Hướng dẫn chấm thi môn Toán khối A: "Chín người, mười ý"...

Các trường ĐH đang bước vào những ngày chấm thi. Không khí sôi động không kém gì các ngày thi của "sĩ tử": cũng tranh luận, bàn cãi vì bài làm của thí sinh thì đa dạng mà đáp án của Bộ lại chỉ có một cách!

Đó là chưa kể hướng dẫn chấm thi của Bộ có những điểm gây nhiều tranh cãi giữa các tổ chấm thi và trong từng địa điểm chấm thi với nhau.

 

Không công bằng cho thí sinh làm đúng?

 

Câu II.1 đề Toán khối A yêu cầu thí sinh phải giải bất phương trình căn. Theo các giáo viên chấm thi của một trường ĐH uy tín tại TPHCM, với những bài toán kiểu này, nếu làm chặt chẽ, thí sinh phải chuyển vế rồi bình phương.

 

Nếu không chuyển vế, trước khi bình phương phải lập luận hai vế cùng dương. Không lập luận là sai. Do một sự ngẫu nhiên, ở bài cụ thể này, nếu không lập luận hai vế cùng dương thì cũng đúng.

 

Bảng hướng dẫn chấm thi của Bộ quy định "thí sinh có thể đặt điều kiện đúng và sau đó bình phương hai vế (nhưng không lập luận) và giải đúng nghiệm thì vẫn cho điểm tối đa". Theo nhiều cán bộ chấm thi, theo hướng dẫn này thì những thí sinh làm bài đúng, chặt chẽ sẽ thiệt thòi vì lẽ ra họ phải đạt điểm cao hơn những thí sinh làm bài sơ sài (hoặc không đúng) khi không lý luận.

 

Được biết, phần điểm tối đa cho câu này là 1 điểm. Hội đồng chấm thi trường ĐH trên đã thống nhất: những thí sinh nào không lập luận sẽ bị trừ 0,25 điểm.

 

Chỉ là chi tiết nhỏ?

 

Một số giáo viên dạy Toán cũng công nhận nếu thí sinh không lập luận là sai. Tuy nhiên, nhiều cán bộ chấm thi của một trường ĐH khác tại TPHCM lại thừa nhận: "Trong trường hợp đề bài cụ thể này thì đây chỉ là chi tiết nhỏ, không đáng để nói thí sinh không lập luận thì yếu hơn thí sinh có lập luận". Vì vậy, theo các giáo viên này, hướng dẫn chấm thi của Bộ "hiểu" được điều đó nên đã có hướng mở cho thí sinh!

 

Rõ ràng mỗi trường mỗi phách, mỗi nơi mỗi kiểu thì sự công bằng trong việc chấm thi liệu có còn bảo đảm hay như người ta thường nói "học tài thi phận"? Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy nhiều năm qua, khâu đề thi, đáp án và hướng dẫn chấm thi của Bộ thường có nhiều vấn đề gây tranh cãi.

 

Đáp án thường chỉ nêu ra một cách giải duy nhất mà thực tế thì có rất nhiều cách khác nhau (những ngày chấm thi vừa qua, một cán bộ chấm thi cho biết trong hơn 100 bài thi chỉ có 1 bài có cách giải giống đáp án của Bộ) nên việc chấm thi ở các trường cũng rất khác nhau. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của thí sinh.

 

Đó là chưa kể, với hướng dẫn chấm thi theo hướng "mở", đã có dư luận cho rằng phải chăng Bộ GD-ĐT muốn "điểm sàn" phải 15 đúng như dự kiến nên phải chấm dễ để thí sinh đạt điểm cao?

 

Theo Thanh Niên