Lớp học đặc biệt của những phụ nữ Pa Kô - Vân Kiều nơi biên giới Quảng Trị

Đăng Đức

(Dân trí) - Lâu nay chỉ quen với nương rẫy, nay những phụ nữ vùng cao Quảng Trị mới có cơ hội đến lớp, tập đánh vần. Có phụ nữ vừa nhập Quốc tịch hào hứng khi lần đầu được học tiếng Việt.

Gần 2 tháng nay, cứ vào mỗi tối, các chị em phụ nữ trong độ tuổi từ 20-40 tại xã A Dơi, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) lại giao con cho chồng hoặc mẹ trông nom, thu xếp sách vở rồi gọi nhau đến lớp học chữ. 

Lớp học đặc biệt này do Hội phụ nữ xã A Dơi phối hợp với Đồn Biên phòng Ba Tầng (Bộ đội Biên phòng Quảng Trị) tổ chức từ tháng 10 đến nay. Lớp dạy học đều đặn vào buổi tối các ngày thứ 3,5,7 trong tuần.

Sau khi chuẩn bị xong bữa tối cho gia đình, chị Hồ Thị Thoong (thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi), giao con nhỏ nhờ mẹ chăm sóc rồi chuẩn bị sách vở, dụng cụ học tập để đến lớp học. 

Lớp học đặc biệt của những phụ nữ Pa Kô - Vân Kiều nơi biên giới Quảng Trị - 1

Lớp học phổ cập cho chị em phụ nữ được tổ chức vào mỗi buổi tối thứ 3,5,7 trong tuần (Ảnh: Đăng Đức).

Sinh ra và lớn lên ở bản Hong Tun, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan (Lào), 4 năm trước, Thoong lấy chồng người Việt ở bản A Dơi Đớ, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa rồi nhập quốc tịch Việt Nam. Ở tuổi 25, quanh năm với nương rẫy, làm việc nhà lại không biết đọc, biết viết tiếng Việt khiến chị Thoong phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.

Lớp học đặc biệt của những phụ nữ Pa Kô - Vân Kiều nơi biên giới Quảng Trị - 2

Thượng úy Hồ Văn Hữu - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ba Tầng hướng dẫn cho chị em từng nét chữ (Ảnh: Đăng Đức).

Ngày lớp học xóa mù chữ dành cho các mẹ, các chị ở bản được tổ chức, ước mơ cầm cuốn sách để đọc, cầm cây bút viết chữ của Hồ Thị Thoong cũng như nhiều phụ nữ ở nơi biên giới xa xôi này đã dần trở hiện thực.

Chị Hồ Thị Thoong cho biết, bản thân là người Lào lấy chồng tại xã A Dơi, may mắn được Nhà nước quan tâm, cho nhập Quốc tịch và được hưởng các chính sách để ổn định cuộc sống.  

"Tôi rất muốn được đi học để biết đọc và viết chữ Việt, biết được văn hóa, lối sống của địa phương, biết chữ để ký vào các giấy tờ. Mặt khác, biết chữ cũng sẽ có ích trong việc nuôi dạy con cái", chị Thoong nói.

Chị Hồ Thị Nữ - Chủ tịch Hội phụ nữ xã A Dơi cho biết, sau khi nắm bắt nhu cầu của chị em phụ nữ, thấy nhiều chị rất muốn học chữ nên Hội phụ nữ xã phối hợp với Đồn Biên phòng Ba Tầng tổ chức lớp phổ cập cho chị em. 

Theo lãnh đạo Hội phụ nữ xã A Dơi, lớp học nhằm mục đích xóa mù chữ cho chị em phụ nữ, giúp các chị nhận biết mặt chữ, biết đọc và viết tiếng Việt để có thể dạy lại con cái và tiếp cận thông tin cần thiết, phát triển kinh tế gia đình.

Khi tổ chức lớp có 65 học viên đăng ký nên mở 2 lớp tại thôn Prin Thành và thôn A Dơi Đớ; trong đó, lớp ở thôn A Dơi Đớ có 10 chị em phụ nữ nhập tịch tham gia. Mỗi lớp có 2 giáo viên đứng lớp, gồm một cán bộ biên phòng và một hội viên phụ nữ.

Lớp học đặc biệt của những phụ nữ Pa Kô - Vân Kiều nơi biên giới Quảng Trị - 3

Những con chữ của chị em phụ nữ dần đủ nét nhờ sự uốn nắn của bộ đội biên phòng (Ảnh: Đăng Đức). 

Vào mỗi tiết học, tiếng cán bộ biên phòng dạy học, tiếng ê a đánh vần ngượng nghịu của chị em vang lên nơi bản nghèo đã mang đến sự rộn ràng, niềm vui và kỳ vọng vươn tới cuộc sống văn minh, no đủ hơn của người dân. 

"Lớp học mở từ tháng 10 đến nay, nhiều chị em rất hào hứng và phấn khởi tham gia. Giai đoạn này, dù trời rất lạnh nhưng các chị vẫn thu xếp thời gian, công việc gia đình và đến lớp học chuyên cần, hầu như không bỏ sót buổi học nào. Qua một thời gian tổ chức, các chị bắt đầu làm quen, tập đọc và viết tiếng Việt", chị Nữ cho hay.

Xã A Dơi, huyện Hướng Hóa thuộc vùng biên giới tỉnh Quảng Trị, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Hàng chục năm qua, bà con chỉ quen với việc làm nương rẫy nên rất ít chị em biết đọc, viết tiếng Việt thành thạo.

Chị Hồ Thị Hiên, Thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi cho biết, nhờ bộ đội biên phòng và cán bộ phụ nữ xã uốn nắn, giúp đỡ, nay tôi đã biết đọc, biết viết, biết ký vào các giấy tờ tùy thân.

Thượng úy Hồ Văn Hữu - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ba Tầng cho biết, quá trình giảng dạy trên lớp, các chị đã lớn tuổi nên tay không dẻo, cầm bút viết khó khăn. Hơn nữa, khi về nhà không có thời gian ôn bài nên dễ quên chữ.

Với mục tiêu giúp phụ nữ trên địa bàn xã A Dơi biết đọc, biết viết, biết tính toán đơn giản và có thêm kỹ năng sống, từ đó mạnh dạn, tự tin, tự chủ hơn để vươn lên trong cuộc sống, cán bộ biên phòng sẽ nỗ lực giúp các chị sớm làm quen với tiếng Việt, biết đọc, biết viết.

Lớp học đặc biệt của những phụ nữ Pa Kô - Vân Kiều nơi biên giới Quảng Trị - 4

Chị em phụ nữ hăng hái, chuyên cần đến lớp (Ảnh: Đăng Đức).

Theo chỉ huy Đồn Biên phòng Ba Tầng, mỗi lớp học kéo dài trong 6 tháng, sau đó mở rộng thêm đối tượng nam giới, thanh niên. Mục đích của việc mở lớp giúp công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn ngày càng tốt hơn.

Những lớp học đặc biệt này cũng thể hiện trách nhiệm của người lính mang quân hàm xanh và nỗ lực vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn của phụ nữ người dân tộc nơi biên giới.