Luận văn tốt nghiệp đại học: Lượng nhiều, chất ít

Mỗi năm có khoảng 150.000 sinh viên làm luận văn tốt nghiệp và phần lớn đều đạt điểm giỏi, thế nhưng dường như đó là điểm cho công sức của sinh viên nhiều hơn là chất lượng thực của luận văn.

Một ngày tháng 6, tôi theo Lan, lớp phó học tập của một lớp tại chức chuyên ngành khoa học xã hội trường đại học K., thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội vào lớp cô để cùng dự buổi học cuối cùng. Hôm nay sẽ công bố ai được làm luận văn. Gần 80 sinh viên chen chúc trong giảng đường, nhưng thật lạ, hầu như tôi không tìm thấy một sự phấn chấn, chờ đợi nào trên các khuôn mặt của ai khi thầy giáo vụ khoa bước vào.

 

Thầy công bố ai đạt 6,8 điểm trung bình môn sẽ được làm luận văn. Lan cũng lọt vào "tốp" 30 người ấy, nhưng đã xin thầy cho "miễn" với lý do, nhà ở tận Thanh Hoá, không thể tuần nào cũng lặn lội ra Hà Nội gặp thầy hướng dẫn. Tiếp theo Lan có khoảng 20 người cũng xin rút. Người đưa lý do này, người đưa lý do kia, nhưng nghe qua thì biết, họ đều muốn đơn giản, gọn nhẹ.

 

Do người xin rút đông quá, thầy giáo buộc phải hạ tiêu chuẩn chỉ đạt 6,2 điểm trung bình môn cũng được làm luận văn! (trong khi chuẩn của Bộ Giáo dục - Đào tạo phải đạt từ 6,5). Vậy là để đạt chỉ tiêu số người làm luận văn tốt nghiệp, người ta buộc phải hạ chuẩn. Không biết những luận văn do người học kém hơn sẽ đạt chất lượng thế nào?

 

Tôi đã được đọc một cuốn luận văn dài 61 trang, đề cập đến một vấn đề nóng bỏng: "Báo chí và cuộc chiến chống tham nhũng" của sinh viên Nguyễn Thị H., học tại một trường đại học báo chí. Không thể ngờ công trình này lại do một giáo sư rất nổi tiếng hướng dẫn. Thật khó hiểu luận văn viết cái gì, trong khi non nửa trích nguyên văn nội dung một số bài báo tham nhũng; lỗi chính tả, ngữ pháp tràn lan, nhưng hội đồng bảo vệ nọ vẫn hạ bút cho điểm 9/10.

 

Còn đối với sinh viên hệ chính quy thì sao? Cũng có hiện tượng xin không làm luận văn nhưng ít hơn và theo giải thích của PGS.TS  Phạm K. (Đại học KHXH&NV), đó chỉ là những em bận làm thêm kiếm sống, hoặc đang bận bịu học văn bằng hai. Nếu đúng như thế thì cũng không đáng lo, nhưng nhiều sinh viên làm luận văn không có nghĩa là chất lượng của công trình khoa học quan trọng "tỷ lệ thuận" với số lượng.

 

Có lần, TS Vũ Đình Hoà (người đoạt giải nhì môn toán quốc tế năm 1974), hiện là Chủ nhiệm bộ môn Khoa học máy tính, Khoa Công nghệ thông tin (Đại học Sư phạm Hà Nội) vừa ra khỏi một lễ bảo vệ luận văn tốt nghiệp đã thốt lên: "Khủng khiếp quá! Quy định một trang luận văn không được quá một lỗi chính tả nhưng tôi nhặt lỗi mỏi mắt mà không hết. Tôi cảm giác em này cóp lại một phần mềm rồi mô phỏng bằng một vài số liệu khác. Vậy mà điểm giỏi đấy".

 

Dẫn tôi vào một thư viện của trường đại học S., một tiến sỹ tâm lý học chỉ tay vào chiếc giá sách cao chất ngất chứa khoảng 300 luận văn tốt nghiệp đại học, nhưng chị nói xanh rờn: "Số đọc được vô cùng ít".

 

Đâu là giá trị thực ở những trang giấy in này? Đã đến lúc, Bộ Giáo dục - Đào tạo và các trường đại học cần có một cuộc khảo sát nghiêm túc về tính khả thi và khả năng ứng dụng vào thực tiễn của luận văn tốt nghiệp đại học khi sinh viên ra trường. Bởi lẽ, đã là công trình khoa học thì phải được thực tiễn kiểm chứng, không thể là mớ lý luận giáo điều chung chung và càng không thể là vật trang trí cho đẹp trong hành trang bước vào đời của lớp trẻ.

 

Luận văn muốn thực chất và sống động phải dành cho những sinh viên giỏi và tâm huyết, không thể ào ào lấy cả những sinh viên kém làm luận văn, nhất là khi chúng ta đang xây dựng nguồn nhân lực có trình độ cao và sống trong thời đại khoa học công nghệ phát triển.

 

Theo Thu Phương

Công An Nhân Dân