cần khắc phục như số lượng hội viên đông nhưng đội ngũ cán bộ cơ sở không ổn định, chưa có cơ chế hỗ trợ thì lao cho cán bộ nên hạn chế đến tinh thần công tác...

Chúng tôi rất đồng tình với báo cáo của BCH TƯ Hội đã nêu. Phương hướng nhiệm vụ đó sẽ được tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị TƯ Hội cân nhắc thời gian Tháng khuyến học nên bắt đầu từ tháng 8 đến sau khai giảng năm học mới và tổng kết vào ngày khuyến học Việt Nam 2/10 hàng năm. Đề nghị Bộ Nội vụ sớm phê chuẩn Điều lệ của Hội; Đề nghị Chính phủ quy định thù lao cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp để Hội có điều kiện hoạt động và tham gia xây dựng XHHT từ cơ sở.

Bà Đặng Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Bến Tre:
Mong mỏi của những người “vác tù và hàng tổng” - 3
Đề nghị Chính phủ nghiên cứu xem xét, công nhận Hội Khuyến học là một hội đặc thù

Hội Khuyến học Bến Tre được thành lập từ năm 1997 nhưng mãi đến năm 2005 tỉnh Hội mới có cán bộ chuyên trách. Do là một địa phương có truyền thống hiếu học, nên có cả hệ thống chính trị làm công tác khuyến học, khuyến tài. vai trò nòng cốt phối hợp với các lực lượng xã hội để chăm lo sự nghiệp trồng người của Hội ngày càng sáng tỏ.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội đã dành được những kết quả tích cực: Tổ chức Hội đã có đủ cả 3 cấp với 3.458 chi hội, tổ hội với 21.270 hội viên. Phong trào xã hội hóa giáo dục được duy trì và phát triển rất mạnh, đã huy động trên 50 tỷ đồng, hàng chục hecta đất hiến tặng để xây dựng trường. Hội đã huy động trên 21,7 tỷ đồng cho Quỹ Khuyến học các cấp và trên 7.000 suất học bổng giúp học sinh, sinh viên nghèo có cơ hội đến trường. Hội đã duy trì tốt chương trình cấp học bổng, cho mượn vốn không tính lãi, giúp cho hàng trăm gia đình nghèo có con đi học nghề, học đại học và cao đẳng, ra trường có việc làm ổn định, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững ở Bến Tre.

Tuy nhiên, Hội Khuyến học địa phương hoạt động còn nhiều hạn chế do các thành viên Ban Chấp hành đều kiêm nhiệm, nhiều hoạt động thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Hội chưa mang tính hệ thống, chế độ chính sách không có, điều kiện vật chất, kinh phí eo hẹp nên chưa đáp ứng nổi các hoạt động của Hội. Chính những khó khăn đó làm cho Hội hoạt động thiếu tính bền vững.

Xây dựng XHHT, thực hiện học suốt đời là nhiệm vụ chiến lược để xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Các cấp hội khuyến học cần được xây dựng mạnh về tổ chức, phong phú trong hoạt động, làm trọn trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước và xã hội giao phó. Để làm được điều đó, Hội Khuyến học Bến tre đề nghị Chính phủ nghiên cứu xem xét, công nhận Hội Khuyến học là một hội đặc thù, bởi lẽ Hội Khuyến học đã làm nòng cốt trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước trở thành một XHHT, góp phần đẩy mạnh việc phát triển phong trào khuyến học, từng bước nâng cao mặt bằng dân trí trong nhân dân cả nước. Hội Khuyến học đã xác lập vị thế của mình trong xã hội, toàn tâm, toàn ý phục vụ lợi ích học tập của nhân dân.

Mong mỏi của những người “vác tù và hàng tổng” - 4
Ông Hạng Mí De, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Giang:
Khuyến học góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế

Có thể khẳng định trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2005 đến nay, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT Hà Giang đã có bước chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng phát triển sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh. Năm 2007, Hà Giang đã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập THCS, đang từng bước thực hiện phổ cập bậc trung học ở những nơi có điều kiện. Từ năm 2005, Hà Giang luôn giữ được tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi đạt trên 95%. Thành công này là đóng góp quan trọng của công tác khuyến học.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có các Nghị quyết, các văn bản chỉ đạo thực hiện tốt công tác khuyến học nên đến nay 100% xã, phường, thị trấn trường học đã có Hội Khuyến học. Từ năm 2005 đến nay, Hội đã khen thưởng và trao học bổng cho trên 12.000 học sinh nghèo vượt khó học giỏi với số tiền trên 4,5 tỷ đồng. Ngoài ra, các Trung tâm học tập cộng đồng đã mở được 2365 lớp học với trên 220.000 lượt người tham gia. Đối với phong trào Gia đình hiếu học, hiện Hà Giang đã có trên 10.000 gia đình tham gia vào phong trào, trên 300 dòng họ tham gia vào phong trào khuyến học.

Có thể khẳng định, đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng XHHT ở Hà Giang đã góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng an ninh đưa Hà Giang thoát khỏi tỉnh đặc biệt khó khăn.

Hồng Hạnh (thực hiện)