Bẩn lắm… nhà trọ sinh viên Huế

(Dân trí) - Chỗ nấu ăn, giặt giũ, tắm rửa, vệ sinh đều “4 trong 1”. Ngập lụt trong mùi hôi thối của rác, nước bẩn khi mùa mưa đến là tình trạng mà rất nhiều sinh viên Huế đang phải vật lộn để chung sống cho hết 4 năm học đại học.

Nhà trọ 80 ngàn/tháng

 

Không giống như Hà Nội hay TPHCM thường xuyên “cháy” nhà trọ, ở Huế không khó để tìm cho mình một phòng trọ. Thế nhưng, tìm được một nhà trọ ưng ý lại không phải là chuyện dễ vì ngoài số ít các nhà trọ “VIP” dành cho giới sinh viên con nhà giàu, nhiều năm nay các sinh viên ở Huế phải sống trong những căn nhà trọ tạm bợ, hôi thối và dơ bẩn cộng thêm những điều kiện sinh hoạt rất bất tiện.

 

Theo chân bạn Vũ Đạt, SV năm 3 trường ĐH Khoa học Huế, chúng tôi về xóm trọ. Phải vòng vèo hết hơn 5 con ngõ, 2 lối rẽ từ ngoài kiệt đường Hải Triều chúng tôi mới tới được nơi Đạt trọ ở. Xóm trọ có tất cả 8 phòng cho sinh viên thuê, với giá 80 ngàn/tháng bao gồm cả tiền điện, nước (10 ngàn).

 

Đạt cho hay: “Sở dĩ ở đây có giá rẻ như thế là do chủ nhà muốn mình trông nhà, giữ đất hộ là chính, vì nghe đâu ở đây mấy nhà hàng xóm tranh giành đất dữ lắm. Rẻ nhưng mọi thứ đều bất tiện”. Căn phòng Đạt ở chưa đầy 2m chiều rộng, 4m chiều dài, chỉ đủ để kê được chiếc giường bé xíu và 1 chiếc bàn học, còn lại mọi thứ sinh hoạt hằng ngày đều diễn ra ở hành lang rộng 1m bên ngoài.

 

Ngoài việc bất tiện, ở đây còn rất mất vệ sinh. Nhà tắm, nhà vệ sinh, nước rửa nấu ăn… tất cả xóm trọ đều dùng chung một nguồn. “Rất nhiều hôm mất nước, có nước thì cũng có mùi clo rất nặng, muốn dùng phải nấu một lần rồi để bay hơi sau đó mới tái sử dụng được” - Hường, ở xóm trọ cho hay.

 

Cách đó không xa, những ngôi nhà trọ nằm dài san sát nhau cũng có tình trạng như vậy. “Ở  đây cả khu này đều như thế cả. Sinh viên ở thế là được rồi, gia đình chúng tôi sống ở đây cả đời rồi mà có kêu ca chi mô!” - anh Hai, một người dân nói.

 

Phần đa sinh viên thuê trọ ở khu vực này đều là con nhà nghèo, có hoàn cảnh. Do không xin được vào ký túc xá nên đành phải xin trọ ngoài. 

 

Phòng trọ của 2 nữ sinh trường ĐH Sư phạm Nguyễn Thị Hương và Nguyễn Thị Thủy (không có số nhà), chỉ vẻn vẹn chưa đầy 4m2 cũng có giá khá “dễ chịu” với 150 ngàn/tháng bao gồm cả tiền điện, nước. Tuy nhiên, mùa hè hay mùa đông thì nhiệt độ trong phòng cũng không khác mấy nhiệt độ ở ngoài trời. Mưa thì thấp ẩm, dột khắp phòng.

 

Hương kể: “Hễ mưa về đêm là bọn em phải thức dậy để tránh mưa, dột khắp nhà. Chỗ giường ngủ cũng ướt. Chúng em cũng muốn chuyển chỗ ở nhưng mà đi hỏi nơi nào cũng đắt đỏ nên đành gắng thêm 2 năm nữa, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó”. 

