Hà Nội kiến nghị nâng tầng, xây hầm với trường học nội thành

Hoàng Hồng Mỹ Hà

(Dân trí) - Hà Nội tăng dân số cơ học nhanh khiến lượng học sinh mỗi năm tăng tương đương với 30-40 trường học.

Hà Nội xin nâng tầng, xây tầng hầm với trường học nội đô

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết Hà Nội hiện có 2.870 trường mầm non, phổ thông và trung tâm Giáo dục thường xuyên, với 2,2 triệu học sinh.

Thành phố đã trình Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết chuyên đề về đầu tư công với giáo dục, trong đó giai đoạn 2021-2025 bố trí hơn 30 nghìn tỷ triển khai thực hiện 653 dự án đầu tư xây dựng cải tạo, sửa chữa các trường học trên thành phố, thí điểm xây dựng trường học có nhiều cấp học trên địa bàn thành phố.

Hà Nội hiện tăng dân số cơ học rất nhanh, mỗi năm tăng 50-60 nghìn học sinh, tương đương 30-40 trường học nhưng nội thành không còn quỹ đất.

Lãnh đạo Hà Nội đề xuất cho phép tính diện tích trên mỗi học sinh theo diện tích sàn xây dựng để phù hợp thực tế. Đồng thời xin nâng tầng và xây dựng tầng hầm ở một số trường học trong khu vực nội thành.

Hà Nội kiến nghị nâng tầng, xây hầm với trường học nội thành - 1

Một tiết học ngoại khóa của học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Hà Nội (Ảnh: TH Lê Quý Đôn).

Cùng vấn đề thiếu quỹ đất cho trường học, thiếu phòng học, đại diện TPHCM cho biết hiện nhiều trường học cũ tại địa phương khi thực hiện theo chuẩn mới học hai buổi/ngày, số lượng lớp học giảm sút nghiêm trọng, học sinh không đủ chỗ học.

TPHCM đề xuất Bộ xem xét lại quy chuẩn trường học với các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TPHCM theo hướng tính diện tích trên mỗi học sinh không theo diện tích đất mà theo diện tích sàn xây dựng.

Yên Bái tuyển giáo viên tiếng Anh 100 triệu đồng/trường hợp mà không tuyển được ai

Bí thư tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy nêu thực trạng thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Theo đó, tỉnh này đã ra chính sách tuyển mới giáo viên tiếng Anh, giáo viên tin học với mức hỗ trợ 100 triệu đồng/trường hợp mà không tuyển được ai.

Năm học 2022-2023, để triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Yên Bái đã phải nhờ Nam Định dạy trực tuyến tiếng Anh cho học sinh tiểu học tại 5/9 huyện của tỉnh.

Tình trạng thiếu giáo viên nói chung ở Yên Bái đã kéo dài do khó khăn trong khâu tuyển dụng. Hiện tại số giáo viên của tỉnh mới đạt 86,5% so với định mức. Cụ thể, tỉnh tuyển dụng 2531 chỉ tiêu giáo viên nhưng chỉ có 1359 hồ sơ đăng ký, 726 người trúng tuyển, chiếm 28% tổng chỉ tiêu.

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh trong tương lai gần, Yên Bái phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đào tạo cử nhân tiếng Anh tại tỉnh dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. 

Hà Nội kiến nghị nâng tầng, xây hầm với trường học nội thành - 2

Giáo viên Hà Nội dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 tại huyện Mèo Vạc, Hà Giang (Ảnh: MC).

Ông Đỗ Đức Duy cũng đề xuất chính sách đặc thù cho phép các tỉnh miền núi như Yên Bái tuyển dụng giáo viên tiểu học, THCS theo chuẩn cũ (cử nhân cao đẳng). Tỉnh sẽ sử dụng kinh phí địa phương để đào tạo liên thông lên đại học trong lộ trình 5 năm.

Theo lời Bí thư Yên Bái, hiện tỉnh có khoảng 200 giáo viên thuộc diện này, đa số là người dân tộc thiểu số, do tỉnh bỏ kinh phí ra đào tạo, nay không thể tuyển dụng do không đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019.

Tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh nghiêm trọng cũng diễn ra tại Hà Giang. Điển hình là huyện Mèo Vạc chỉ có duy nhất một giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học. 

Khi phải dạy môn tiếng Anh bắt buộc với lớp 3 theo chương trình Giáo dục phổ thông mới vào năm học 2022-2023, huyện Mèo Vạc đã xin sự giúp đỡ từ Hà Nội.  25 thầy cô giáo của Trường Marie Curie đã dạy trực tuyến chính khóa cho hơn 2500 học sinh lớp 3 của toàn huyện. Dự án này được đánh giá "thú vị và hiệu quả" sau một năm triển khai.

Dự kiến dự án sẽ tiếp tục thực hiện năm học 2023-2024 với khối lớp 4.