Học ngành Khoa học máy tính có dễ xin việc?

(Dân trí) - Cơ hội việc làm của ngành Tiếng Anh thương mại? Em thích ngành Sư phạm nhưng băn khoăn vì ngành này đang thừa nhân lực? Ngành Khoa học máy tính có dễ xin việc? Có được dự thi ở trường tổ chức thi chung, trường tổ chức thi riêng?

Em là học sinh lớp 12 và chuẩn bị bước vào kì thi Đại học năm 2014. Em muốn hỏi về triển vọng nghề nghiệp, cơ hội việc làm của ngành Tiếng Anh thương mại trong tương lai. Có phải cử nhân Kinh tế sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn cử nhân ngôn ngữ Anh thương mại không? (trananhnguyen123@gmail.com)

Ngành Tiếng Anh thương mại và ngành Kinh tế đều có cơ hội việc làm như nhau trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, theo Ban tư vấn em chọn ngành tiếng Anh Thương mại vì sinh viên học Tiếng Anh Thương mại được cung cấp kiến thức cơ bản về ngôn ngữ và văn hoá, kiến thức chuyên sâu về ngoại ngữ Tiếng Anh, có năng lực sử dụng ngôn ngữ (Tiếng Việt, Tiếng Anh) ở trình độ cao, có kiến thức về thương mại, kinh doanh, quản trị, tài chính và kinh tế xã hội và có các kỹ năng cần thiết để làm việc và phát triển trong môi trường hiện đại, hội nhập.

Khi ra trường ngành này có cơ hội việc làm lớn, em có thể làm Biên - phiên dịch viên Tiếng Anh chuyên ngành (Thương mại, Kinh tế, Quản trị, Tài chính, Ngân hàng...) tại các công ty truyền thông, viện nghiên cứu (ngôn ngữ, kinh tế, quản lý...); Nhân viên các bộ phận chức năng như kinh doanh, truyền thông, dịch vụ, dự án, marketing... thuộc các doanh nghiệp và tổ chức có sử dụng Tiếng Anh; Giáo viên Tiếng Anh chuyên ngành tại các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học thuộc khối kinh tế; Nghiệp vụ bán hàng, xúc tiến thương mại quốc tế; đầu tư quốc tế; phát triển thị trường và chăm sóc khách hàng; phát triển hệ thống phân phối; marketing, PR. Đáp ứng những yêu cầu nghề nghiệp với lợi thế sử dụng tiếng Anh trong các lĩnh vực và các loại hình doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh hoặc các cơ quan hành chính trong và ngoài nước có sử dụng tiếng Anh....

Em rất yêu thích ngành Sư phạm nhưng em thấy ngành sư phạm đang dư thừa nguồn nhân lực nên em rất băn khoăn? (toxuantho1995@gmail.com)

Em yêu thích ngành sư phạm thì em nên chọn vì học được ngành mình yêu thích cũng đã là một bước khởi đầu thành công rồi vì có đam mê nghề nghiệp mới mang lại cho em niềm say mê, cống hiến.

Ngành/lĩnh vực nào cũng có thừa - thiếu nguồn nhân lực. Ngành sư phạm là một trong những ngành trọng điểm của công cuộc đổi mới toàn diện căn bản giáo dục. Bắt đầu từ thời gian này, các trường ĐH Sư phạm đang phải đổi mới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giáo viên để đáp ứng với sự phát triển xã hội. Do vậy, em nên thi ngành sư phạm bởi em là lứa sinh viên được đào tạo bởi phương pháp sư phạm mới, đáp ứng với sự đổi mới giáo dục.

Sinh viên trường ĐH FPT.

Sinh viên trường ĐH FPT.

Em đang định thi ngành Khoa học máy tính của ĐH Vinh. Vậy em xin hỏi liệu 4 năm sau ngành này dễ xin việc không? (cuong250295@gmail.com)

Ngành Khoa học máy tính là một trong những ngành học quan trọng tại các trường đại học đào tạo về CNTT, Khoa học máy tính là ngành học dành cho những cá nhân đam mê lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về CNTT.

Với ngành Khoa học máy tính, sinh viên sẽ được trang bị một nền tảng kiến thức rộng lớn bao gồm cấu trúc máy tính, hệ điều hành, ngôn ngữ lập trình phần mềm và phần cứng. Ngoài ra sinh viên có thể lựa chọn các lĩnh vực chuyên sâu trong chuyên ngành Khoa học máy tính để nghiên cứu chuyên sâu như hệ chuyên gia, tương tác người-máy và ứng dụng trong các môi trường như hệ đa phương tiện; xử lý hình ảnh, âm thanh.

