8 năm chăm sóc mẹ bệnh nặng vẫn đỗ thủ khoa

(Dân trí) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 ở Sóc Trăng, nhiều người rất ngạc nhiên và thán phục khi biết người giật giải thủ khoa là một cô bé nhỏ nhắn vừa học vừa chăm sóc mẹ bị tai biến mạch máu não suốt 8 năm trời.

Và, mới đây, khi có kết quả kỳ thi tuyển vào đại học, thầy cô và bà con lối xóm lại một lần nữa khen ngợi em khi biết tin em đỗ vào trường đại học Cần Thơ…Cô học trò ấy chính là Nguyễn Thị Tố Quyên, học sinh Trường THPT Phan Văn Hùng, xã Đại Hải, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng).

Chiều ngày 28/8, có mặt tại Trường THPT Phan Văn Hùng, tôi được thầy Nguyễn Anh Thạc, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm nay trường có trên 20 học sinh đỗ chính thức nguyện vọng một vào các trường đại học công lập ở TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ, trong số này có Nguyễn Thị Tố Quyên. Thầy Thạc nói: “Ở đây nhiều em có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng vẫn chăm học và học giỏi, trong số này trường hợp em Tố Quyên là đặc biệt nhất khi cha là nhân viên văn phòng của trường THCS xã, thu nhập một tháng không bao nhiêu, mẹ bị tai biến liệt nửa người nằm một chỗ, hai em còn đi học, khó khăn bủa vây tứ phía nhưng em vẫn chăm học và đạt được thành tích đáng khâm phục”.

8 năm chăm sóc mẹ bệnh nặng vẫn đỗ thủ khoa - 1
Tố Quyên đang nấu thuốc cho mẹ. (Ảnh: Duocsangdongdu) 

Trò chuyện cùng tôi, Tố Quyên kể: "Năm 2001, em tốt nghiệp tiểu học đạt loại giỏi nhưng niềm vui không kéo dài bởi cùng năm đó mẹ em (chị Nguyễn Thị Vân) bị tai biến mạch máu não. Chứng bệnh tai biến đã làm cho mẹ em bị liệt nửa người bên trái. Nhìn mẹ mới ngày nào còn khỏe mạnh nhưng bây giờ phải nằm yên một chỗ Quyên không cầm được nước mắt, nhất là mỗi khi căn bệnh quái ác hành hạ mẹ. Kể từ khi mẹ ngã bệnh, thời gian học của em  bị rút ngắn lại để còn thời gian chăm sóc mẹ. Những năm đó, cha em công tác tại tại Trường THCS xã Đại Hải. Thấy cha sau khi đạp xe đi làm cách nhà 3-4km về chưa kịp nghỉ ngơi là phải lo việc nhà và chăm sóc mẹ, Quyên rất thương cha vất vả vì cả nhà, nhất là những việc như cơm nước giặt giũ, chăm sóc mẹ. Vậy là Quyên quyết định làm những công việc của cha để cha đỡ vất vả. Mỗi sáng em thức dậy thật sớm để giặt quần áo, lo cơm nước cho cả nhà cùng thuốc men cho mẹ. Xong việc nhà, em tranh thủ xem lại bài vở rồi mới đến trường". Cứ như vậy suốt 7-8 năm nay Quyên trở thành người nội trợ đắc lực của gia đình.

Quyên còn nói với tôi: “Em là chị gái lớn, sau em còn hai em đang học lớp 6 và lớp 7. Hồi mẹ còn khỏe việc nhà mẹ làm hết, từ khi mẹ ngã bệnh em thấy mình phải làm việc nhà thay mẹ để cha yên tâm công tác và các em có điều kiện học tốt hơn”. Sau giờ học, em nhanh chóng chạy ngay về nhà ngay để xem sức khỏe của mẹ và nấu cơm trưa cho cả nhà, sắc thuốc uống cho mẹ. Đều đặn ngày nào cũng vậy. Quyên nói với tôi: "Nhiều khi thấy mẹ nằm ở nhà một mình trong cơn đau vật vã, các em lại còn nhỏ, đã có lần em định nghỉ học để có thời gian chăm sóc mẹ nhiều hơn. Nhưng nhớ lại lúc còn khỏe mẹ từng dặn em phải ráng học cho tốt học tập, trước là để trau dồi kiến thức cho mình, sau nữa làm gương cho hai em, vì vậy em tự nhủ với mình phải cố gắng làm theo lời mẹ dặn mẹ vui lòng. Những hôm được điểm tốt mang về khoe với mẹ, em thấy mẹ vui hẳn lên và có phần như khỏe ra".

