Hai học sinh tranh chấp bản quyền máy lau nhà

Cả hai em đều là học sinh cùng lớp 11 Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, cùng cho rằng mình là chủ nhân của ý tưởng sáng tạo chiếc máy lau nhà. Đã có nhiều cuộc gặp mặt giữa hai bên để đưa ra “chứng lý”, nhưng chuyện vẫn chưa ngã ngũ.

Năm học 2004-2005, nhà trường vận động học sinh tham gia cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên toàn quốc”, có cả đại diện Liên hiệp các Hội KH-KT Đà Nẵng làm giám khảo và chọn được năm sản phẩm mang dự thi. Trong số này có sản phẩm “Thiết bị lau nhà tự động” của Trần Hoàng My, học sinh lớp 10A14, được mọi người chú ý.

 

Bài thuyết trình về sản phẩm này được trình bày trước lớp, được photo và gửi cho tất cả học sinh trong lớp góp ý kiến. Nhưng phút cuối Trần Hoàng My đã không gửi sản phẩm tham gia cuộc thi vì, theo em, còn vài hạn chế như không lau được góc nhà, không có bộ điều khiển tự động... Chuyện diễn ra trước khi kết thúc năm học.

 

Vào đầu năm học lớp 11 (tức năm học 2005-2006), thông tin về một học sinh trong lớp đã đoạt giải thưởng cao trong cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên toàn quốc” khiến cả trường ngạc nhiên vì sản phẩm đoạt giải nhất lại chính là thiết kế sản phẩm máy lau nhà tự động, nhưng tên người được trao vòng nguyệt quế không phải là Trần Hoàng My mà lại là Thái Quốc Huy, cũng là học sinh lớp 10A14, bạn cùng lớp và ngồi cùng bàn với My trong suốt năm học lớp 10!

 

Ban giám hiệu, cô chủ nhiệm và cả lớp bàng hoàng, không ai biết tại sao có chuyện đó, chỉ biết là Huy xuất hiện trên báo chí với một câu chuyện khá hay: “Nhà trường phát động cuộc thi mà Huy chưa có ý tưởng để tham gia, rồi một ngày ngồi uống cà phê với bạn bè thấy chiếc xe quét rác và hình dung ý tưởng chiếc máy lau nhà để giúp mẹ mình...”.

 

Gặp Huy tại nhà, Huy mạnh mẽ khẳng định: “Đó là sản phẩm của em. Em có ý tưởng từ trước nhưng không nói ra vì không muốn mọi người tham gia góp ý cũng như không muốn áp đặt ý kiến riêng của mình cho mọi người”. Huy hào hứng kể rằng: “Từ giờ cho tới đại học, em sẽ chỉnh sửa để biến nó thành một sản phẩm kinh doanh trên thị trường”.

 

Chúng tôi tìm gặp cô học sinh Trần Hoàng My trong căn nhà không số thuộc tổ 34 phường Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng. Ba My chỉ tôi xem chân quạt cũ còn nằm lại góc nhà sau khi My xin để làm môtơ cho thiết bị lau nhà của em. Và trong góc nhà còn lại chiếc thùng gỗ nhỏ là sản phẩm máy lau nhà mà My đã nhiều ngày đêm mày mò sáng tạo.

 

My tự tin bước vào phòng học bé tí chỉ chừng 2m2,  bật máy vi tính mở bản thuyết minh về sáng tạo của mình và kể lại: “Đầu năm học lớp 11, Huy gặp em và  nói: “Ta đã đem máy lau nhà đi thi và đoạt giải nhất rồi!”. Em nghĩ Huy đùa nên chỉ nói lại: “Như rứa là ăn cắp bản quyền nghen!” rồi bỏ qua. Tới chừng biết đó là sự thật, em tức giận đến mấy ngày.

 

Chiếc máy của Huy thoạt nhìn thì khác nhau về kiểu dáng nhưng nguyên lý sử dụng môtơ thì y như nhau. Mô hình của em đặt tất cả trong một cái thùng, còn của Huy thì để trên một cái giá, trong khi lại giống nhau cả những nhược điểm mà em chưa khắc phục được: không lau được góc nhà, không có bộ điều khiển từ xa... Và máy của Huy cũng có một chi tiết khác so với ý tưởng em: em kéo máy đi từ phía trước, Huy lại đẩy từ phía sau”.

 

Gia đình My đã gửi đơn khiếu nại khắp nơi, ông bố giận đến run lên: “Đây là vấn đề niềm tin của cháu. Nó bị mất niềm tin thì làm sao có thể tiếp tục sáng tạo, học hành?”.

 

Theo Tuổi Trẻ