Học viện Kỹ thuật quân sự đề xuất được mở lại hệ dân sự

Khánh Trí

(Dân trí) - Với đội ngũ nhà giáo trình độ cao, giàu kinh nghiệm (499 tiến sĩ, 81 giáo sư và phó giáo sư), Học viện Kỹ thuật quân sự mong muốn được tiếp tục đào tạo đối tượng dân sự một số ngành mũi nhọn.

Chiều 13/12, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã đến làm việc tại Học viện Kỹ thuật quân sự. Cùng dự buổi làm việc có Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. 

Đoàn công tác đã tới tham quan khu trưng bày các đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và các phòng thí nghiệm, phòng trang bị và các phòng học chuyên môn.

Học viện Kỹ thuật quân sự đề xuất được mở lại hệ dân sự - 1
Học viện Kỹ thuật quân sự đề xuất được mở lại hệ dân sự - 2

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng các đại biểu tham quan khu vực trưng bày các đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sản phẩm nghiên cứu khoa học tiêu biểu của Học viện Kỹ thuật quân sự (Ảnh: Minh Quang).

Tại buổi làm việc, thiếu tướng Lê Minh Thái, Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự đã báo cáo với đoàn công tác những nét khái quát về hoạt động đào tạo của học viện: hiện nhà trường đang đào tạo 51 chương trình đào tạo kỹ sư quân sự dài hạn thuộc 15 ngành, trong đó đào tạo kỹ sư chất lượng cao với 2 chuyên ngành đào tạo thông tin và an ninh hệ thống thông tin; đào tạo kỹ sư thiết kế chế tạo phục vụ công nghiệp quốc phòng.

Chương trình đào tạo thạc sĩ với 28 chuyên ngành thuộc 17 ngành, đào tạo tiến sĩ với 23 chương trình đào tạo chuyên ngành thuộc 15 ngành. 

Mục tiêu đào tạo của nhà trường là "Sỹ quan - Kỹ sư - Đảng viên" học viên tốt nghiệp Học viện đáp ứng năm chuẩn đầu ra: chuẩn đầu ra về kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, năng lực chỉ huy và tác phong quân nhân, về sức khỏe và rèn luyện thể lực. Học viện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Với đội ngũ nhà giáo trình độ cao, giàu kinh nghiệm của Học viện Kỹ thuật quân sự hiện nay (499 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, 81 GS và PGS) cùng với hệ thống giảng đường, trang thiết bị học tập, nghiên cứu hiện đại; Học viện mong muốn được tiếp tục tuyển sinh, đào tạo đối tượng dân sự (hệ dân sự dừng tuyển sinh từ năm 2019) một số ngành mũi nhọn, lưỡng dụng, chuyên sâu, có thế mạnh, xã hội có nhu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

"Hiện nay, Học viện Kỹ thuật quân sự có đủ năng lực về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất để tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn. Vì vậy, học viện kính đề nghị Bộ GD&ĐT quan tâm, tạo điều kiện để học viện triển khai nhiệm vụ đào tạo về ngành công nghiệp chip bán dẫn", Thiếu tướng Lê Minh Thái phát biểu.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, biểu dương những kết quả mà Học viện Kỹ thuật Quân sự đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ.

Học viện Kỹ thuật quân sự đề xuất được mở lại hệ dân sự - 3

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Minh Quang).

Về đề nghị cho chủ trương tiếp tục đào tạo đối tượng dân sự tại một số cơ sở đào tạo trong quân đội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đồng tình với kế hoạch mở lại hệ dân sự của Học viện Kỹ thuật quân sự.

"Mục tiêu, nội dung đào tạo của Học viện thời gian qua đã hoàn thành tốt. Thời gian tới, nhà trường cần tiếp tục phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ có tính hiệu quả thực tế, chú trọng đào tạo đội ngũ trí thức khoa học trình độ cao; xây dựng mối quan hệ giữa Học viện Kỹ thuật Quân sự và các học viện, nhà trường khác trong sử dụng nhân lực, nghiên cứu khoa học", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng gợi mở một số vấn đề liên quan đến sự phát triển của các trường đại học khối quân đội nói chung, Học viện Kỹ thuật quân sự nói riêng trong bối cảnh hiện nay, với mong muốn Học viện là một trong những đơn vị đào tạo hàng đầu về công nghệ, kỹ thuật, tạo bước đột phá chiến lược để hiện đại hóa quân đội và đào tạo nhân lực công nghệ khoa học mũi nhọn cho đất nước.