 

Do nhà chủ ở mãi tận bên thành, cuối tháng mới qua thu tiền phòng nên có phản ánh tình trạng ở đây như thế nào chủ trọ cũng không hay quan tâm. “Cửa cổng đã hư cả mấy năm nay nhưng vẫn không thay, nhà dột nát cũng vẫn để vậy. Nhà vệ sinh, nhà tắm, đều 2 trong 1, mái tôn cũng đã rỉ nước. Mùa mưa năm nào phòng trọ ở đây cũng bị ngập trong biển nước, nước cổng, nước mương đổ về hôi thối, lênh láng cả khu nhà” - Thủy nói.

 

Nhà trọ 4 trong 1

 

Rời khu nhà trọ ở đường Hải Triều, chúng tôi lên ngõ sinh viên nằm trên đường Trần Phú. Đây là đường có số lượng khu nhà trọ lớn nhất thành phố Huế. 

 

Kiệt 131 Trần Phú có giá phòng trọ từ 300-500 ngàn phòng/người, thế nhưng điều kiện sinh hoạt ở đây cũng không khá hơn.

 

Xóm trọ của Lan, Quỳnh, Mai - SV trường Ngoại ngữ nằm sâu trong con hẻm (ngõ 53). “Xóm nằm lọt vào ngõ nên mặc dù có địa chỉ rõ ràng nhưng “bạn em cả lớp có kéo đi tìm cũng bó tay không tìm ra chỗ ở. Hàng lang tối um, quanh năm lấy bóng điện làm mặt trời chiếu sáng”, Lan nói

 

“Ở đây nấu ăn, giặt giũ, tắm rửa, vệ sinh đều diễn ra ở một phòng cuối cùng sát hành lang thành thử bọn em vẫn hay gọi nơi đây là nhà trọ 4 trong 1. Cả 12 phòng chung nhau một cái nhà vệ sinh, rất bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày nên ai cũng phải “tranh thủ”. Có đi vệ sinh cá nhân cũng phải nhanh để còn nhường phòng cho các bạn khác” - Mai nói.

 

Do không có số nhà nên các sinh viên ở đây chưa ai làm giấy đăng ký tạm trú, tạm vắng với công an phường. “Mỗi đợt dân phòng, công an đi kiểm tra đều nhắc nhở nhưng chúng em cũng chỉ biết dạ, vâng cho qua chuyện, sau đâu lại vào đó”, Mai nói thêm.

 

Những sinh viên sống chung với nhà chủ cũng chật chội, bất tiện không kém và lại phải tuân theo những quy phép do chủ đặt ra như: không được nấu ăn, không được đưa bạn bè tới nhà, không được để xe trước cổng, không được tiếp khách, buổi tối đi về trước 9 giờ…

 

Ở nhiều nhà trọ, sinh viên chỉ sống trên gác. Gác được dựng lên bằng những tấm gỗ rồi dựng làm ngăn vách với nhau, với chừng khoảng 30m2 có thể ngăn thành 8-10 vách khác nhau và mỗi người… một chiếc chiếu!

 

Xuôi về ngõ 29, hẻm 9 Kiệt 131, ở đây nhà nào cũng có phòng cho sinh viên thuê trọ. Đường vào thì đầy rác, chưa kể hễ mưa to là nước từ các con cống bên ngoài đổ về ngập sâu vào cả ngõ. 

 

Phòng trọ của Nguyễn Thị Nở - SV trường ĐH Khoa học, do quá thấp nên một năm phải chống ngập úng đến vài ba chục lần. “Lúc nào có mưa thì nước ngập đến nửa phòng, chạy không kịp thì chết đuối chứ chẳng chơi, ấy vậy mà tiền phòng không giảm, trộm cắp thường xuyên. Nước ngập kéo theo rác thải từ mương vào nên phòng bốc mùi kinh lắm, đó là chưa kể mùi thối bốc ra từ nhà vệ sinh” - Nở than thở.

 

Phan Bá Mạnh