Đầu tư giáo dục, sao không bắt đầu từ lương cho giáo viên?

Mỹ Hà

(Dân trí) - Theo một số lãnh đạo sở giáo dục và địa phương, đề nghị sớm thực hiện chính sách lương cho nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Thông tin đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 14/12.

Theo Bộ GD&ĐT, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo.

Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân. Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, duy trì bền vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, THCS.

Việc quản lý giáo dục, quản trị nhà trường có những thay đổi theo hướng phân cấp quản lý, giao tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình.

Đầu tư giáo dục, sao không bắt đầu từ lương cho giáo viên? - 1

Một số địa phương đề nghị sớm thực hiện chính sách lương cho nhà giáo (Ảnh: Hằng Thanh).

Tiếp tục đề xuất lương nhà giáo cao nhất

Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, Hà Nội đã gặt hái nhiều thành tích, có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, có cơ cấu hợp lý, đảm bảo yêu cầu đổi mới của giáo dục Thủ đô.

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, người đứng đầu ngành giáo dục Thủ đô đề nghị Chính phủ quan tâm, sớm thực hiện chính sách lương cho nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Ngành GD&ĐT Hà Nội cũng đề xuất bổ sung việc thực hiện tự chủ tại các trường phổ thông công lập. Đề nghị các bộ ngành trung ương ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời khỏi nội đô thì ưu tiên xây dựng trường công lập.

Đề nghị Bộ GD&ĐT có ý kiến sửa đổi Luật Thủ đô, trong đó có một số nội dung liên quan đến giáo dục.

Đề xuất Bộ Nội vụ nghiên cứu điều chỉnh xem xét điều chỉnh số lượng cấp phó tại các trường có quy mô lớn như trường liên cấp, trường có nhiều cấp học, trường trọng điểm.

Hiện Hà Nội thiếu hơn 10.000 giáo viên. Do vậy, ông Cương đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ bổ sung biên chế tuyển dụng giáo viên, không áp dụng giảm tối thiểu 10% biên chế đối với các cơ sở giáo dục.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Hội khuyến học Việt Nam cho biết, phản ánh định hướng xã hội nằm ở 3 vấn đề: giáo dục, y tế và an sinh xã hội.

Khi đất nước chưa giàu, lương các ngành khác có thể chưa thay đổi ngay nhưng riêng giáo dục và y tế, cần đầu tư đúng mức, đặc biệt giáo dục phải là quốc sách hàng đầu.

"Câu chuyện giáo viên khóc khi viết đơn xin ra khỏi ngành khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho thầy cô giáo, sao không bắt đầu từ lương, để đội ngũ thầy cô giáo yên tâm công tác? sao để họ loay hoay mãi vậy"? ông Hùng đặt câu hỏi.

Đầu tư giáo dục, sao không bắt đầu từ lương cho giáo viên? - 2

Câu chuyện giáo viên viết đơn xin ra khỏi ngành khiến nhiều người xót xa (Ảnh: Mỹ Hà).

Mong cơ chế đặc thù với giáo viên, học sinh vùng khó

Theo ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 29, địa phương vẫn còn một số hạn chế, khó khăn.

Mặc dù cải thiện đáng kể nhưng nhiều trường thiếu phòng học để tổ chức dạy bán trú, dạy học 2 buổi/ngày. Các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, hệ thống cấp nước sạch, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để; trình độ năng lực của một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng và giảng dạy chậm đổi mới, nhất là giáo viên lớn tuổi ở một số trường, vùng sâu, vùng xa.

Chất lượng giáo dục giữa thành thị và nông thôn còn chênh lệch khá lớn. Công tác đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ, thường xuyên với yêu cầu sử dụng lao động và nhu cầu xã hội.

Bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng cho biết, địa phương đề xuất Bộ GD&ĐT phối hợp ban hành cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; bổ sung chỉ tiêu biên chế còn thiếu cho ngành giáo dục tỉnh Kon Tum tương ứng với sự gia tăng quy mô học sinh và không cắt giảm 10% số lượng người làm việc cơ học trong đơn vị sự nghiệp.

Về điều này, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần khắc phục các khó khăn về giáo viên và cơ sở vật chất, tăng năng lực chuyên môn cũng như thu nhập cho giáo viên.

Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tổng thu nhập của nhà giáo hiện nay gồm có tiền lương theo bậc chức danh nghề nghiệp, các loại phụ cấp lương cũng đã có cải thiện hơn so với các ngành, nghề khác. Tuy nhiên, so với tính chất đặc thù nhà giáo, thực tế vẫn còn thấp.

Trong thời gian tới, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương, đặc biệt là quán triệt tinh thần Nghị quyết 29, đó là ưu tiên xếp lương của nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.