Hà Tĩnh:

Hàng loạt vụ học sinh chế tạo pháo dịp Tết, làm sao để ngăn chặn?

Dương Nguyên

(Dân trí) - Trước Tết Nguyên đán, tình trạng học sinh, sinh viên Hà Tĩnh chế tạo pháo nổ gia tăng đến mức báo động. Công an tỉnh này cùng với các đơn vị triển khai nhiều biện pháp xử lý.

Công an tỉnh Hà Tĩnh cho hay từ 15/9/2022 đến 31/12/2022, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 78 vụ, 115 người có các hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ. Công an thu giữ 1,5 tấn pháo các loại, đã khởi tố 17 vụ, 29 bị can.

Đáng chú ý, trong tổng số các vụ nói trên có đến 43 vụ, 62 trường hợp vi phạm là học sinh, sinh viên, thanh, thiếu niên dưới 18 tuổi.

Hàng loạt vụ học sinh chế tạo pháo dịp Tết, làm sao để ngăn chặn? - 1

Công an huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh làm việc với học sinh bị phát hiện chế tạo pháo nổ (Ảnh: Công an cung cấp).

Nhóm tuổi này vi phạm chủ yếu do trao đổi, mua hóa chất trên các trang thương mại điện tử, chế tạo pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng internet để bán và tàng trữ, sử dụng pháo trái phép.

Điển hình, ngày 15/12/2022, Công an huyện Hương Khê bắt giữ 9 học sinh Trường THCS Hương Trà có hành vi tàng trữ 110 quả pháo tự chế và một số phụ kiện để chế tạo pháo.

Hôm 4/12/2022, Công an huyện Kỳ Anh bắt giữ 4 trường hợp có hành vi buôn bán pháo nổ, thu giữ 16,9kg. Trong số này có 2 học sinh lớp 12.

Hàng loạt vụ việc nêu trên được phát hiện sau khi Công an tỉnh Hà Tĩnh ra quân đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Theo Thiếu tá Phạm Đình Sang, Đội trưởng Đội đăng ký, quản lý vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo (Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an Hà Tĩnh), đa số các vụ chế tạo pháo trong học sinh, thanh thiếu niên hiện nay đều do các em nghiên cứu trên mạng rồi làm theo và tự liên hệ mua các vật liệu tự chế tạo pháo nổ rao bán trên các trang thương mại điện tử.

Hàng loạt vụ học sinh chế tạo pháo dịp Tết, làm sao để ngăn chặn? - 2

Công an Hà Tĩnh thu giữ lượng lớn pháo tự chế do thanh thiếu niên, học sinh chế tạo (Ảnh: Công an cung cấp).

Để ngăn chặn, giảm thiểu các vụ việc trên, Công an Hà Tĩnh đề nghị các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 137/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo đến toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, tầng lớp thanh, thiếu niên bằng các hình thức, phương pháp phù hợp.

Nội dung tuyên truyền cần tập trung nhấn mạnh các hành vi bị nghiêm cấm, những hậu quả tác hại của việc chế tạo, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ, chế tài xử lý của pháp luật và xử lý của nhà trường, tổ chức đoàn đối với trường hợp vi phạm.

Đồng thời, cơ quan, đơn vị cấp trên cần tổ chức ký cam kết, giao trách nhiệm cho gia đình, tổ chức đoàn cơ sở trong quản lý nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên và tầng lớp thanh thiếu niên.

Với lực lượng công an xã, khi phát hiện vi phạm, ngoài việc xử lý theo quy định, sẽ gửi thông báo về cho chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình để phối hợp quản lý, giám sát và giáo dục.

Theo thống kê, trong dịp Tết Nguyên đán năm 2022, Hà Tĩnh có 7 vụ, 7 trường hợp thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên bị tai nạn thương tích về pháo. Trong đó, nhiều em phải chịu thương tật vĩnh viễn, để lại nhiều hậu quả xấu cho cá nhân, người thân trước mắt và cả tương lai sau này.