DNews

"Chiếc tivi vỡ rồi" và chuyện những người thầy đi cùng nỗi đau của học trò

Hoài Nam

(Dân trí) - Học trò mồ côi, bố mẹ bỏ đi, trẻ ăn cơm với gừng; dạy cả mẹ lẫn con... Hoàn cảnh của học trò khiến thầy cô Trường THCS Chu Văn An, Krông Năng, Đắk Lắk cảm thấy sự vất vả, thiệt thòi của họ là nhỏ bé.

"Chiếc tivi vỡ rồi" và chuyện những người thầy đi cùng nỗi đau của học trò

Câu chuyện này là một lát cắt chân thực cho thấy sự cần thiết phải triển khai dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Chiếc tivi bị vỡ

"Em Tuân làm vỡ ti vi!" là thông tin mà thầy cô ở Trường THCS Chu Văn An - ngôi trường vùng sâu vùng xa tại xã Eh Đăh, huyện Krong Năng, tỉnh Đắk Lắk - nhận được vào một ngày giữa tháng 11.

Chiếc tivi vỡ rồi và chuyện những người thầy đi cùng nỗi đau của học trò - 1

Học trò Trường THCS Chu Văn An, xã Eh Đăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Cậu học trò lớp 7 Lường Văn Tuân đứng giữa lớp mặt tái mét, run rẩy... Người thân em nghe tin cũng bần thần, thẫn thờ.

Như hàng trăm học trò người dân tộc thiểu số ở trường, Tuân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Bố em mất sớm, mẹ bỏ nhà đi theo người đàn ông khác, Tuân được chú thím nuôi ăn học từ năm lớp 2. Chú thím nghèo khổ còn có 3 đứa con, để cháu được đến trường đến bây giờ đã là nỗ lực không tưởng của họ.

Chiếc tivi của lớp, tài sản quá lớn với gia đình họ và cả phụ huynh trong lớp. Hầu hết phụ huynh ở đây cũng đều trong cảnh không ai khổ hơn ai vì ai cũng khổ, cũng nghèo.

Sau khi sự việc xảy ra, ban giám hiệu, thầy cô ở trường không chờ ai nói ai, cứ vậy mỗi người góp một ít tiền để thay màn hình tivi hết 4,5 triệu đồng. 

Chiếc tivi vỡ rồi và chuyện những người thầy đi cùng nỗi đau của học trò - 2

Học trò Trường THCS Chu Văn An trong lễ Trưởng thành Đội viên Chi hội (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Mùa 20/11 năm nay của thầy cô giáo ở ngôi trường vùng sâu vùng xa đó bắt đầu với câu chuyện như vậy. Luôn là những trải nghiệm về cuộc đời, số phận của học trò mà họ đã chứng kiến, đồng hành bao nhiêu năm qua.

Dạy học cùng những nỗi đau

Nơi đây, phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số với đủ hoàn cảnh. Dạy học không chỉ là lên lớp mà giáo viên còn chứng kiến, đi cùng với nỗi đau của những đứa trẻ. 

Học trò ở đây, rất nhiều trẻ mồ côi hoặc bị chính bố mẹ vứt bỏ khi vừa sinh ra cho đến những em bố mẹ đi làm ăn xa... Chúng quằn quại trong cái nghèo cái khổ, trong sự cô đơn, thiếu thốn sự chăm sóc, quan tâm. 

Chiếc tivi vỡ rồi và chuyện những người thầy đi cùng nỗi đau của học trò - 3

Cô giáo Lê Thúy Hằng và cô Nguyễn Thị Xuân Hòa (Ảnh: Hoài Nam).

Nhà cách trường gần 30km, cả đi cả về gần 60km, cô Nguyễn Thị Xuân Hòa bắt đầu đi từ nhà lúc 5 giờ sáng. Cầm ổ bánh mỳ hoặc nắm xôi, cô vừa chạy xe vừa tranh thủ ăn sáng nay trên đường để kịp giờ dạy.

Vậy mà đã 12 năm cô gắn bó với nơi đây. Từng đó thời gian, điều khắc khoải trước mắt cô không chỉ là quãng đường đến trường dằng dặc mỗi ngày mà còn là số phận, cuộc đời của không biết bao nhiêu học trò và cả những người phía sau chúng.

