Ấn tượng du học sinh Việt Nam ở Côn Minh

(Dân trí) - Đi du học ở thành phố hoa của thế giới - Côn Minh, ngoài điều kiện học tập “miễn chê”, du lịch “xả láng”, sau mấy năm tốt nghiệp, ngoài bằng cấp chuyên môn, họ nghiễm nhiên trò chuyện được với 1/5 nhân loại!

“Chiến đấu” với thứ ngôn ngữ “xủng xoảng”

 

“Hồi đầu mới sang, chỉ thèm được nói thôi, nhưng không biết tiếng Trung nên đành chịu. Người Trung Quốc vốn nói nhiều, nói nhanh nên người khác nghe chỉ thấy “xủng xoảng” chứ chẳng hiểu mô tê gì cả”. 

 

Học tiếng Trung có 4 phần nghe, nói, đọc, viết tách biệt và độc lập. Cho nên có nhiều người nói được nhưng không viết được, hoặc nghe được mà không nói được. Bởi thế, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính Vân Nam đã tạo điều kiện tối đa để sinh viên có cơ hội học tập và cọ xát với thứ chữ tượng hình một cách tốt nhất.

 

 Để có thể theo học các chuyên ngành đại học, cao học hoặc tiến sỹ, lưu học sinh phải đạt được trình độ tiếng Hán cần thiết theo yêu cầu của các trường đại học thông qua kỳ thi tiếng Hán dành cho người nước ngoài (HSK).

 

Trình độ HSK được chia thành 11 cấp, tuỳ theo từng chuyên ngành mà yêu cầu khác nhau. Với các chuyên ngành kinh tế, xã hội, hầu hết các trường yêu cầu trình độ HSK từ cấp 4 trở lên; cấp 6 trở lên được áp dụng với các chuyên ngành khoa học, kỹ thuật, đông tây y.

Ngoài các học trình chính, trường còn có các học trình tự chọn bao gồm các môn Thư pháp, Võ thuật, Lịch sử và văn hóa Trung Quốc, phong tục tập quán các dân tộc Vân Nam… Đặc biệt, các chuyến dã ngoại, các hoạt động ngoại khóa giúp du học sinh hứng thú hơn với những “ủa”, “nỉ”…

 

Tiếng Trung giao tiếp đã khó, học vào tiếng chuyên ngành còn khó gấp bội vì có vô số từ không có trong từ điển bạn đã học. Chính vì thế bạn phải liên tục, liên tục tự trau dồi từ vựng. Chỉ cần lơ đễnh, bạn sẽ nhanh chóng bị rớt lại phía sau. Nhưng riêng sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính Vân Nam thì khỏi lo vì đã có hai “đàn anh” Lý Chường Thọ và Phạm Nam Tuấn sẵn sàng giúp đỡ.

 

Với thành tích học tập xuất sắc và sự năng động, nhiệt tình của người trẻ, Tuấn và Thọ được trường mời làm cán bộ phòng đối ngoại phụ trách tuyển sinh và quản lý lưu học sinh Việt Nam. Ngoài việc học chính khóa ở trường, tối đến Thọ và Tuấn lập các phòng tự học buổi tối, bắt buộc các sinh viên không thể lơ là nhiệm vụ chính của mình khi sang Côn Minh là: học!

 

Ấn tượng du học sinh Việt Nam ở Côn Minh - 1
Nhờ kết quả học tập tốt, Chường Thọ (trái) và Nam Tuấn được trường mời làm cán bộ tuyển sinh và quản lý DHS.

 

Kể về việc xin mượn phòng tự học buổi tối, Thọ khoe: “Bọn mình là người khơi mào ra phong trào này đấy. Thấy hay và hiệu quả, các bạn Thái Lan, Úc… cũng xin học cùng”. Tuy nhiên, Thọ nói thêm, cái chính là ở ý thức của sinh viên, còn sự quản lý chặt chẽ của trường chỉ tạo thêm điều kiện để các bạn có thể phát huy được năng lực của mình.

 

Các lưu học sinh Việt Nam ở đây luôn biết tự mình vươn lên và thích ứng với môi trường mới. Ra đường gặp người bản xứ thì ngoài việc mỉm cười còn cố thêm vài câu tiếng Trung vừa học được, đi chợ thì xông vào mặc cả để luyện nghe - nói, thấy tờ rơi, áp phích nào cũng chăm chú xem để việc đọc - viết tiếng Trung chóng thành thạo.

 

Và có một cách học vô cùng hiệu quả là “cặp” (theo nghĩa trong sáng của từ này) với một sinh viên bản xứ bằng thỏa thuận: Tớ dạy tiếng Việt cho cậu, cậu dạy tiếng Trung cho tớ. Đấy là cách học mà Bùi Quang Hồng, SN 1985, quê ở Lai Châu đang áp dụng. Học thế hiệu quả tức thì. Chẳng thế mà mới sang Trung Quốc được hai tháng, cậu đã có thể trò chuyện được bằng tiếng Trung khá thoải mái.

 

Ấn tượng du học sinh Việt Nam ở Côn Minh - 2
 DHS Việt Nam ở đây coi nhau như anh em một nhà.