Ông Phạm Kim Long, Giám Đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển, Công ty FPT Telecom cho biết: Ngành Khoa học máy tính là một chuyên ngành khó, vì nó mang nhiều tính lý thuyết, học thuật.Tố chất quan trọng nhất đòi hỏi ở những người chọn chuyên ngành này là khả năng tư duy logic, óc trừu tượng tốt. Học toán giỏi thì làm Khoa học máy tính giỏi. Ngoài ra nhân sự trong ngành này cũng cần phải kiên nhẫn, tỉ mỉ, chịu khó, chịu áp lực tốt.Nói chung Khoa học máy tính là một công việc khá "đau đầu", hay phải thức khuya,và bạn sẽ luôn bị ám ảnh bởi công việc khi nó còn dở dang, ngay cả khi đã về nhà rồi. Vì vậy bạn cũng phải có sức khỏe tốt.

Về công việc chuyên môn, nhân sự mới trong ngành thường bắt đầu bằng việc lập trình. Khi có nhiều kinh nghiệm hơn thì các bạn bắt đầu tham gia phân tích yêu cầu, thiết kế chương trình, làm việc với khách hàng, đối tác… Ở vị trí quản lí trong lĩnh vực Khoa học máy tính, thời gian sẽ dành nhiều hơn cho các công việc như định hướng nghiên cứu, lên kế hoạch, chỉ đạo thực hiện. Tùy dự án, có thể các nhân sự ở cấp quản lý sẽ tham gia cả phân tích, thiết kế..

Khi bước chân vào ngành này, cũng không nằm ngoài yêu cầu tất yếu như mọi ngành khác, các kỹ sư Khoa học máy tính cũng phải thường xuyên cập nhật về các xu thế công nghệ để áp dụng vào công việc hàng ngày, và thường xuyên đầu tư thời gian để suy nghĩ và đề ra các ý tưởng mới cho sản phẩm, dịch vụ. Đổi lại với yêu cầu cao và áp lực công việc, đây là một ngành có nhiều cơ hội dành cho những cá nhân đam mê và có khả năng. Bạn có thể làm lập trình viên trong các trường, viện, công ty chuyên về phần mềm, hoặc làm trong các ngành viễn thông, ngân hàng, các trung tâm tin học của các công ty… Kiến thức tốt về Khoa học máy tính sẽ giúp cho bạn có nền tảng chuyên sâu để phát triển nghề nghiệp. Nói chung người có nền tảng khoa học máy tính tốt thường có khả năng giải quyết thấu đáo các vấn đề, có khả năng phân tích, thiết kế bài bản, khoa học. Bắt đầu từ vị trí lập trình viên, bạn có thể vươn tới các vị trí như kiến trúc sư phần mềm, chuyên gia kỹ thuật, quản trị dự án….

Thu nhập khi lúc mới ra trường thì tùy theo kết quả học tập và kinh nghiệm chuyên môn đã tích lũy được. Khởi điểm có thể khoảng 6 triệu/tháng, nhưng những người giỏi có thể được lương gấp đôi, gấp ba, hoặc hơn nữa.

Với nhu cầu lớn về nhân lực ngành CNTT cũng như việc còn khan hiếm nhân sự trong lĩnh vực khoa học máy tính, tôi đánh giá cơ hội dành cho những người chọn ngành này là rất lớn và đều là những cơ hội rất tốt.

Em là người dân tộc Mường, quê ở xã Mỹ Lung, huyện Yên lập, tỉnh Vĩnh Phú Thọ. Năm nay em định thi đại học nhưng không biết em có được cộng 2 điểm không? (tranichluan95@gmail.com)

Theo quy định, mức cộng điểm ưu tiên đối với học sinh dân tộc không thay đổi. Cụ thể, mức chênh lệch điểm ưu tiên theo đối tượng là 1 điểm. Hiện nay, nhóm ưu tiên cao nhất được 2 điểm (điểm trúng tuyển thấp hơn so với học sinh KV3 là 2 điểm), đó là nhóm ưu tiên 1 (UT1), gồm các đối tượng, trong đó cóđối tượng 1: công dân VN có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số.

Điểm ưu tiên cho các KV là 0,5 điểm. Như vậy, KV1 được ưu tiên 1,5 điểm, KV 2 nông thôn được ưu tiên 1 điểm và KV2 là 0,5 điểm. Thí sinh thuộc KV3 không thuộc diện hưởng ưu tiên khu vực.

Em muốn thi Học viện Cảnh sát và ĐH QG năm 2014 nhưng 2 trường này thì trường thi riêng, trường thi chung. Vậy em có thi được cùng lúc 2 trường được không? (nuocmattranmi.namnhicungkhoc@gmail.com)

ĐH Quốc gia Hà Nội năm nay dự kiến tổ chức thi riêng đối với các ngành thuộc chương trình tiên tiến, chất lượng cao, các ngành khác còn lại vẫn thi theo phương án "3 chung". Do đó, em yên tâm dự thi vào ĐH QGHN và Học viện Cảnh sát. Nếu em muốn thi vào 2 trường thì phải thi khác khối thi, khác đợt thi.

Ban tư vấn tuyển sinh