Năm học trước, trong lớp do mình chủ nhiệm, cô đau đáu với trường hợp vợ chồng ông Sùng Vảng Lao, nuôi 13 đứa cháu. Bố mẹ chúng, người bỏ đi, người tù tội, người đi làm ăn xa... để con cái lại cho ông bà.

Ngoài cháu nội ngoại ruột thịt, vợ chồng ông Lao còn nhận nuôi cả những đứa trẻ bị người quen bỏ lại. Ông bà cho rằng: "Có cháo ăn cháo chứ làm sao mình bỏ chúng được". 

Năm nay, có vài đứa trẻ được bố mẹ đón đi hoặc được nhận nuôi, ông bà chỉ còn phải lo cho 8 đứa cháu. Đứa lớn nhất học lớp 8, đứa nhỏ nhất mới 3 tuổi. Đứa lớn tự đi đến trường, còn những đứa nhỏ vợ chồng ông thay nhau đưa đón. 

Chiếc tivi vỡ rồi và chuyện những người thầy đi cùng nỗi đau của học trò - 4

Ông Sùng Vảng Lao bên một trong cả chục đứa cháu vợ chồng ông đang nuôi dưỡng (Ảnh: Hoài Nam).

Ông Sùng Vảng Lao kể, năm nay kinh tế khó khăn, con cái đi làm ăn nhưng không gửi tiền về nuôi con. Vợ chồng ông làm ruộng và chỉ trồng lúa để làm sao lo đủ cơm cho đàn cháu. Rau cỏ tự trồng hoặc hái rau rừng qua ngày, lâu lâu bữa cơm có con gà, con cá. Có khi cả tháng, cả nhà không ngửi thấy mùi cá, mùi thịt... 

Còn với cô giáo Lê Thúy Hằng, khi dạy học ở nơi vùng sâu vùng xa này một thời gian, cô trăn trở, đau đáu không vì cái khổ, cái vất vả của bản thân như thời gian đầu. Trái tim cô Hằng cũng như bao thầy cô nơi đây, không biết bao nhiêu lần bị bóp nghẹt, đau nhói trước hoàn cảnh của các em.

Hàng chục năm dạy học, cô đếm không hết bao nhiêu học trò của mình sinh ra rồi bị chính bố mẹ bỏ rơi, có trẻ chưa từng được bố mẹ chăm sóc một ngày. Các em sống với người thân, người quen... Chúng không chỉ thiếu thốn về cơm ăn áo mặc, mà thiếu lớn nhất là về tinh thần, về tình cảm. 

Cô Hằng kể, cô từng dạy cả mẹ... lẫn con. Có những nữ sinh lớp 7, lớp 8 có bầu rồi nghỉ học. Các em tảo hôn, rồi làm mẹ của những đứa trẻ, có em sinh xong lại vứt bỏ con cho người khác nuôi. Vòng tròn thiếu thốn về vật chất, tình cảm của con trẻ lặp lại từ đời bố mẹ sang con như vậy. 

"Nhiều năm qua, nhìn thấy những hoàn cảnh của học trò, tôi đã không còn so bì việc mình đi dạy ở vùng cao thì thiệt thòi, vất vả ra sao nữa", cô Hằng trải lòng. 

Chiếc tivi vỡ rồi và chuyện những người thầy đi cùng nỗi đau của học trò - 5

Mỗi thầy cô nơi đây luôn gắn với số phận, cuộc đời của nhiều học trò (Ảnh: Hoài Nam).

Nói về cái nghèo, cái vất vả của học trò, phụ huynh nơi đây, cô Nguyễn Thị Hường - giáo viên dạy toán - nhắc ngay đến hình ảnh... nồi cá cơm kho.

Lần đó, cô đến thăm nhà một em học trò, đúng lúc gia đình em đang dọn cơm. Thấy nồi cá cơm kho cháy đen, cô cười: "Hôm nay nhà mình ăn sang quá, có cá luôn nha!". 