 

Khách sạn 3* sinh viên

 

Choáng ngợp là cảm giác đầu tiên khi Bùi Quang Hồng, từng là sinh viên một trường xây dựng ở Việt Nam, khi mới sang. Trong khuôn viên rộng 75ha là một chu trình khép kín từ giảng đường, thư viện, nhà ăn, ký túc xá đến sân chơi thể thao, nhà thi đấu…

 

“Dù bỏ tiền đi du học nhưng em không ngờ lại được sống trong điều kiện ăn ở, học tập tốt như thế này. Trong suy nghĩ trước đây, “đồ Tàu” không mấy thiện cảm với dân mình, cộng với suy nghĩ chủ quan rằng, Côn Minh chỉ cách biên giới Việt Nam chưa đầy 500km thì làm gì phát triển lắm! Thế mà nhầm thật.

 

Bỏ chi phí khoảng 50 triệu/năm để đi du học với điều kiện thế này: lớp học cực ít sinh viên, giáo viên kèm tận nơi; thư viện điện tử với hàng triệu đầu sách, chỉ sợ không đủ sức ngốn; nhà ăn có đủ món Tây - Tàu, giá cả cũng “rất sinh viên”; ký túc xá thì long lanh như khách sạn 3*; sân tennis, bóng rổ, nhà thể thao đa năng mở cả ngày… thì cũng đáng “đồng tiền bát gạo”!

 

Ấn tượng du học sinh Việt Nam ở Côn Minh - 3

Thu Hà, Khánh Ngân, Thanh Hiền (từ trái qua) - Tam ca “đình đám” trong các đêm văn nghệ của lưu học sinh Việt Nam ở đây.

Quen với điều kiện sống của sinh viên ở nhà nên khi sang nhập học, được đưa vào khu ký túc dành cho 2-3 người/phòng với đầy đủ tiện nghi, truyền hình cáp, Internet miễn phí, nhà tắm có bình nóng lạnh đàng hoàng… 3 “tiểu thư” Hồ Thanh Hiền, Trần Khánh Ngân đến từ Lai Châu và Thu Hà đến từ Hà Nội vừa ở vừa lo không có tiền trả cho khách sạn. Buổi đầu tiên đến nhận ký túc, các nàng dè dặt hỏi: “Bao giờ mình chuyển sang ký túc xá? Ở khách sạn tốn tiền lắm!”. Rồi ngỡ ngàng khi biết đây chính là khu ký túc mà mình đã bỏ 500.000 đồng/tháng để thuê.

 

Khoái nhất là những con đường hoa trải khắp trong trường và đường tới giảng đường vào mùa thu - đông ngợp trong lá vàng tưởng chỉ có trong các phim của Hàn Quốc… Tất cả đủ cho những kẻ ít mơ mộng nhất cũng thấy tâm hồn thật khoan khoái, nỗi nhớ nhà cũng vì thế mà vơi đi phần nào, yên tâm tập trung cho việc học.

 

“Chất” sinh viên Việt ở xứ lạ

 

Đúng là ra nước ngoài du học thật, nhưng “chất” sinh viên Việt thì không thể lẫn đi đâu được. Thân thiện, vui vẻ, thông minh và có chút tinh quái vốn có của sinh viên là điều dễ nhận thấy khi gặp gỡ các lưu học sinh Việt Nam ở đây.

 

Không chỉ quan tâm đến đời sống giải trí, thể thao, trường còn không quên đốc thúc việc học, giám sát việc chi tiêu để các bậc phụ huynh yên tâm khi gửi con sang đây.

 

“Côn Minh là thành phố của du lịch và mua sắm, nếu lơ là, các bạn mới sang sẽ dễ quên ngay mục đích chính. Bởi thế, khi đăng ký đi du học ở đây, các bậc phụ huynh khi đưa tiền cho con em mình đều được hướng dẫn chuyển vào tài khoản. Việc chi tiêu, ăn ở sẽ được khống chế để không xảy ra tình trạng sinh viên ăn chơi về “nã” tiền bố mẹ như các trường khác” - Thọ cho biết.

 

Ấn tượng du học sinh Việt Nam ở Côn Minh - 4

Lý Chường Thọ (trái) và Bùi Thanh Hồng, hai gương mặt tiêu biểu của du học sinh Việt Nam ở Côn Minh.

 

Nghiêm là thế, nhưng sinh viên ở đây vẫn nghĩ ra đủ trò để “quậy”. Sinh viên ở Côn Minh chủ yếu đi lại bằng xe bus. Một lượt 1 đồng (tương đương với gần 2.000 VNĐ), cứ thế thả tiền vào máy. Nhưng 1 đồng khi “móm” cũng là cả một gia tài. Sang đấy lại không có phương tiện di chuyển nào khác, đành tìm cách “tiết kiệm” thôi. Thế là các sinh viên nhà mình nghĩ ra một kế: xé đôi tờ tiền, sau đó gấp lại, chả có máy nào biết mở tiền ra soi, coi như thoát!

 

“Sinh viên nghịch tí thôi, chứ nhiều khi… cực chẳng đã mới phải làm thế. Nói chung sinh viên mình sang đây đều chăm ngoan, được bạn bè các nước rất quý!” - cả Hồng và Thọ cùng “thanh minh” sau khi kể chuyện “quậy” của dân mình.

 

Phong Lan