Dù vừa chăm sóc mẹ bệnh, vừa lo việc nhà nhưng Tố Quyên vẫn sắp xếp thời gian cho việc học tập (dù chỉ chiếm rất ít trong quỹ thời gian của em). Theo Tố Quyên, thời gian học của em, ngoài những giờ ở lớp, còn lại chủ yếu vào ban đêm hoặc tranh thủ lúc vừa nấu cơm vừa học bài. Nhiều bữa trở trời mẹ lên cơn đau tì em lại tranh thủ xoa bóp cho mẹ, chờ mẹ ngủ ri rồi em mới lấy sách vở ra học bài, có hôm đến tận khuya mới học xong. Vất vả là vậy, khó khăn là vậy nhưng bảng vàng thành tích học tập giỏi của Tố Quyên vẫn ngày một dày thêm bởi những tấm giấy khen, bằng khen của trường, của ngành, của địa phương tặng cho em. Liên tục 12 năm cắp sách đến trường là 12 năm em đạt danh hiệu Học sinh giỏi toàn diện. Không chỉ có vậy, năm lớp 12 vừa qua, em còn đạt giải Ba trong kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh ở môn Sinh học do Sở GD-ĐT Sóc Trăng tổ chức.

Đặc biệt, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 vừa qua, vượt qua gần 10.000 thí sinh của tỉnh, Tố Quyên đã xuất sắc đạt danh hiệu thủ khoa với 54,5 điểm.

Hỏi cảm xúc của Quyên khi biết mình đạt danh hiệu thủ khoa tốt nghiệp của tỉnh, Quyên vui vẻ nói: “Khi biết tin mình đỗ thủ khoa em không tin bởi so với nhiều bạn trong trường hay so với các bạn ở trường Chuyên Nguyễn Thị Minh Khai của tỉnh, trường THPT Hoàng Diệu ở thành phố Sóc Trăng, em thấy mình chưa bằng các bạn đó. Nhưng khi nhìn vào bảng ghi điểm em mới tin là thật. Lúc đó em mừng đến phát khóc, em muốn chạy thật nhanh về nhà báo tin cho cả nhà, nhất là mẹ. Nếu không có lời mẹ dặn chưa chắc em đã đạt được kết quả đó đâu”.

Anh Nguyễn Văn Điều, cha Tố Quyên, nói với tôi: “Nghe tin con thi đỗ thủ khoa, tôi bất ngờ và mừng lắm. Mấy ngày đó tôi thấy mẹ cháu cũng vui hẳn lên”. Nhận xét về Tố Quyên, cô Hồ Thị Tứ giáo viên dạy Văn trường THPT Phan Văn Hùng, nói: “Tố Quyên là một em học sinh rất có hiếu với cha mẹ, có nghị lực rất lớn. Ở hoàn cảnh của em, theo học cho xong phổ thông cũng đã là đáng khen, còn em lại học giỏi nữa, đáng khâm phục lắm”.

Khi chúng tôi hỏi thêm về hoàn cảnh gia đình Tố Quyên, một giáo viên của trường cho biết thêm: Ngôi nhà mà gia đình em đang ở hiện nay là do anh em bà con thấy hoàn cảnh cha mẹ em quá khó khăn nên gom góp người ít người nhiều cho cha mẹ em mượn làm nhà chứ gia đình em không thể có khả năng để làm nhà.

Trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, Tố Quyên cũng đã thi đỗ vào chuyên ngành Quản trị kinh doanh của Trường đại học Cần Thơ. Quyên tâm sự: “Biết mình đỗ đại học em vui nhiều nhưng cũng lo lắm. Lo vì nếu mai mốt đây em đi học không biết ai chăm sóc mẹ và lo việc nhà cho cha và em. Cha em đi trường suốt ngày, hai em đang đi học. Một phần nữa là không biết lấy tiền đâu để nhập học và theo học suốt 4 năm khi mà cả nhà chỉ trông vào nguồn thu từ lương chưa đầy 800.000đồng mỗi tháng của cha và 3 công ruộng làm lúa”.

Khi tôi hỏi ý định của Tố Quyên sau khi lên Cần Thơ nhập học, em nói: “Trước mắt em bàn với cha vay tiền ngân hàng chính sách xã hội để có tiền nộp học phí, sau đó em sẽ kiếm việc làm thêm để bớt gánh nặng cho cha và cố gắng học tốt để sau này có việc làm giúp cha mẹ nuôi hai em ăn học”.

Theo Cao Xuân Lương
Duocsangdongdu