Bước tới gần, cô nghẹn lại. Cái nồi mà cô tưởng là "nhà học trò hôm nay có cá" nào phải là cá, mà là hoa chuối già được rang khô đen cứng.

Trước đó, cô thường xuyên chứng kiến học trò của mình ăn cơm trắng ngon lành với củ gừng cay lè chấm muối, hoặc lấy củ gừng nấu lỏng bỏng thành canh... 

Rút ngắn đường đến trường của học trò thiểu số 

Ông Hoàng Bá Tôn - Phó hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, xã Eh Đăh, huyện Krong Năng, tỉnh Đắk Lắk - thông tin, trường thuộc xã khu vực III, vùng dân tộc miền núi đặc biệt khó khăn.

Chiếc tivi vỡ rồi và chuyện những người thầy đi cùng nỗi đau của học trò - 6

Ông Hoàng Bá Tôn - Phó hiệu trưởng Trường  THCS Chu Văn An - trong một chương trình tặng xe cho học trò nghèo của trường (Ảnh: Hoài Nam).

Trước đây, khi nói về trường dạy, nhiều giáo viên lắc đầu ngay. Cũng dễ hiểu khi lúc đó, đường xá đi lại còn khó khăn, mùa mưa thầy cô không thể đi xe vào mà phải để xe ngoài, lội bùn sình vào trường. 

100% giáo viên dạy học tại đây đều ở xa trường, không có giáo viên tại địa bàn. Nhà thầy cô cách xa 30-50 cây số là bình thường, việc đi lại rất vất vả. Điều này, theo ông Tôn, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, nhất là trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi.

Với tinh thần trách nhiệm, bằng tình cảm với học trò, đặc biệt là xót thương với hoàn cảnh của học trò, thầy cô ngày càng gắn bó. Thấy khó khăn của học trò là giáo viên sẵn sàng tìm cách để hỗ trợ, giúp đỡ ngay.

Chiếc tivi vỡ rồi và chuyện những người thầy đi cùng nỗi đau của học trò - 7

Đội ngũ quản lý, giáo viên Trường THCS Chu Văn An, xã Eh Đăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Ông Tôn cho biết, học sinh tại trường phần lớn là người dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc chuyển vào, gia đình rất khó khăn. Đường đi học xa, không ai đưa đón nên trước đây học sinh bỏ học rất nhiều.

Bây giờ, vào ngày mưa, trường vẫn phải cho học sinh nghỉ học tránh việc các em đi học qua cầu tràn rất nguy hiểm.

Về trường công tác từ năm 2009, đến nay, ông Tôn cùng đồng nghiệp cũng đã mở 15 lớp bổ túc văn hóa hỗ trợ học sinh đủ điều kiện xét tốt nghiệp THCS để có thể theo học nghề.

Tuy nhiên, ông Hoàng Bá Tôn chia sẻ, từ năm 2019, khi Ký túc xá 115 dành cho học sinh nghèo tại Trường THCS Chu Văn An và Tiểu học Ea Dah được đưa vào hoạt động đã giúp giảm tình trạng học sinh bỏ học. Gần 170 học sinh của hai trường đang sống ở ký túc xá, các em còn được chăm sóc, quản lý về chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, học hành, việc đi học thuận lợi hơn.

Ngoài ra, nhiều học sinh của trường được hỗ trợ theo Chính sách 116 của Chính phủ dành cho học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. 

Chiếc tivi vỡ rồi và chuyện những người thầy đi cùng nỗi đau của học trò - 8

Ký túc xá 115 dành cho học sinh Trường THCS Chu Văn An và Tiểu học Ea Dah, giúp con đường đến trường của các em thuận lợi hơn (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Nhà trường cũng tích cực kêu gọi mạnh thường quân, xin các suất học bổng hỗ trợ các em. Và đặc biệt tình cảm từ thầy cô ở trường cũng góp phần "níu chân" học trò, giúp con đường đến trường của học sinh dân tộc thiểu số ngắn hơn.

Cứ vậy, thầy trò bước đi cùng nhau! Nói như nhiều giáo viên ở trường, thầy trò đi cùng nhau được chặng nào trân quý chặng đấy...