"Bà đỡ" cho học sinh nghèo...

(Dân trí) - Đến với xã Mò ó, thuộc huyện miền núi Đakrông, Quảng Trị, vẫn nghe bà con Vân Kiều, PaKoh nơi đây gọi chị với cái tên thân mật là bà đỡ...

Bởi mấy chục năm nay, người nữ hộ sinh này đã cứu sống hàng trăm bà mẹ và trẻ sơ sinh. Điều đặc biệt là làm "bà đỡ" cho nhiều học sinh nghèo vươn lên thành đạt. Đó là chị Hồ Thị Thanh - Chủ tịch UBND xã.

 

Năm 1980, sau khi tốt nghiệp Trung cấp y Huế, giữ lời hứa với bà con quê hương trước lúc lên đường theo học nghề y, Hồ Thị Thanh xin về xã Mò ó (ĐaKrông), nơi chị sinh ra và lớn lên để công tác . 

 

Ngày ấy, bà con Vân Kiều, Pakoh nơi đây còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, nhất là trong việc sinh đẻ của người phụ nữ. Trước đây khi người vợ mang thai người chồng làm cho một cái chòi ngoài rẫy và sắp chuyển dạ thì ra đó ở và tự sinh nở một mình, một thời gian sau mới bồng con về nhà. Do đó, nhiều trường hợp cả sản phụ và thai nhi đều tử vong.  Đau lòng trước cảnh ấy, chị quyết tâm phải thay đổi nhận thức của bà con. Vậy là, hằng ngày chị lặn lội đến từng nhà để tuyên truyền vận động. Nhưng, mãi hơn 1 năm sau, cuộc vận động xoá bỏ hủ tục sinh đẻ ngoài chòi rẫy của chị Thanh mới thành công ở những bản làng Mò ó.   

 

Lúc ấy, xã không có trạm xá, chị xin bố mẹ lấy ngôi nhà mình làm nơi khám chữa bệnh. Cuộc sống khó khăn, hầu hết những sản phụ người Vân Kiều nơi đây khi đến sinh nở đều không có bất cứ tư trang cá nhân nào. Chị Thanh phải nhịn ăn để nhảy xe lên thị trấn mua sắm tả lót, áo quần trẻ sơ sinh, thậm chí phải nuôi cơm cho những sản phụ cả tuần lễ, cho cả tiền xe ôm đưa về nhà.

 

Để giúp vợ làm việc nghĩa với bản làng, chồng chị Thanh phải suốt ngày gập lưng xuống đất với rẫy sắn, nương khoai mới mong kiếm đủ ngày hai bữa nuôi con, nuôi học sinh nghèo. Nghĩa tình với bản làng đến vậy, nhưng ngờ đâu năm 2003, tai ương ấp xuống gia đình chị, đó là người chồng tử nạn vì một tai nạn giao thông. Đứa con trai lớn của chị phải nghỉ học để tiếp tục thay cha vào rừng làm rẫy giúp mẹ nuôi em. Cuộc sống gia đình chị chưa phải thuộc diện "có của ăn, của để" nhưng không vì thế mà vòng tay nhân ái của chị lại ngừng rộng mở. 

 

Năm học 2004 chị lại nhận nuôi 4 học sinh người dân tộc PaKoh ở xã ABung, năm nay các em đã vào lớp 10 trường huyện.  Để có chổ cho học sinh ăn ở đàng hoàng, năm nay chị "liều mạng" vay ngân hàng 20 triệu đồng xây thêm một ngôi nhà mới cạnh bên, còn chị vẫn ở trong ngôi nhà cũ đã xuống cấp. Không phụ tấm lòng của chị nhiều học sinh được chị nuôi ăn học nay có người đang là sinh viên đại học và có người cũng đã trưởng thành, như Hồ Văn Chim - hiện là Bác sĩ công tác ở Trung tâm y tế huyện ĐaKrông, Hồ Văn Díp - giáo viên tiểu học ở Hương Trà, Thừa Thiên Huế".   

 

Năm 2004, chị được nhân dân xã Mò ó tín nhiệm bầu giữ chức chủ tịch UBND. Trách nhiệm từ đó càng thêm nặng nề, nhưng ở trên cương vị mới, chị vẫn không quên trách nhiệm của mình, làm " bà đỡ" cho  những bà mẹ và hơn hết, là những trẻ em nghèo của vùng núi nơi đây. 

 

 

Quốc Tiến - Thu Nguyên