“Cá cảnh” ra đại dương

Họ được ví “nhí nhảnh con cá cảnh”. Những “con cá cảnh” học giỏi, tự tin, biết hoạch định tương lai và có thể bơi ra đại dương. Họ cùng sinh năm 1984 và giành được học bổng toàn phần của những trường hàng đầu trên thế giới.

Vũ Minh, Nguyễn Quỳnh Hoa, Nguyễn Thị Thu Trang là 3 cá cảnh vừa tốt nghiệp loại giỏi khoa Quốc tế học (Đại học KHXH &NV Hà Nội). Bạn bè gọi là cá cảnh bởi họ thường rất vui tươi, nhí nhảnh và học tanh.... như cá.

Ngay từ năm thứ nhất đại học, “tham gia nghiên cứu khoa học cho biết” nhưng Vũ Minh đã giật ngay giải Nhì của trường với đề tài Quan hệ Việt Nam - Phương Tây nửa đầu thế kỷ 19; năm thứ hai giật giải Nhì nghiên cứu của trường; năm thứ ba kiếm được một học bổng toàn phần sang “mài đũng quần” tại Đại học Tokyo (Nhật Bản) 15 tháng nghiên cứu chuyên ngành Kinh tế Quốc tế và Quan hệ Quốc tế.

Kết thúc 15 tháng học tại Đại học Tokyo đạt kết quả tốt, Vũ Minh tiếp tục về học lại năm thứ ba Khoa Quốc tế học (Đại học KHXH&NV Hà Nội) và giành luôn giải Nhất nghiên cứu cấp bộ đề tài Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Năm cuối đại học, đúng vào sinh nhật, Vũ Minh được nhận huy chương Tuổi trẻ sáng tạo và là một trong 76 gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2006.

Tổng kết 4 năm đại học với số điểm trung bình gần 9, Vũ Minh được các thầy cô khoa Quốc tế học giao nhiệm vụ chuyên lo tổ chức các cuộc hội thảo trong nước và quốc tế.

Sở trường nổi bật của Vũ Minh là tiếng Anh, tiếng Nhật như gió. Có lần, trong diễn đàn 4 trường đại học Đông Á tổ chức tại Việt Nam, đến phiên sinh viên Đông Á hội nghị riêng với nhiều quan khách và học giả nước ngoài nhưng thiếu chairman (chủ tịch hội nghị).

Không để đội nhà thất thố trước sinh viên nước ngoài và các đại biểu quốc tế, Vũ Minh đã nhanh chóng cuốn hút mọi người ở vị trí chairman tự phát. Hội nghị thành công hơn cả dự kiến.

Quỳnh Hoa tự nhận là lười như… mèo nhưng điểm số các môn học lại cao chót vót. Cô tham gia các phong trào sinh hoạt đoàn thể như cá gặp nước.

Siêu tiếng Anh và “thành tích học tập quá…ổn” (như lời bạn bè thường nói) nên Quỳnh Hoa liên tục được trường, khoa cử đi “du đấu” với các sinh viên trong khu vực và trên thế giới.

Nhiều năm liền, “cá cảnh” này còn được nhận giấy khen của trường về các hoạt động tình nguyện. Hát hay và “hót” tiếng Anh ngọt nên cô nàng còn là nhà tổ chức các Gala ca nhạc, đồng thời cũng là sáng lập viên của câu lạc bộ tiếng Anh đình đám quy mô cấp trường.

Năm thứ ba đại học, Quỳnh Hoa được kết nạp Đảng. Ít ai biết được, năm cuối đại học, Quỳnh Hoa đã phải nỗ lực vượt qua một căn bệnh hiểm nghèo.

Vết mổ chưa kịp lành, Quỳnh Hoa đã phải đánh vật với đề tài khóa luận tốt nghiệp hóc búa bằng tiếng Anh về tổng quan ngành Luật Hoa Kỳ. Bảo vệ khóa luận tốt nghiệp xong, Quỳnh Hoa được giao nhiệm vụ phụ trách một lớp học có 17 sinh viên đến từ California (Hoa Kỳ) sang Việt Nam theo chương trình trao đổi văn hóa giữa 2 nước. Cá cảnh này được giữ lại khoa Quốc tế học và lại được bầu làm Bí thư Liên chi đoàn khoa.

Thu Trang là một cá cảnh trầm lặng và học hành chăm chỉ nhất. Điểm số các kỳ học của Thu Trang luôn ổn định ở mức trên 8. Những học bổng được “trao liền tay” thường rơi vào Thu Trang.

Học bổng hỗ trợ học tập có duyên nhất với Thu Trang là Yamada (mỗi lần trao 150 USD). Tiếng Anh thuộc hạng “siêu”, Thu Trang cũng là thành viên tích cực của phong trào luyện tiếng Anh của trường Đại học KHXH & NV Hà Nội.

Có lẽ do tính tình điềm tĩnh và mọt sách nên cô nàng cá cảnh này được giao phụ trách “gác cửa” thư viện Khoa Quốc tế.

Những vị trí hiện tại của các cá cảnh này chỉ là tạm thời. Ba người vừa giành được học bổng toàn phần do quỹ Ford tài trợ đi học thạc sỹ chuyên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế và quan hệ quốc tế tại nước ngoài.

Mùa hè tới đây, Vũ Minh sẽ sang trường đại học Chicago, còn Quỳnh Hoa học ở đại học Johns Hopkins (thuộc 20 trường đại học hàng đầu thế giới). Thu Trang sẽ sang Anh hoặc Úc để tiếp tục nghiên cứu đề tài khóa luận tốt nghiệp.

Các cá cảnh tự tin cho biết, họ đã hoạch định tương lai của mình: “Trước mắt phải học tốt chuyên ngành, thời buổi hội nhập, thu nhập của các chuyên gia tư vấn thượng hạng sẽ không kém doanh nhân hạng trung đâu” - Cả ba tâm sự.

Riêng Vũ Minh còn tự “lập trình” cho mình là phải trở thành tiến sỹ trước tuổi 30.

Tiến sỹ Phạm Quang Minh, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế học cho biết: Đây là ba sinh viên được đào tạo cơ bản nhất về quan hệ quốc tế và kinh tế quốc tế từ trước tới nay của khoa.

Những trường đại học họ sắp du học thuộc top 20 trường hàng đầu trên thế giới. Các em sẽ trở thành những giảng viên, chuyên gia về quan hệ quốc tế trong tương lai.

Sinh viên của Khoa Quốc tế học có đặc thù là thường xuyên được cọ xát với môi trường quốc tế nên rất năng động.

Khoa Quốc tế học dự kiến sẽ liên kết cùng với các trường đại học có chất lượng trên thế giới để đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ trong nước trong thời gian tới. 

Theo Đình Thắng
Tiền Phong